25/08/2021 08:17 GMT+7

Gỡ rối giấy đi đường: Không thể chờ

NGỌC HIỂN - NHƯ BÌNH
NGỌC HIỂN - NHƯ BÌNH

TTO - Nhà dân nằm đối diện nhưng cửa hàng gas không thể giao; hàng xuất khẩu gấp cần chở ra cảng nhưng phải nằm chờ... Người dân và doanh nghiệp ở TP.HCM mong TP thống nhất và giữ ổn định giấy đi đường, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để 'gỡ' rối...

Gỡ rối giấy đi đường: Không thể chờ - Ảnh 1.

Nhân viên giao gas khu vực quận 4 (TP.HCM) vào sáng 24-8 - Ảnh: T.T.D.

Hàng loạt doanh nghiệp thuộc nhiều ngành nghề 'tắc' giấy đi đường trong hai ngày qua khiến hoạt động ngưng trệ. Một số doanh nghiệp vừa có giấy đi đường thì lại được thông báo đến 0h ngày 25-8 giấy cũ hết hiệu lực, lại chuẩn bị hồ sơ, trong khi thủ tục vẫn khiến doanh nghiệp lúng túng.

Thiếu hướng dẫn cụ thể

Ngày 24-8, bà Trương Thị Kim Hoa - ngụ đường Phạm Văn Đồng (phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức) - cho biết liên hệ cả 3 cửa hàng đều không được giao gas với lý do "không có giấy đi đường". Đáng nói, cửa hàng gas V. nằm đối diện nhà bà nhưng bà cũng không thể nhận được gas do đây là đường lớn, muốn giao gas nhân viên phải đi qua chốt kiểm soát nhưng lại không có giấy tờ.

Phản ảnh đến Tuổi Trẻ chiều 24-8, nhiều cửa hàng gas không tránh khỏi bức xúc vì chưa được cấp giấy đi đường hoặc các doanh nghiệp đã được cấp giấy đi đường thì chỉ có hiệu lực vài giờ đồng hồ. Ông H.V.H. - giám đốc điều hành một hệ thống gas ở TP.HCM - cho biết có khoảng 300 người gọi gas trong ngày 24-8 nhưng không thể nhận.

Trong khi đó, ông Phạm Tấn Đạt - phó giám đốc điều hành Công ty T.H.V. - cho biết dù TP đã có văn bản yêu cầu không kiểm tra giấy đi đường của xe đã có mã QR song 2 chốt vẫn không cho xe tải chở gas đi qua trong ngày 24-8.

Theo văn bản của UBND TP.HCM, từ 0h ngày 25-8 các mẫu giấy đi đường đã cấp sẽ hết hiệu lực, các doanh nghiệp phải sử dụng mẫu mới do Công an TP.HCM cấp. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cho biết chưa biết việc lập danh sách gửi đến công an do doanh nghiệp tự làm hay quận huyện sẽ chuyển danh sách cũ đến ngành công an và thời gian cấp là bao lâu.

Doanh nghiệp xuất khẩu cũng chờ

Anh Sang, đại diện một doanh nghiệp xuất nhập khẩu tại TP.HCM, cho biết trong ngày 24-8, sau nhiều giờ chờ đợi ở Sở Công thương TP.HCM, doanh nghiệp đã có giấy đi đường để xử lý lô hàng xuất khẩu gấp cần chở ra cảng Cát Lái. "Còn rất nhiều doanh nghiệp khác trong ngành không có được giấy này vì cơ quan cấp giấy cũng đang quá tải" - anh Sang nói.

Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu được cấp giấy đi được trong ngày 24-8 cũng hết sức hồi hộp vì không rõ từ ngày 25-8 giấy của họ còn hiệu lực không. Theo các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, hai ngày nay cảng rất trống và vắng do gần như không có nhân viên nào đủ giấy tờ để được đến cảng. Hoạt động xuất nhập khẩu, vì thế, có nguy cơ đình trệ.

Theo công văn 3996 của Sở Công thương TP.HCM gửi UBND TP Thủ Đức và các quận huyện ngày 24-8, nơi này chỉ cấp giấy đi đường cho nhân viên của các doanh nghiệp chuyên cung cấp dịch vụ xuất nhập khẩu hàng hóa, bao gồm doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics chuyên nghiệp, từ ngày 23-8 đến 6-9.

Do đó, theo Sở Công thương, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất, đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất theo phương thức "3 tại chỗ" hay "1 cung đường, 2 điểm đến", góp phần hạn chế di chuyển để đảm bảo an toàn phòng chống dịch, sở này đề nghị UBND TP Thủ Đức và các quận huyện xem xét cấp giấy đi đường cho người lao động của các doanh nghiệp sản xuất, kể cả doanh nghiệp thương mại cung cấp nguyên vật liệu, phụ liệu phục vụ sản xuất trên địa bàn.

Theo ghi nhận, quy định thay đổi quá nhanh khiến không chỉ shipper mà các nhân viên siêu thị cũng gặp khó trong hai ngày đầu thực hiện siết chặt giãn cách. Một số nhân viên ngành thiết yếu lo tình trạng không thể đến nơi làm việc có thể làm đứt gãy hoạt động rất nhiều lĩnh vực.

Theo bà Nguyễn Thị Phương - phó tổng giám đốc thường trực Công ty VinCommerce, doanh nghiệp này đã liên hệ với các phường/tổ dân phố để giao hàng đến dân nhưng đến nay tỉ lệ đơn hàng được giao đi rất thấp do nhân viên giao hàng không qua được các chốt. Hệ thống này đang chờ cơ quan quản lý sớm tháo gỡ những vướng mắc để hàng hóa kịp thời đến với dân.

Thống nhất và giữ ổn định giấy đi đường

Ông Trương Nguyên Linh - phó tổng giám đốc Công ty liên doanh Phát triển tiếp vận số 1 (đơn vị liên doanh đầu tư khai thác cảng VICT) - cho biết số lượng xe ra vào lấy hàng tại cảng 2 ngày nay rất ít vì không nhận được thẻ đi đường dù đã gửi danh sách qua email đến Sở GTVT. Cho đến chiều 24-8, doanh nghiệp lại tiếp tục nhận thông tin phải có giấy đi đường theo quy định mới của công an mới đúng quy định.

"Công ty đã cử người đến Sở GTVT để nhận mẫu mới, quy trình triển khai như thế nào, chúng tôi cũng đang rối" - ông Linh nói và đề xuất các cơ quan chức năng nên tích hợp việc thông tin mẫu đi đường thông qua mã QR để doanh nghiệp, người dân thuận tiện trong việc đi lại trong bối cảnh đặc biệt này thay vì thay đổi quy định liên tù tì.

Trong khi đó, đại diện Grab VN cũng cho biết đang làm việc với Sở Công thương về quy định mới trong việc cấp giấy đi đường cho lực lượng shipper như thế nào. Hiện tài xế có giấy đi đường có mộc đỏ xác nhận của Sở Công thương hoặc thông qua QR code. Tuy nhiên, ngày 25-8 quy định mẫu giấy đi đường mới do công an cấp, nếu không có sự thống nhất cụ thể thì chắc chắn việc di chuyển của shipper gặp khó khăn.

C.TRUNG

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để giải quyết giấy tờ

Chia sẻ với những quy định thay đổi nhanh của TP.HCM nhưng một doanh nghiệp làm dịch vụ bưu chính, có nhiều khách hàng FDI trong ngành công nghiệp, chế xuất, ngân hàng… cho hay hoạt động giao nhận đang bị đình trệ.

"Chúng tôi thuộc nhóm bưu chính, phải làm việc với sở để xin cấp theo mẫu 9B, nhưng chỉ được vận chuyển liên tỉnh. Đến ngày 23-8 lại nhận được công văn mới, bỏ hết các giấy phép, thẻ nhận diện cũ, và giờ lại nộp hồ sơ. Chưa rõ là có được hoạt động trong thành phố hay không, khi văn bản hướng dẫn chỉ cho phép nhóm bưu chính của doanh nghiệp nhà nước được hoạt động" - vị này chia sẻ và lo lắng việc không chuyển phát được giấy tờ, hồ sơ khiến nhiều khách hàng là các doanh nghiệp xuất nhập khẩu đứng trước nguy cơ bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong chuỗi cung ứng, đặc biệt là sản phẩm công nghệ cao, kể cả sản phẩm phòng chống dịch COVID-19…

Ông Nguyễn Duy Minh - tổng thư ký Hiệp hội Logistics Việt Nam - cho rằng để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cần có hướng dẫn thống nhất, tránh thay đổi liên tục. Trong khi đó, đội ngũ cán bộ xử lý hồ sơ ít, chủ yếu làm thủ công, trong khi nhu cầu lên tới hàng chục ngàn doanh nghiệp. Vì vậy, ông Minh đề nghị cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý hồ sơ, giấy tờ.

N.AN

Sở Công thương chỉ cấp giấy đi đường cho nhân viên dịch vụ logistics? Sở Công thương chỉ cấp giấy đi đường cho nhân viên dịch vụ logistics?

TTO - Theo phản ánh của các nhân viên, công ty hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ xuất nhập khẩu tại các cảng khu vực TP.HCM, họ vẫn chưa nhận được giấy đi đường theo mẫu 3D do Sở Công thương cấp.

NGỌC HIỂN - NHƯ BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên