30/05/2020 14:31 GMT+7

Giúp em qua cơn ngặt nghèo

KIM ANH
KIM ANH

TTO - Ở tận xã biên giới Đắk Nhau, Bù Đăng, Bình Phước nhưng gia đình bạn K’Thị Nhỏ, sinh viên năm 3 Học viện Cán bộ TP.HCM, lại có ba chị em gái cùng đang là sinh viên theo học tại các trường ở TP.HCM.

Giúp em qua cơn ngặt nghèo - Ảnh 1.

ừ trái qua: ba chị em K’Thị Nhỏ, K’Thị Trinh và K’Thị Trang - Ảnh: K.ANH

Sau trận dịch COVID-19, giá điều rớt thê thảm, không ai thuê mướn việc gì nên nguồn thu nhập của gia đình Nhỏ gần như cạn kiệt. Ngày ba chị em trở lại trường, khó khăn thêm chồng chất.

“Hổm rày cả ba chị em chưa có việc làm thêm nên sống rất thiếu thốn. Bố mẹ ở nhà vất vả, không có thu nhập nên tụi em cũng không dám xin tiền. Mỗi bữa chỉ mua hộp cơm chay giá 10.000 đồng hoặc ăn mì gói mà thôi.

K’THỊ NHỎ

Giảm gánh nặng cho cha mẹ

Nhỏ kể khi bạn đang "lang thang" trên mạng xã hội, thấy một bạn đọc của báo Tuổi Trẻ giới thiệu nơi phát mì gói cho người khó khăn, cô sinh viên nhắn tin xin địa chỉ để nhận mì cứu trợ thì được bạn đọc giới thiệu tiếp học bổng "Tiếp sức đến trường" dành cho học sinh, sinh viên khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

"Hổm rày cả ba chị em chưa có việc làm thêm nên sống rất thiếu thốn. Tụi em đi học xa, bố mẹ ở nhà vất vả, không có thu nhập nên cũng không dám xin tiền. Mỗi bữa chỉ dám mua hộp cơm chay giá 10.000 đồng hoặc ăn mì gói mà thôi" - K’Thị Nhỏ nói.

Để tiết kiệm tiền thuê trọ, dù học tại Học viện Cán bộ TP.HCM nhưng Nhỏ xin được vào ký túc xá khu B ĐHQG TP.HCM tận Thủ Đức để sống cùng em gái (đang học Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM).

Chỗ ở và trường cách nhau 20km, mỗi ngày Nhỏ thức dậy từ 5h30 để đi xe buýt, phải ba chặng xe mới đến được trường. Ba năm qua, cô bạn vẫn kiên trì như vậy với mục tiêu duy nhất là tốt nghiệp, về lại xã giúp bà con.

"Em chọn học ngành chính trị với mong muốn mai này về quê làm việc, giúp bà con. Đa số những người lớn tuổi trong buôn không biết tiếng Kinh, không biết viết. Vì vậy khi ra xã làm việc gì đều thấy khó khăn, bất tiện" - cô kể.

Nhỏ học sau em gái một năm nên K’Thị Trang, cô em kế, năm nay đang học năm cuối Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM). Trang chọn ngành xã hội học với ước mơ góp sức cho sự phát triển cộng đồng, nhất là những làng bản vùng sâu vùng xa như quê mình.

Trong khi đó, em gái thứ ba K’Thị Trinh vào năm nhất Trường CĐ Y dược Pasteur. Trinh ráng xin vào ở ký túc xá cùng các chị để giảm chi phí tiền thuê trọ. Bữa sáng thường xuyên của mấy chị em là mì gói.

Nhỏ nhẩm tính: "Mỗi tháng mỗi đứa em xin bố mẹ khoảng 700.000 đồng để sinh hoạt, còn lại là từ tiền đi làm thêm. Nhưng thời gian này chưa tìm được việc do khu du lịch Suối Tiên chưa mở cửa lại.

Trang sắp ra trường và hơn một năm nữa em ra trường, lúc đó em sẽ phụ bố mẹ để lo cho các em ăn học. Nghĩ đến lúc ấy, em lại cố gắng hơn".

Học để thay đổi cuộc đời

Khác với phần đông bà con dân tộc thiểu số trong buôn, bà Thị Py Ôn, mẹ của sáu chị em Nhỏ (ba chị em học tại TP.HCM, ở quê còn ba em nhỏ đang đi học), luôn dặn: "Các con phải cố gắng học đến nơi đến chốn để người ta không khinh mình. Là con gái lại càng phải học".

Bởi ngay từ khi sinh liên tiếp ba cô con gái, nhiều người trong buôn rì rầm với bà "sinh con gái chẳng nhờ vả gì được".

"Mới đầu mẹ em rất khổ tâm khi cả ba chị em gái lần lượt chào đời, mãi đến đứa thứ tư mẹ mới sinh con trai. Nhưng vì nghe người ta nói con gái không làm được gì nên mẹ lại càng động viên chúng em ráng học. Nhờ vậy mà tụi em mới có động lực đến trường, chứ lúc nhỏ nhà nghèo, phải đi học xa khoảng 18km, thấy bạn bè bỏ học, đôi lúc mình cũng lung lay" - Nhỏ nhớ lại.

Nhờ mẹ quyết tâm nên cả ba chị em đều đến giảng đường, không phải lấy chồng ở độ tuổi quá nhỏ khi buôn làng vẫn còn nạn tảo hôn.

Trong lá thư với những dòng chữ ngay ngắn gửi đến ban tổ chức học bổng, cô sinh viên này chia sẻ: "Ước mơ duy nhất của đa số người dân tộc thiểu số như gia đình em là có đủ cơm ăn, áo mặc rồi mới đến học hành. Nhưng may mắn chị em nhà em có được người bố, người mẹ vĩ đại, dù hoàn cảnh khó khăn đến đâu cũng ráng làm để chúng em được đến trường.

Dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thu nhập của gia đình, lúc dịch bệnh bùng phát cũng là khoảng thời gian vào vụ thu hoạch điều. Nhưng giá điều năm nay rớt trầm trọng. Tiền bán điều không đủ trả tiền phân bón và vật tư…

Cũng vì dịch mà không ai nhận đi làm thuê nên bố em không có việc làm. Em rất mong chương trình giúp sức trong thời điểm ngặt nghèo này...".

"Tiếp sức" 211 học sinh, sinh viên Đông Nam BộTại TP.HCM sáng 30-5, Thành đoàn TP.HCM và báo Tuổi Trẻ tổ chức lễ trao học bổng "Tiếp sức đến trường" dành cho 211 học sinh, sinh viên khu vực Đông Nam Bộ có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng dịch COVID-19. Hoạt động thuộc chương trình "Vì ngày mai phát triển" lần thứ 503 của báo Tuổi Trẻ.

Trước đó, 150 suất học bổng được trao cho học sinh, sinh viên khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Dự kiến đến ngày 7-6-2020, chương trình tiếp tục trao học bổng đến 350 em khu vực miền Trung và miền Bắc.

Học bổng có trị giá 1,5 triệu đồng/suất cho học sinh THCS, THPT và sinh viên là 3 triệu đồng/suất cùng quà tặng. Tổng kinh phí học bổng khoảng 2,2 tỉ đồng, trích từ chương trình "Cùng Tuổi Trẻ chống dịch COVID-19" do báo Tuổi Trẻ và Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM phát động.

T.O.

Học để trả ơn hai mẹ Học để trả ơn hai mẹ

TTO - Để đến được giảng đường, Ánh Cương ở xóm nghèo Hậu Sanh (xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) phải trải qua những tháng ngày ám ảnh do nghèo đói cùng nỗi dằn vặt vô hình bởi lần cất tiếng khóc đầu đời cũng là lúc mẹ ra đi mãi mãi.


KIM ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên