01/09/2013 10:14 GMT+7

Giữ vững ngọn cờ

QUỐC VIỆT
QUỐC VIỆT

TT - Máu chiến sĩ loang đỏ phố. Nhưng ngọn cờ độc lập vẫn đứng vững cùng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn được lặp đi lặp lại từng ngày, từng giờ trên chiến lũy...

Kỳ 1: Đêm khởi đầu kháng chiến Kỳ 2: “Hi sinh đến giọt máu cuối cùng” Kỳ 3: Đáp lời vệ quốc

Hồi tưởng những ngày giữ vững ngọn cờ độc lập ở Hà Nội mùa đông năm 1946, vị trung đội trưởng tự vệ Hoàng Giáp xúc động: “Anh tôi, Hoàng Tường Tri, hi sinh ngay trong lúc cùng tôi giáp lá cà với quân Pháp. Máu anh loang đỏ cả hè phố, đến giờ vẫn chưa biết được hài cốt anh đang nằm đâu. Nhưng sự hi sinh cho Tổ quốc này còn ở biết bao gia đình khác...”.

pqnCIxJS.jpgPhóng to
Quân dân Hà Nội trong những ngày đầu đứng lên kháng chiến - Ảnh tư liệu

Máu chiến sĩ

Ông Hoàng Giáp kể chỉ một trung đội tự vệ Hoàng Hoa Thám thiếu huấn luyện và vũ khí đã dũng cảm đương đầu nhiều ngày liền với đạo quân viễn chinh Pháp có xe tăng, thiết giáp cùng đại liên, trọng pháo, máy bay ném bom yểm trợ.

Đến ngày 15-1-1947, trung đội quyết tử này hi sinh gần nửa sau gần hai giờ chiến đấu, ghìm quân Pháp ở ngõ Quỳnh Lôi, Minh Khai.

Nhiều gia đình có mấy người con cùng ngã xuống trong một trận đánh như các anh em Hoàng Đình Hạc, Hoàng Đình Bút, Hoàng Đình Nghiên và Nguyễn Như Giao, Nguyễn Như Tính, Nguyễn Như Nghiêm...

Máu chiến sĩ loang đỏ phố. Nhưng ngọn cờ độc lập vẫn đứng vững cùng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn được lặp đi lặp lại từng ngày, từng giờ trên chiến lũy...

“Nhiều năm đã trôi qua nhưng tôi không thể nào quên tinh thần chiến đấu của đồng đội thuở ấy. Bom đạn hủy diệt của đối phương làm vỡ vụn cả bêtông cốt thép huống chi xương thịt, nhưng mọi người cứ ào ào xung phong. Tại nhiều chiến lũy đồng đội dần dần hi sinh, nhưng người cuối cùng trụ lại vẫn không hề buông súng...”

Ông Hoàng Giáp kể lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến lúc đó như thấm vào xương máu từng người lính: “Chúng ta thà hi sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ. Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên... Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, xuổng, gậy gộc...”.

Ở nhiều trận địa, chiến sĩ không nghe trực tiếp được từ đài phát thanh, nhưng mọi người đã truyền miệng nhau lời kêu gọi kháng chiến đến thuộc lòng trong lúc ôm súng chiến đấu.

Ở bên kia chiến hào, quân đội Pháp cũng ngỡ ngàng trước sức chiến đấu của đối phương mà mới trước đó họ từng tự tin sẽ đè bẹp nhanh chóng bằng hỏa lực áp đảo.

Ngay sáng 20-12, văn phòng Cao ủy Pháp tại Sài Gòn đã vội vã gửi báo cáo chiến sự về Pháp: “Trong thành phố Hà Nội, hai phút sau khi tắt điện, cuộc tấn công có vũ khí tự động và súng cối yểm trợ đã diễn ra khắp mọi khu vực; người ta đẩy cả các toa tàu chắn ngang các ngả đường sắt, đặt mìn ở nhà máy điện.

22g30 trại lính (Pháp) Hải Dương đã bị tấn công trong trường hợp tương tự. 1g30, Phủ Lạng Thương bị tấn công. Bắc Ninh bị tấn công giữa 2g-2g30, Cầu Ghềnh lúc 5g...

Tại Hà Nội, cuộc chiến đấu trở nên rất ác liệt. Máy bay đã xuất hiện trên không sau đó ít lâu vì sân bay Gia Lâm không bị tấn công lần nào trong đêm. Do sự phá hoại nhà máy điện, chắc chắn thành phố sẽ thiếu điện và nước một thời gian. Các cuộc chiến đấu vẫn tiếp tục trong lòng Hà Nội, nơi quân Pháp có tiến nhưng tình thế vẫn mập mờ. Chưa nắm được con số thương vong thiệt hại”.

Có góc nhìn và quan điểm giống Philippe Devillers, sử gia Georges Boudarel, người từng có mặt ở Việt Nam trong suốt cuộc chiến Pháp - Việt, cũng nhận định phe chủ chiến trong quân đội Pháp tuy muốn chiến tranh nhưng lại bất ngờ trước sức kháng cự mãnh liệt của những người vệ quốc.

Trong cuốn Giáp xuất bản năm 1977, ông tường thuật với tư cách một nhân chứng và sử gia: “Sau khi nhận được liên tiếp ba tối hậu thư của phía Pháp trong các ngày 18 và 19-12: đình chỉ mọi hoạt động chuẩn bị kháng chiến, tước vũ khí quân tự vệ Hà Nội, trao cho quân đội Pháp nhiệm vụ duy trì an ninh thành phố; Chính phủ Hồ Chí Minh quyết định không giữ thái độ bị động nữa mà chủ động tiến hành những biện pháp cần thiết. Chiều 19 cùng với Trần Quốc Hoàn, Vương Thừa Vũ, Võ Nguyên Giáp đi thị sát lần cuối cùng công việc chuẩn bị kháng chiến... và Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”.

Đồng cảm với những chiến sĩ gìn giữ Tổ quốc mình, Georges Boudarel ca ngợi ý chí chiến đấu quả cảm của họ. Ông tường thuật những người lính này đã làm được quá những gì cấp chỉ huy tiên liệu về thời gian kháng chiến bảo vệ thủ đô: “Nơi đây ngày đêm vang dội tiếng cuốc đào đất, chôn mìn.

Sân trời và bancông biến thành những nơi nấp bắn. Các lỗ châu mai, khe bắn được đục trên các bức tường trông ra mặt đường...

Mỗi nhà đều trữ sẵn lương thực, nước uống đủ dùng trong ba tháng và sẵn sàng khi thời điểm đến, dựng chiến lũy trên đường phố. Các thân cây đều đục sẵn lỗ để khi cần có thể đưa mìn vào hạ ngay xuống làm chướng ngại vật... Đường phố hẹp ở đây tạo thuận lợi cho một cuộc kháng cự kịch liệt, giành giật từng căn nhà, từng dãy phố”.

QbomClIq.jpgPhóng to
Những chiếc nồi đất được ngụy trang như trận địa mìn trên phố Hà Nội nhằm cản bước xe thiết giáp Pháp - Ảnh tư liệu

Vũ khí không đè nổi 24 triệu người

Không chỉ góc nhìn sử gia, ngay viên tướng nổi tiếng Leclerc, người từng in dấu ấn trong các cuộc hành quân tác chiến phục quốc ở Thế chiến thứ hai trở về, đến thị sát Việt Nam thời điểm này cũng có nhiều nhận định không khả quan cho những kẻ chủ chiến quá tin tưởng vào sức mạnh quân sự viễn chinh.

Trên chiếc xe ra Tân Sơn Nhất để về Paris, ông đã cảm thán với sĩ quan lái xe G. de Valence: “Ở đây có quá nhiều người tưởng rằng cứ việc lấp đầy hố những xác người là người ta có thể dựng lại nhịp cầu nối liền Việt Nam với Pháp”.

Đứng ở góc độ bên kia chiến hào với những người lính vệ quốc, nhưng chính tay vị tướng trận này viết báo cáo gửi Chính phủ Pháp về triển vọng không sáng sủa gì nếu chỉ trông đợi vào sức mạnh quân sự: “Pháp sẽ không dùng nổi vũ khí để đè nén một tập hợp đông hàng 24 triệu người đang lớn mạnh lên... Chúng ta sẽ ngày càng trở thành những tù nhân trong những thành phố và căn cứ chúng ta chiếm đóng”.

Và nhiều năm nhắc lại cuộc chiến mùa đông năm 1946 ở Hà Nội, người lính trận Phạm Đình An giờ tóc đã bạc trắng như mây ở tuổi 96 tâm sự rằng thật sự lúc đó không nhiều kẻ viễn chinh nhìn ra sức mạnh của dân tộc từng bị họ đô hộ. Để bảo vệ ngọn cờ độc lập, cả một dân tộc từ trẻ tới già đều ra trận.

Thời khắc lịch sử ấy, ông làm đại đội trưởng đại đội tự vệ 12, nhiều lần phải cắn răng đến bật máu để khỏi cất tiếng khóc khi nhìn những người lính của mình ngã xuống trước mũi súng xâm chiếm.

Tuy nhiên, đội quân tự vệ của ông mới ngày nào còn là thầy giáo, học sinh, công nhân, nông dân chưa hề cầm đến súng, chưa quen mùi thuốc đạn đã không hề chùn bước, không một người nào rời khỏi chiến lũy... Ngay bên cạnh họ, nhiều cô gái Hà Nội, trẻ em cũng dũng cảm hi sinh khi làm cứu thương, giao liên cho vệ quốc quân.

Những kỷ niệm in mãi trong tâm trí ông An là các em nhỏ chạy ra úp nồi đất để ngụy trang đặt mìn trước mũi xe tăng quân Pháp, nhiều cô gái Hà Nội đã bị thương đẫm máu vẫn cố gắng đứng lên để cứu thương, lo cho chiến sĩ ngoài chiến hào. Một dân tộc kiên cường như vậy làm sao có thể để mất ngọn cờ độc lập! Và ngay cả khi phải rút khỏi thủ đô để bảo toàn lực lượng, tiếp tục cuộc vệ quốc, ông vẫn nhận được nhật lệnh của tướng Võ Nguyên Giáp: “Các đồng chí sẽ tiếp tục chiến đấu vì Tổ quốc. Chúng ta sẽ chiến đấu hơn 10 năm hoặc lâu hơn nữa nếu cần thiết”.

QUỐC VIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên