"Sắp đến Tết rồi, về nhà rất vui" - bé Anh Huy (6 tuổi) cứ hát líu lo khi nghe mẹ nói năm nay cả nhà sẽ về Đồng Tháp vào 28 Tết. Ở quê có anh trai Huy đang học lớp 6 ở với ông bà.
Khó cũng ráng về với cha mẹ, họ hàng
"28 công ty cho nghỉ thì về. Hai vợ chồng đều làm công nhân công ty sản xuất bếp gas. Năm rồi thu nhập cả hai đều giảm mỗi người 3 triệu đồng/tháng, cũng khó khăn lắm nhưng kiểu gì cũng dành dụm Tết đến về quê ăn Tết với cha mẹ, anh chị em trong nhà. Hai vợ chồng chờ công ty thưởng Tết.
Hy vọng được chừng hơn chục triệu đồng. Năm nay khó khăn không sắm sửa gì nhiều, chỉ mua đồ cho hai đứa nhỏ, rồi gửi ông bà hai bên chút quà. Tết về quê chơi với ông bà hai bên là vui rồi" - chị Huỳnh Thị Oanh, mẹ bé Huy, chia sẻ.
Đến phòng trọ của gia đình chị Võ Thị Kiều Xin (quê Cà Mau) đúng lúc chị đang nấu bữa tối, chị bắc cái bếp gas nhỏ ra nền nhà rồi nấu một nồi rau với thịt viên để chan với bún.
"Mọi năm bán được 10 thì năm nay bán được ba. Hàng quán đóng cửa nhiều, quán nào còn mở thì cũng không có nhiều khách như trước. Rồi một phần là cũng có thêm nhiều người bán nên buôn bán khó hơn", chị nói về nghề bán rau mà hai vợ chồng chị đã làm hơn chục năm nay.
Khó thì khó vậy nhưng nhà chị cũng đã chuẩn bị Tết. Chị kể: "Chưa tới tháng 12 là ông bà đã gọi điện hỏi lo hai đưa nhỏ về quê bằng cách nào. Mọi năm tôi gửi hai con theo dì ruột về quê trước, vợ chồng tôi bán rau cận Tết rồi về bằng xe máy. Năm nay công ty đóng cửa, mấy dì tụi nhỏ đã về quê sớm.
Cả nhà sẽ đi xe đò về quê, nhẩm tính chi tiêu Tết sẽ khoảng 10 - 15 triệu đồng. Mừng tuổi cha mẹ hai bên, gửi các anh chị, còn lại thì tiền xe, ăn uống ở nhà cũng không tốn kém".
Con 9 tuổi cũng là chín năm chị Thúy (47 tuổi, ngụ Bình Tân, TP.HCM) nghỉ làm công nhân nhà máy, chuyển qua nhận hàng làm tại nhà. "Trước còn có hàng làm lai rai. Ba tháng nay không có hàng làm nên tôi chỉ ở nhà đưa đón con đi học. Chồng làm tài xế lái xe cho công ty nhưng năm rồi lương cũng bị giảm 4-5 triệu đồng mỗi tháng", chị kể.
Một năm khó khăn, để trang trải cho gia đình chị đã cắt giảm chi tiêu hết mức. Biết con mong Tết về quê nên dù có khó khăn thì Tết nào vợ chồng chị cũng sắp xếp đưa con về thăm ông bà.
"Năm nay chắc cũng không có thưởng, nhưng tháng lương tới lãnh ngay trước lúc nghỉ Tết thì lấy tiền đó về quê ăn Tết luôn. Về quê cũng không tốn kém lắm, có nhiều thì cho con cháu nhiều, có ít thì gói ghém cũng đủ vui", chị kể.
Tết gói ghém
Kết thúc một ngày dài giao hàng, anh Phạm Văn Hiền (30 tuổi, ngụ xã Tân An Hội, huyện Củ Chi) cho biết trước đây làm công nhân trong khu công nghiệp, sau dịch, việc lúc có lúc không nên chuyển qua nghề giao hàng.
"Nghe nói tiền thưởng chỉ khoảng được nửa tháng lương. Nhưng nghĩ lại mình vậy là chưa tới nỗi nào, vẫn cố gắng lo được cho cha mẹ đau bệnh và hai đứa con, một học lớp 3, một mới lên 2 tuổi", anh nói.
Vợ anh vừa chăm con nhỏ vừa dậy từ 2h sáng mỗi ngày luộc khoai lang bán. Cứ 3-4 ngày, anh lại chạy xuống chợ đầu mối cách nhà hơn 20km lấy khoai về cho vợ nấu bán. Anh cho biết năm nay thu nhập không bằng năm ngoái, giá cả chi tiêu tăng nên nhà anh sẽ ăn Tết tiết kiệm, hạn chế tối đa những khoản chi tiêu, quà bánh không cần thiết.
"Tết vợ chồng tôi sẽ mua quần áo mới cho hai đứa nhỏ. Tết không rộn ràng như xưa nhưng chúng tôi cũng chuẩn bị mấy món Tết, kho nồi thịt, đưa con đi chơi gần nhà, ở đâu cũng có không khí Tết", anh cho hay.
"Cà phê đá hay cà phê sữa chị ơi?" - chị Nguyễn Thị Cẩm Tiên (34 tuổi, ngụ quận Tân Bình) nhanh tay mở nắp thùng lấy đá viên, nhanh nhẹn pha cà phê mời một nhóm khách đi chơi khuya về. Xong đâu đó, chị mới trải lòng chuyện Tết nhất.
Quê huyện Thanh Bình (Đồng Tháp), trước đây chị lên TP.HCM làm công nhân. Lấy chồng, chị chuyển sang bán giải khát. Cái xe đẩy với hai bộ bàn ghế nhựa xếp gần một trung tâm mua sắm, ngày mẹ chồng bán, đêm tới lượt chị. Chị nói: "Tôi bán lai rai, khách giờ nào cũng có, khuya thì người ta đi chơi, đi làm về trễ ghé mua chai nước".
Chồng chị làm tài xế xe công nghệ từ đêm tới sáng, ghé dọn dẹp quán rồi hai vợ chồng mới về nhà. "Chạy đêm chở khách, ngày nào đắt khách kiếm cỡ 500.000 đồng, ế khách cũng 200.000 đồng", chị nói. Tối chị có để ghế dài, võng giăng, khi ngớt khách tranh thủ chợp mắt.
Chị cho biết mình bán tới 30 Tết rồi nghỉ tới mùng 6 bán lại. Chị kể mình còn hai em nhỏ dưới quê, cha đã lớn tuổi chỉ trông coi vườn tược, em út đang học lớp 4 nên mỗi tháng chị gửi vài triệu đồng cho cha lo cho em ăn học. Tất bật đến 30 Tết nhưng nhất định chị sẽ về quê nội ngoại ăn Tết.
Tuy bận rộn, vất vả nhưng lại đong đầy niềm vui khi làm lụng đến ngày cuối năm, cố gắng lo liệu được cho gia đình.
Về nhà có Tết bình an
Mẹ tôi gọi điện thoại dặn đi dặn lại: "Tết về nhà nha con, đừng mua quà gì, với ba má có con cháu là có Tết. Về nhà nghỉ ngơi, bình yên là quý nhất rồi con".
Mẹ biết vợ chồng tôi năm nay lương thưởng ít nên mọi việc sắm sửa chi tiêu Tết nhứt cắt giảm hết mức. Lời mẹ có sự động viên khích lệ lớn với những người con xa như chúng tôi. Khó khăn nếu có thì dè sẻn chi tiêu một chút.
Tết cận kề, món quà lớn nhất cho nhau chính là nghĩ về người thân và làm điều cần nhất cho gia đình mình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận