Phóng to |
Quân Pháp trên cầu Long Biên năm 1946 - Ảnh: Bảo tàng Lịch sử quốc gia |
Giờ G
Nguyên văn bức điện khẩn này như sau:
“Nơi nhận: Ủy ban Đông Dương
Nơi gửi: Cao ủy Sài Gòn. Ưu tiên tuyệt đối.
Cao ủy đưa tin: Đêm hôm qua, không báo trước và mặc dù có nhiều quan hệ xã giao và công tác được tiếp tục trong ngày giữa các nhà chức trách VN và Pháp, chiến sự đã xảy ra tại Hà Nội do các lực lượng VN mở màn, chống lại quân đội và thường dân Pháp. Stop. Ngay từ lúc 19 giờ 55, việc cung cấp điện và nước của thành phố đã bị gián đoạn. Stop. Liên lạc điện thoại hình như bị cắt. Stop...”.
Bức điện khẩn trong đêm này của đô đốc, Cao ủy Pháp D’Argenlieu đã chính thức phát hiệu cuộc chiến Pháp - Việt. Tuy nội dung điện ngắn gọn và mập mờ nguyên nhân khai chiến, nhưng nhiều tài liệu từ cả hai phía đều dẫn đến kết luận cuộc chiến được bắt nguồn từ hàng loạt sự o ép, khiêu khích và tấn công trắng trợn của phe chủ chiến trong quân đội Pháp ở miền Bắc, mà đặc biệt là khu vực Lạng sơn, Hải Phòng, Hà Nội. Chính bức điện tướng Valluy gửi từ Sài Gòn ngày 25-11-1946, gửi tướng Morlière - chỉ huy quân sự Pháp tại Hà Nội - đã khẳng định “giải pháp pháo hạm” mà người Pháp đã nhiều lần sử dụng ở đất nước này: “Để thiết lập được việc chiếm đóng Hà Nội của chúng ta, đừng ngại đánh mạnh bằng đại bác và bom. Phải làm xong và nhanh chóng để chứng minh cho kẻ thù của chúng ta biết ưu thế áp đảo của chúng ta về phương diện chiến tranh”.
Từ các hồ sơ, tài liệu thu thập được, sử gia Philippe Devillers khẳng định phe chủ chiến với các tướng lãnh quân sự như D’Argenlieu, Valluy, Pignon... đã có “cuộc âm mưu” đưa đẩy cuộc chiến tranh này vào tình thế đã rồi. Trong cuốn Paris - Saigon - Hanoi, Philippe Devillers viết ngày 16-12-1946, tướng Valluy triệu tập “hội đồng chiến tranh” họp ở Hải Phòng, thành phố mà họ vừa tiến hành cuộc thảm sát tàn bạo bằng pháo hạm và hỏa lực bộ binh lê dương. Cuộc họp có đủ mặt tướng tá quân đội Pháp ở miền Bắc Sainteny, Molière, Dèpes ... bàn nội dung thúc ép Việt minh đến mức độ làm họ mất kiên nhẫn, phải lao vào hành động bạo lực, và cung cấp cho quân Pháp duyên cớ mong muốn. “Hội đồng chiến tranh” này cũng không quên thảo luận việc “đưa đẩy” chính trị để cố chứng minh rằng không còn lối thoát nào khác.
Phóng to |
Chúng ta vừa kỷ niệm 102 năm ngày sinh của đại tướng Võ Nguyên Giáp. Và đây là một bức ảnh xúc động khi ông đến thăm Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những ngày kháng chiến gian khổ - Ảnh tư liệu |
Đêm ấy, Hà Nội khói lửa ngập trời...
Từ phía người Việt vệ quốc, trung tướng Vương Thừa Vũ, nguyên chỉ huy trưởng mặt trận Hà Nội mùa đông lịch sử năm 1946, cũng khẳng định rõ con đường dẫn đến cuộc chiến không thể tránh này. Trong cuốn Hà Nội 60 ngày khói lửa được viết từ năm 1964, ông kể tỉ mỉ những ngày căng thẳng trước giờ nổ súng 19-12-1946: “Giặc Pháp tổ chức ngày càng nhiều những cuộc diễu binh thị uy trên các đường phố và nhiều cuộc tập trận giả chiến thuật tấn công ở các vườn hoa Hà Nội. Chúng vẫn âm mưu dùng áp lực quân sự bắt ta phải nhượng bộ từng bước và cuối cùng phải đầu hàng (!), nếu không, một màn kịch xâm lăng chớp nhoáng và tàn bạo sẽ xảy ra. Tháng 11-1946, không khí thủ đô Hà Nội đã trở nên vô cùng căng thẳng...”.
Tướng Vương Thừa Vũ kể thêm trong cuộc họp quan trọng ở Hà Đông, chính ông Trường Chinh đã giao nhiệm vụ lịch sử: “Giặc Pháp chuẩn bị gấp rút lắm, trước sau thế nào nó cũng đánh ta. Trung ương giao cho đồng chí Vương Thừa Vũ làm khu trưởng khu XI (khu Hà Nội), tổ chức chuẩn bị sẵn sàng đề phòng chúng trở mặt gây chiến”.
Cuộc thế ở Hà Nội những ngày cuối thu giáp đông năm 1946 diễn ra hết sức căng thẳng. Một bên tìm mọi biện pháp chính trị lẫn thủ đoạn quân sự để tái chiếm, cầm quyền trở lại. Một bên cố gắng bình tĩnh, khôn khéo, kéo dài thời gian để xây dựng lực lượng chiến tranh vệ quốc khó tránh khỏi.
Nhưng rồi cuộc thế đã dồn đẩy đến thời khắc lịch sử tối 19-12-1946. Đỉnh điểm sự kiện này được tướng Vương Thừa Vũ tường thuật: “Không khí ngột ngạt của ngày 17-12 chưa tan thì ngày 18-12 giặc Pháp lại nã súng bắn vào nhân dân phố Hàng Khoai, chợ Đồng Xuân. 6 giờ 40 phút, lính lê dương lại đến bao vây trụ sở công an Hàng Đậu. 2 giờ chiều, quân Pháp chiếm đóng Nha tài chính và trụ sở Bộ giao thông. Đến 21 giờ 15 phút ngày 18-12, quân Pháp gửi tối hậu thư cho chính phủ ta đòi tước vũ khí Vệ quốc đoàn, tự vệ, công an và đội trật tự an ninh trong thành phố. Nếu sáng 20-12-1946, những điều kiện đó không được chấp thuận thì quân đội Pháp chuyển sang hành động”.
Phóng to |
Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh |
Tướng Vương Thừa Vũ ghi lại ngay trong tối 18, Bộ chỉ huy mặt trận Hà Nội đã ra mệnh lệnh chuẩn bị, khẳng định rõ: “Những sự chuẩn bị ráo riết và hành động khiêu khích ấy là một triệu chứng chúng sắp đánh úp ta thật sự. Vì danh dự của Tổ quốc, vì quyền lợi của dân tộc, chúng ta quyết không chịu lùi bước”.
67 năm cùng bao biến động thời cuộc, hồi tưởng thời khắc tối 19-12-1946 chuyển cả dân tộc sang chương sử mới, ông Hoàng Giáp, chỉ huy một đơn vị tác chiến Liên khu 2, mặt trận Hà Nội 60 ngày đêm khói lửa, vẫn không kìm được xúc động! Nhân chứng nay tóc đã bạc phơ ở tuổi 89 này kể với người viết: “Tôi vẫn nhớ đồng hồ tay chỉ 8 giờ 3 phút tối 19-12, điện phụt tắt. Những tiếng pháo đầu tiên do Vệ quốc đoàn bắn từ Pháo Đài Láng báo hiệu khởi chiến với quân Pháp. Chúng tôi, những thầy giáo, công nhân, nông dân, học sinh mới làm quen súng đạn đã đối đầu với đoàn quân lê dương được trang bị hỏa lực cực mạnh và thiện chiến vừa từ trận mạc Thế chiến thứ hai về”.
Về sau, ông Hoàng Giáp tiếp tục tham chiến Điện Biên Phủ, rồi về công tác tại văn phòng Liên Hiệp Quốc tại Hà Nội, tiếp cận được nhiều nguồn tài liệu và nhân chứng. Ông kể chính các tướng lãnh Pháp như Valluy, Sainteny từng tự tin cho rằng: “Sẽ đánh bại quân ông Giáp và chiếm đóng Hà Nội chỉ sau 24 giờ”. Nhưng sự thật đội quân lê dương này sa lầy Hà Nội suốt 60 ngày. Quân Việt minh chủ động đánh và rút đi để tiếp tục cuộc kháng chiến chứ không hề bị đánh tan hoàn toàn.
Và một trong những nguồn tiếp sức mạnh lớn lao của cuộc kháng chiến chính là lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
-------------------------------------------------------
Chủ tịch Hồ Chí Minh viết lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến như thế nào?
Kỳ tới: “Hi sinh đến giọt máu cuối cùng”
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận