Các cáo buộc liên quan đến phần mềm gián điệp Pegasus làm rung chuyển Ba Lan những tuần gần đây - Ảnh: AFP
"Sẽ thật tệ nếu các cơ quan Ba Lan không có công cụ dạng này", ông Kaczynski, cũng là phó thủ tướng Ba Lan, nói trong cuộc phỏng vấn với tạp chí Sieci (Ba Lan).
Pegasus có thể biến điện thoại thông minh thành thiết bị gián điệp bỏ túi, cho phép người dùng đọc tin nhắn của mục tiêu và truy vết họ. Thậm chí, người dùng Pegasus có thể bật camera và micro của mục tiêu mà không bị phát hiện.
Ngày 7-1, Hãng tin AFP cho biết những cáo buộc gần đây về việc sử dụng phần mềm gián điệp Pegasus đang làm rung chuyển Ba Lan, tương đương với bê bối nghe lén Watergate đã dẫn tới việc tổng thống Mỹ Richard Nixon từ chức năm 1974.
Trong cuộc phỏng vấn, khi được hỏi về các cáo buộc Chính phủ Ba Lan dùng phần mềm này để nghe lén các đối thủ chính trị, ông Kaczynski nói chương trình này "được nhiều cơ quan chống tội phạm và tham nhũng ở các nước sử dụng".
Phó thủ tướng Kaczynski bác bỏ cáo buộc của phe đối lập, nhấn mạnh: "Tại Ba Lan, hệ thống giám sát các hoạt động như vậy là một trong những hệ thống nghiêm ngặt nhất tại châu Âu", ông Kaczynski nói thêm.
Tuy nhiên, theo AFP, Cơ quan giám sát an ninh mạng Citizen Lab (Canada) cho biết phần mềm gián điệp Pegasus đã được sử dụng để theo dõi 3 nhân vật đối lập tại Ba Lan, trong đó có nghị sĩ Krzysztof Brejza của Đảng Nền tảng công dân (Civic Platform) Ba Lan.
Trước đó, Công ty NSO Group, chủ sở hữu phần mềm Pegasus, cho biết họ "chỉ bán cho các cơ quan thực thi pháp luật hợp pháp vốn sử dụng hệ thống này để chống tội phạm, khủng bố và tham nhũng".
Tháng 11-2021, Mỹ đưa Công ty NSO Group của Israel vào danh sách đen vì cho rằng công nghệ của họ bị nhiều chính phủ nước ngoài dùng để đàn áp những người bất đồng chính kiến.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận