12/04/2017 15:11 GMT+7

Hai anh em Nghị - Sỹ

QUỲNH TRUNG
QUỲNH TRUNG

TTO - Vì hoàn cảnh gia đình, cách đây hơn 10 năm, hai anh em ruột Lê Thanh Nghị và Lê Tiến Sỹ quyết định rời quê hương Nghệ An đi xuất khẩu lao động sang Malaysia.

Vợ con của hai anh em Lê Thanh Nghị (thứ hai từ trái) và Lê Tiến Sỹ tại văn phòng Tập đoàn xây dựng Pembinaan Prima Indah ở Kapar, TP Klang - Ảnh: Quỳnh Trung
Vợ con của hai anh em Lê Thanh Nghị (thứ hai từ trái) và Lê Tiến Sỹ tại văn phòng Tập đoàn xây dựng Pembinaan Prima Indah ở Kapar, TP Klang - Ảnh: Quỳnh Trung

 

Nếu chẳng may xảy ra tai nạn hoặc ai đó ốm đau thì các công nhân Việt Nam chỉ biết tự đùm bọc, chăm sóc lẫn nhau

Anh Lê Thanh Nghị

Ba năm đầu bị môi giới sang tay, làm việc vất vả như nô lệ. Sau đó hai anh em tách ra làm riêng, bằng nghị lực phi thường và ham học hỏi, hai anh em nhận thầu ốp gạch đá cho một tập đoàn xây dựng của Malaysia, tạo công ăn việc làm cho hàng chục người Việt xa xứ.

1.000 ngày như “nô lệ”

Rất nhiều dân lao động nhập cư từ nhiều nước như Bangladesh, Nepal, Ấn Độ, Indonesia, Việt Nam, Myanmar đổ xô về thành phố cảng Klang vì nơi đây tập trung nhiều công trình xây dựng.

Anh Bùi Việt Tuấn, trưởng ban liên lạc cộng đồng Việt Nam tại Klang, cho biết nếu như công nhân xây dựng ở Klang chỉ kiếm được mức lương trung bình 2.000 - 2.800 ringgit/tháng (10 - 15 triệu đồng/tháng) thì chủ thầu xây dựng có thể kiếm được mức lương cao hơn, dao động 10.000 - 70.000 ringgit/tháng (50 - 350 triệu đồng/tháng).

Trong số các nhà thầu xây dựng uy tín ở Klang có hai anh em người Việt là Lê Tiến Sỹ (36 tuổi) và Lê Thanh Nghị (33 tuổi).

Chúng tôi gặp hai anh em này trưa 3-4 tại văn phòng Tập đoàn xây dựng Pembinaan Prima Indah ở Kapar, TP Klang. Văn phòng công ty cũng chính là nơi tá túc của hai anh em cùng gia đình nhỏ của họ.

Hai em Nghị - Sỹ sinh ra ở một vùng quê nghèo khó tại xã Diễn Châu, tỉnh Nghệ An trong gia đình đông con gồm sáu anh em, trong đó anh Sỹ thứ năm và anh Nghị là con út.

Năm 2006 vì hoàn cảnh gia đình quá nghèo, cha mẹ chỉ có 7 triệu đồng tiền mặt nên phải bán một con bò và cầm cố đất đai cho ngân hàng để kiếm đủ số tiền 44 triệu đóng phí môi giới để hai anh em Nghị - Sỹ xuất khẩu lao động qua Malaysia.

Mang theo 2 triệu đồng phòng thân háo hức lên đường, nhưng không ngờ đất nước Malaysia xa lạ lại “đón chào” mình theo một cách hai anh em chưa bao giờ mường tượng trước đó, như anh Sỹ thú nhận sau này: “có lúc tưởng đã chết vì đói nơi xứ người”.

Trái với lời hứa hẹn trước đó sẽ sắp xếp cho hai anh em làm việc tại một xưởng mộc với mức lương cao, công ty môi giới đưa hai anh vào giúp việc cho một tiệm cơm chay ở khu Kepong thuộc thủ đô Kuala Lumpur với mức lương 800 ringgit/tháng (hơn 4 triệu đồng).

“Lúc mới sang chỉ biết một chút tiếng Anh nhưng không nói được. Làm việc vất vả mỗi ngày từ 6h sáng đến 10h tối nhưng buổi sáng ông chủ chỉ cho hai mẩu bánh mì nhỏ xíu, bữa trưa và tối chỉ có hai chén cơm trắng ăn với tương ớt. Ông chủ thường xuyên chửi và đòi đánh. Có lúc đang ăn, chủ bắt phải bỏ dở chén cơm xuống để lau chùi nhà vệ sinh” - anh Sỹ nhớ lại.

Trải qua hai tuần đầu “địa ngục” ở tiệm cơm chay, hai anh em gọi cho công ty môi giới đề nghị chuyển công việc khác, nhưng đáp lại chỉ là lời động viên: “Mới qua nên chưa quen. Các anh cứ cố gắng”.

Rồi tuần thứ ba khi cạn kiệt tiền bạc, hai anh em gọi điện cho công ty môi giới. Họ hứa sẽ chuyển công việc nhưng chỉ là hứa hẹn và sau đó họ lặn mất tăm. Rồi một hôm sau giờ làm, anh Sỹ đi dạo phố thì may mắn nghe được một nhóm người nói chuyện với nhau bằng tiếng Việt.

“Lúc đấy chỉ biết là mình đã có cơ hội sống rồi. Sau khi kể câu chuyện của hai anh em cho họ nghe, những người Việt dẫn hai anh em về phòng và luộc con gà cho ăn” - anh Sỹ kể.

Sau đó, những đồng hương Việt Nam gây áp lực cho công ty môi giới nên họ mới đồng ý chuyển hai anh em sang làm công nhân xây dựng. Tuy nhiên, công ty môi giới thu giữ luôn hộ chiếu của họ, khiến hai anh em phải làm công nhân xây dựng thêm ba năm với mức lương trung bình 30 ringgit/8 tiếng.

Trong thời gian ba năm làm công nhân xây dựng, hai anh em lang bạt từ công trình này đến công trình khác ở khắp Malaysia. Ngày lao động ở công trường, tối về ngủ tại các lán gỗ được dựng tạm ngay bên trong công trường, thường xuyên bị muỗi và rệp cắn, cũng có khi phải ở trong những container ngột ngạt, chật ních người.

Anh Nghị kể vất vả nhất là nhiều công trường xây dựng thiếu điện nước sinh hoạt. Ngoài ra, giới chủ không có bất kỳ chính sách bảo hiểm y tế hay xã hội nào cho các công nhân nhập cư.

“Nếu chẳng may xảy ra tai nạn hoặc ai đó ốm đau thì công nhân Việt Nam chỉ biết tự đùm bọc, chăm sóc lẫn nhau. Có lần anh Sỹ bị sốt virút phải vào bệnh viện truyền máu bảy lần/ngày. Lúc đó giấy tờ không có, phải mượn giấy tờ của người khác để đưa anh Sỹ nhập viện” - anh Nghị kể.

Còn anh Sỹ nhớ lại: “Lúc đó tôi rất lo không có tiền trả viện phí nhưng may mắn căn bệnh của tôi mắc phải rất phổ biến ở Malaysia nên Nhà nước Malaysia có chính sách chữa trị miễn phí cho tất cả mọi người, trong đó có lao động nhập cư như tôi”.

Trở thành ông chủ tốt bụng

Sau khi hết hạn ba năm hợp đồng với công ty môi giới, bằng sự quyết tâm vượt khó, trau dồi thêm ngoại ngữ, hai anh em Nghị - Sỹ tập hợp các lao động người Việt xa xứ làm nghề ốp gạch đá cho các công trình xây dựng ở Klang.

Qua thời gian tạo được uy tín, hai anh em phụ trách thầu ốp gạch đá cho Pembinaan Prima Indah - một tập đoàn xây dựng ở Malaysia.

“Sau bao nhiêu cố gắng và may mắn, kinh tế gia đình đã ổn định. Bây giờ chúng tôi làm nhà, mua đất và có tiền gửi ngân hàng ở quê nhà. Nói chung mình đi Malaysia cũng không thua kém gì những người Việt đi Hàn Quốc hoặc châu Âu” - anh Sỹ bộc bạch.

Từ thân phận “nô lệ” những ngày đầu, hai anh em Lê Thanh Nghị và Lê Tiến Sỹ đã trở thành những ông chủ tốt bụng, tạo công ăn việc làm cho rất nhiều người Việt xa xứ ở Malaysia.

Ông Xuân Đại (45 tuổi) đến từ Hà Tĩnh, người từng bị cảnh sát Malaysia bắt giam vì nghi là lao động bất hợp pháp cách đây hai năm và sau đó được hai anh em Nghị - Sỹ tiếp nhận, cho biết ông rất biết ơn sự cưu mang của họ.

Những lao động Việt Nam khác tại một công trường xây dựng nhà ở tại Klang cũng chung nhận xét hai anh em Nghị - Sỹ làm ăn rất đàng hoàng, lương trả cho họ đều đặn và đầy đủ. Những công nhân ốm đau được hai anh em chăm sóc tận tình.

“Chúng tôi trả lương trung bình cho công nhân Việt Nam từ 2.000 - 2.800 ringgit/tháng. Công nhân Bangladesh thì chúng tôi trả thấp hơn vì họ không chịu khó như người Việt và tay nghề không bằng” - anh Nghị cho biết.

Rồi ông chủ trẻ với gương mặt phúc hậu người Nghệ An chia sẻ dù hiện tại kinh tế Malaysia đang khó khăn và đồng tiền trượt giá nhiều nhưng hai anh em vẫn cố bám trụ.

“Chúng tôi hi vọng Malaysia sẽ khởi sắc với dàn lãnh đạo mới được bầu vào năm 2018” - anh Nghị nói.

Cách đây ba năm khi đồng ringgit chưa trượt giá, hai anh em Nghị - Sỹ có trong tay đội ngũ lao động lên đến 50 người, bao gồm 30 công nhân Việt Nam và 20 công nhân Bangladesh. Nhưng bây giờ kinh tế Malaysia suy thoái và đồng tiền trượt giá nhiều nên nhiều công nhân của họ bỏ về nước.

Hiện tại hai anh em quản lý đội ngũ công nhân 30 người, gồm 20 người Việt. Trong số này có người đã đi xuất khẩu lao động ở nhiều nước gồm Ả Rập, Qatar, Lào, Malaysia...

______________________________________

Kỳ tới: Xóm người Chăm An Giang ở Klang

Xem kỳ trước

>> Kỳ 1: Làm quần quật ở xứ người để lo cho gia đình

 

QUỲNH TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên