* Rau xanh tăng giá, loạn giá thiết bị chống rét
Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Xuân Việt đã có chỉ đạo như vậy trong văn bản gửi các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã trước tình hình rét đậm, rét hại ở miền Bắc.
Trước mắt, UBND TP Hà Nội yêu cầu chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã tập trung chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các biện pháp chống rét cho diện tích mạ đã gieo, chống đói chống rét cho đàn gia súc, gia cầm, thủy sản, nhất là đàn trâu, bò, đàn cá giống, nhằm giảm thiểu thấp nhất thiệt hại cho sản xuất.
Để hạn chế tới mức thấp nhất về thiệt hại do rét đậm, rét hại, UBND TP yêu cầu các quận, huyện, thị xã cử các đoàn công tác, phân công cụ thể lãnh đạo huyện và cán bộ chuyên môn kỹ thuật của huyện xuống cơ sở kiểm tra, chỉ đạo, hướng dẫn, giúp đỡ các địa phương thực hiện những biện pháp chống rét cho mạ, đàn gia súc, gia cầm và thủy sản theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.
Ngoài ra, UBND TP Hà Nội cũng yêu cầu từng quận, huyện giao trách nhiệm cho cấp ủy, chính quyền cơ sở và người đứng đầu thôn, bản phối hợp với các đoàn thể tích cực tham gia chống rét, chống đói cho vật nuôi và chống rét cho diện tích mạ đã gieo.
Chính quyền cơ sở có trách nhiệm thống kê đầy đủ số lượng gia súc, gia cầm, thủy sản bị thiệt hại. Chủ động sử dụng ngân sách dự phòng của địa phương để phục vụ kịp thời công tác phòng chống rét cho vật nuôi, hỗ trợ vật tư, kinh phí cho các hộ chăn nuôi nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ đồng bào dân tộc để gia cố, che chắn chuồng trại và mua thức ăn bổ sung cho đàn gia súc theo quy định hiện hành.
Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, hiện trên địa bàn TP có hơn 25.000 con trâu, gần 142.000 con bò, trong đó bò sữa chiếm hơn 14.400 con.
Trước bất lợi của thời tiết, đặc biệt theo dự báo thời tiết trong những ngày tới còn tiếp tục xảy ra rét đậm, rét hại, Sở NN&PTNT Hà Nội đã đề nghị các ngành chức năng cũng như chính quyền địa phương cần thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở các hộ chăn nuôi và bà con nông dân phương pháp, cách phòng chống rét hiệu quả.
* Ngày 26-1 rét đậm, rét hại cộng với mưa dầm khiến rau xanh bán tại các chợ dân sinh ở Hà Nội như Láng Hạ, Ngọc Hà, Nghĩa Tân... tăng chóng mặt, thậm chí có mặt hàng tăng gấp 2-3 lần so với mấy ngày trước.
Bà Huệ (Kim Mã, Ba Đình) cho biết giá bắp cải được các chợ bán với giá lên tới 22.000 đồng/kg, tăng mạnh so với mức giá những ngày bình thường trước đó chỉ có 10.000 đồng/kg! Tương tự, cà chua được bán với giá 25.000 đồng/kg, tăng 2,5-3 lần so với cách đây một tuần (8.000-10.000 đồng/kg).
“Có mấy cọng hành lá mà cũng 5.000 đồng. Tiền mua rau còn nhiều hơn cả mua thịt, cá!” - bà Huệ nói.
Còn chị Nguyệt, tiểu thương bán rau xanh ở chợ Ngọc Hà, cho rằng rau xanh sẽ tiếp tục giữ giá ở mức cao ít nhất trong một tuần, thậm chí đến ra Tết Nguyên đán. Theo lý giải của chị Nguyệt, bởi mưa kéo dài, nhiệt độ ngoài trời chỉ 6-7OC nên rau không phát triển được mà còn chết vì mưa rét.
Đi theo rét, giá các thiết bị chống rét không chỉ tăng mạnh mà còn loạn tại các điểm bán đồ điện lạnh trên phố Phùng Hưng, Tôn Đức Thắng...
Tại một số cửa hàng trên phố Phùng Hưng, túi chườm đa năng sản xuất tại VN có giá 150.000 - 160.000 đồng/chiếc, cao hơn 20.000 đồng/chiếc so với trước đó hai ngày, nhưng nhiều chủ cửa hàng còn cho biết không có hàng mà bán. Nếu lấy số lượng trên 10 chiếc, cửa hàng mới giao túi chườm và người mua phải chịu phí vận chuyển.
Ông Hậu (Tây Sơn, Đống Đa) - khách mua máy sưởi - cho hay cùng một loại máy sưởi mà một cửa hàng ở Cầu Giấy bán 750.000 đồng/chiếc, nhưng tại cửa hàng trên phố Tôn Đức Thắng nói giá chỉ có 650.000 đồng. Trong khi đó cũng loại máy sưởi này, hai ngày trước ông mua có 450.000 đồng/chiếc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận