Với định vị mới phát triển du lịch xanh và dựa trên công nghiệp văn hóa từ thiên nhiên, đa dạng sinh học và sự phong phú văn hóa địa phương, ngành du lịch Đà Lạt đang muốn vươn mình để đón thêm nhiều khách quốc tế.
Du khách quốc tế bắt đầu khám phá Đà Lạt
Trên đường phố Đà Lạt những ngày cuối năm 2024, đặc biệt là các khu trung tâm của TP Đà Lạt như khu vực hồ Xuân Hương, gần quảng trường Lâm Viên và chợ Đà Lạt nườm nượp khách du lịch từ khắp nơi đổ về. Trong đó có không ít các đoàn khách quốc tế đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Indonesia, Ấn Độ... đến du lịch, tham quan kết hợp hội nghị.
Bà Dung Nguyễn, đại diện Đà Lạt Wonderland, cho biết từ đầu tháng 12 đến nay khu nghỉ dưỡng đã đông khách giúp công suất luôn đạt 70% trong tuần và "full" phòng vào dịp cuối tuần. Vào cuối năm, lượng khách quốc tế thường chiếm áp đảo, chủ yếu là khách Hàn Quốc, Trung Quốc, Indonesia hay Ấn Độ.
"Dòng khách quốc tế có thay đổi sau dịch và cũng là kết quả nỗ lực của các chương trình xúc tiến mà ngành du lịch tỉnh thực hiện thời gian qua", bà Dung Nguyễn cho biết.
Với du khách yêu thích thiên nhiên, The Florest - vườn hoa lớn nhất Đà Lạt, cách trung tâm khoảng 20km - là lựa chọn khó bỏ qua. Được địa phương chọn để giới thiệu đoàn khách chuyên gia, du khách quốc tế ngày 17-12, The Florest đã khiến đoàn khách ngẩn ngơ bởi những đồi hoa được bao quanh là rừng núi bạt ngàn.
Nhóm khách chuyên gia đến từ tỉnh Suphan Buri, Thái Lan đã không giấu được sự thích thú trước các đồi hoa đẹp như bức tranh. Chị Apinya, du khách trong đoàn, cho biết thời tiết, ẩm thực, cảnh vật đã làm hài lòng tất cả mọi người.
Chị Nguyễn Thị Hảo, quản lý The Florest - Hoa trong rừng, cho biết vườn hoa có nhiều lợi thế để phát triển du lịch bền vững. Với tổng diện tích 60ha và đang đưa vào khai thác 25ha, chủ yếu hoa các loại như thược dược, cẩm tú cầu, hồng..., vườn hoa chú trọng đến phát triển môi trường sinh thái, đẩy mạnh bảo tồn các loại thực vật, sinh vật tại địa phương.
"Chúng tôi theo lộ trình nông nghiệp sạch để phát triển bền vững, hướng đến tiêu chuẩn cao hơn. Cùng với đó khai thác yếu tố văn hóa bản địa, hấp dẫn du khách", chị Hảo chia sẻ.
Theo dữ liệu của Outbox Intelligence, Đà Lạt lọt vào top 3 điểm đến nội địa được yêu thích nhất năm nay của du khách Việt. Theo ông Phước Đặng - giám đốc Outbox Company, sự yêu thích của du khách Việt với điểm đến Đà Lạt đã được khẳng định khi có đến 89,3% du khách đến Đà Lạt để thư giãn nhờ khí hậu ôn hòa, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp.
Cách nào thu hút du khách quốc tế?
Khảo sát của nền tảng Agoda công bố ngày 17-12 cho thấy Đà Lạt - thành phố ngàn hoa đứng ở vị trí thứ hai trong danh sách các điểm đến trong nước được người Việt tìm kiếm nhiều nhất trên nền tảng du lịch này trong dịp Tết Nguyên đán. Dù vậy, Đà Lạt lại không nằm trong danh sách các điểm đến được khách quốc tế lựa chọn để đón giao thừa Tết dương lịch.
TS Jackie Ong, giảng viên cấp cao ngành quản trị du lịch và khách sạn Đại học RMIT Việt Nam, cho rằng thời gian gần đây Đà Lạt mới thực sự được biết nhiều hơn với cộng đồng du lịch quốc tế. Điều này cho thấy tiềm năng phát triển của Đà Lạt trong việc thu hút du khách nước ngoài vẫn chưa được khai thác đầy đủ. Vừa rồi cháu gái của bà đã có kỳ nghỉ ngắn ở Việt Nam và cô bé đã chọn trải nghiệm 24 giờ ở Đà Lạt.
"Dù tôi đưa ra một số điểm gợi ý nhưng cô bé đã có cách khám phá của riêng mình. Có lẽ từ thông tin cô bé kiếm được từ Internet. Đà Lạt đối với nhiều du khách vẫn là TP hoa, TP lãng mạn nhưng với du khách trẻ là TP có thời tiết mát mẻ và những không gian thú vị, những quán cà phê cá tính, thức ăn ngon. Thời tiết mát, se lạnh thậm chí lạnh là đặc sản khiến Đà Lạt trở nên đặc biệt với các điểm đến của xứ nóng", TS Jackie Ong chia sẻ.
Bà Tạ Thị Tú Uyên, đại diện Công ty du lịch và tiếp thị giao thông vận tải Việt Nam Vietravel, cho biết Đà Lạt chủ yếu thiết kế cho khách nội địa, trong khi khách quốc tế thiên về các điểm đến có chiều sâu, mang tính khám phá, đậm bản sắc dân tộc. "Họ thường đi ít, đi chậm nhưng phải sâu. Do vậy muốn thu hút khách quốc tế, Đà Lạt phải có sản phẩm phù hợp, sau đó là đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá", bà Uyên khuyến nghị.
Để khai thác cơ hội từ thị trường quốc tế, Đà Lạt cần đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng du lịch, đặc biệt là nâng cấp sân bay Liên Khương thành một trung tâm vận chuyển quốc tế. Việc phát triển các sản phẩm du lịch cao cấp và độc đáo, như khám phá nông nghiệp, và tổ chức các sự kiện mang tầm cỡ quốc tế sẽ là bước đột phá để thu hút dòng khách nước ngoài. Ngoài ra, cần hợp tác với các nền tảng số để triển khai các chương trình quảng bá hình ảnh Đà Lạt đến với du khách quốc tế.
Cũng theo bà Uyên, Đà Lạt đang được định vị là TP sáng tạo nhưng cũng không thể bỏ qua "danh hiệu" Đà Lạt là TP hoa để nâng tầm thêm giá trị văn hóa và đưa du lịch gắn với nông nghiệp... "Bởi khách quốc tế khi đến địa phương nào đó đều mong muốn tìm hiểu cái chất bản địa và cảnh quan được thiên nhiên ban cho. Phải giữ cho được cái "chất" Đà Lạt", bà Uyên nói.
Ông Phạm S (phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng):
Phải khai thác được các tiềm năng, lợi thế của Đà Lạt
Không chỉ là nơi hội tụ của 47 dân tộc anh em với nhiều phong tục tập quán, kiến trúc nhà ở và lễ hội văn hóa dân gian đặc sắc, Lâm Đồng cũng đang sở hữu ba di sản được UNESCO công nhận Di sản văn hóa phi vật thể. Đó là Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Di sản tư liệu "Mộc bản Triều Nguyễn" và Khu dự trữ sinh quyển thế giới Lang Biang. Đà Lạt cũng là vùng đất duy nhất của Việt Nam có khí hậu ôn đới quanh năm, núi rừng hoang sơ, cảnh sắc thiên nhiên đẹp diệu kỳ.
Có nguồn lực là một lợi thế, nhưng muốn khai thác hiệu quả nguồn lực này trước hết phải xử lý những khó khăn, tồn tại đang hiện hữu.
Ở góc độ của một người quản lý ở mảng văn hóa - xã hội của tỉnh, tôi cho rằng quá trình phát triển du lịch xanh và công nghiệp văn hóa của Đà Lạt, Lâm Đồng còn gặp một số khó khăn. Đó là chưa được đầu tư, đánh giá một cách khoa học về các lợi thế tài nguyên thiên nhiên đa dạng sinh học và công nghiệp văn hóa để có chính sách thu hút đầu tư, khai thác tiềm năng lợi thế từng lĩnh vực một cách hiệu quả.
Việc thực hiện, triển khai các hoạt động các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn còn khó khăn về cơ sở vật chất nên chưa có tính chất chuyên nghiệp cao, chưa thu hút được các nhà đầu tư đẳng cấp để khai thác dịch vụ ngành công nghiệp văn hóa.
Dù là tỉnh có diện tích rừng lớn, đa dạng sinh học cao, nhưng chính sách thuê môi trường rừng để phát triển du lịch chưa được triển khai. Một số lĩnh vực của ngành công nghiệp văn hóa có hiệu suất đầu tư chưa cao, nguồn nhân lực hiếm và thu hồi vốn chậm nên chưa thu hút được sự tham gia đầu tư phát triển của các doanh nghiệp.
Điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ cho các hoạt động, dịch vụ du lịch, công nghiệp văn hóa chưa được phát triển, nâng cấp đầy đủ. Nhiều sản phẩm du lịch văn hóa còn đơn điệu, trùng lắp chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường khách du lịch quốc tế...
Hội thảo quốc tế về "du lịch xanh và công nghiệp văn hóa" tại Đà Lạt
Ngày 18-12, UBND TP Đà Lạt phối hợp cùng báo Tuổi Trẻ tổ chức hội thảo quốc tế "Đà Lạt phát triển du lịch xanh và công nghiệp văn hóa từ tài nguyên thiên nhiên đa dạng sinh học và văn hóa địa phương", nằm trong khuôn khổ các chương trình Festival hoa Đà Lạt lần thứ 10 năm 2024.
Tại hội thảo, các khách mời là các chuyên gia về du lịch, văn hóa, âm nhạc, doanh nghiệp du lịch... sẽ cùng trao đổi, thảo luận, đề xuất các giải pháp cụ thể để thúc đẩy phát triển du lịch xanh, bền vững, phát triển ngành công nghiệp văn hóa gắn với phát triển du lịch địa phương, dựa trên thế mạnh thương hiệu Thành phố sáng tạo âm nhạc UNESCO của TP Đà Lạt.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận