15/12/2024 16:07 GMT+7

'Chuyển mình' thành trung tâm khoa học - giáo dục là điểm nhấn cho Đà Lạt

Đà Lạt có thể dựa trên nền tảng sẵn có để tạo nên một điểm nhấn rất riêng trên bản đồ các điểm đến tại Việt Nam.

Xây dựng Đà Lạt thành trung tâm khoa học - giáo dục - Ảnh 1.

Ảnh: MAI VINH

Đến nay, Đà Lạt đã trải qua hơn 130 năm hình thành và phát triển. Cái "chất" rất riêng của Đà Lạt vẫn còn đó, nhưng cũng như một thành phố trong sương, giới văn nghệ sĩ, trí thức người Đà Lạt, hay từ nhiều nơi khác đến Đà Lạt, vẫn ẩn mình đâu đó trong những ngóc ngách của thành phố này.

Để nhấn mạnh nét riêng, Đà Lạt có thể định hình trở thành một trung tâm khoa học - giáo dục (như ý tưởng này của giới trí thức Đà Lạt từ trước năm 1965). Theo đó, cùng với việc được công nhận là Thành phố sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực âm nhạc đã mở ra cơ hội lồng ghép ý tưởng đó trong việc định hình xây dựng và phát triển trung tâm khoa học - giáo dục, hướng đến việc thúc đẩy công nghiệp sáng tạo tại Đà Lạt, tập trung vào ba lĩnh vực chính: âm nhạc, hội họa và thơ ca.

Để có thể làm được điều đó, cần có sự đồng thuận, đồng hành, đồng lòng chung tay của rất nhiều bên liên quan, trong đó quan trọng nhất vẫn là vai trò quản lý, chỉ đạo, điều hành của chính quyền thành phố. Các giải pháp cụ thể gồm:

Chính quyền hoạch định chính sách cho tương lai Đà Lạt là một trung tâm khoa học - giáo dục

Về phía chính quyền thành phố Đà Lạt, để có thể xác định tính khả thi của ý tưởng này, cần lấy ý kiến từ những chuyên gia đầu ngành trong quy hoạch, phát triển đô thị, hoạch định chính sách; trên cơ sở những kết quả nghiên cứu đáng tin cậy.

Các buổi gặp gỡ trao đổi giữa chính quyền thành phố không chỉ bó hẹp trong phạm vi với những khách mời là nhà khoa học, mà còn được mở rộng ra với giới văn nghệ sĩ tại Đà Lạt.

Khi đã xác định ý tưởng về một trung tâm khoa học - giáo dục với công trình cụ thể là Công viên khoa học Đà Lạt thời hiện đại, chính quyền thành phố cần xây dựng, ban hành chính sách để thu hút các nhà đầu tư, cơ chế hợp tác công - tư; kết nối các nguồn lực từ các tổ chức quốc tế để biến ý tưởng thành hiện thực.

Việc xác định nguồn kinh phí, vị trí xây dựng, cơ chế vận hành như thế nào là những nội dung cần được đưa ra xem xét một cách kỹ lưỡng.

Với sự phát triển các khu vui chơi, giải trí đang tập trung vào phía tây của thành phố, để cân bằng, có thể xem xét việc xây dựng Công viên khoa học về phía đông của thành phố, học hỏi mô hình hoạt động từ Trung tâm Quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành - ICISE tại Quy Nhơn.

Không tách rời việc phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo

Việc định hình phát triển Đà Lạt thành một trung tâm khoa học - giáo dục không thể tách rời với việc phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.

Theo mô hình ba nhà của Triple Helix, ba yếu tố chính cho sự phát triển hệ sinh thái này gồm nhà nước, trường đại học và doanh nghiệp sẽ phải có sự giao thoa nhau. Quá trình đổi mới sáng tạo nên được bắt đầu từ việc thay đổi tư duy, cách tiếp cận; dẫn đến quá trình chuyển đổi; sau đó là sự học hỏi, thay đổi không ngừng gắn với hợp tác và đồng sáng tạo để liên tục không ngừng cải tiến.

Như vậy, gắn với hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, ý tưởng và một trung tâm khoa học - giáo dục sẽ có cơ hội phát triển mang tính bền vững, phù hợp với xu thế phát triển chung của xã hội; đặc biệt khi ý tưởng định hình Đà Lạt trở thành một trung tâm khoa học - giáo dục nổi bật trong lĩnh vực âm nhạc, hội họa và thơ ca của ngành công nghiệp sáng tạo.

Xây dựng Đà Lạt thành trung tâm khoa học - giáo dục - Ảnh 2.

Nghệ sĩ Anna Koch biểu diễn miễn phí tại Phố Bên Đồi Creative Studio (số 10 Lý Tự Trọng, Đà Lạt) phục vụ người dân và du khách - Ảnh: M.V

Xác định vai trò quan trọng của các cá nhân, tổ chức đang hoạt động trong lĩnh vực này tại Đà Lạt như Không gian văn hóa sáng tạo - Phố Bên Đồi; các trường đại học như Đại học Đà Lạt - sắp tới sẽ là điểm đến của một hoạt động có uy tín Engaging Vietnam…; các cá nhân là những nghệ sĩ, những nhà sáng tạo trong lĩnh vực âm nhạc, nghệ thuật...

Thông qua các tổ chức và cá nhân này, các nguồn lực sẵn có sẽ đồng hành cùng ý tưởng định hình Đà Lạt thành trung tâm khoa học - giáo dục sẽ có cơ hội hình thành nhanh hơn và hiệu quả hơn.

Bên cạnh việc hỗ trợ kết nối các nguồn lực, các tổ chức này sẽ vẫn duy trì các hoạt động âm nhạc, nghệ thuật; mở các lớp học ngắn hạn hoặc mở các các chuyên ngành đào tạo âm nhạc, hội họa, thơ ca; làm nền tảng cho các hoạt động sau này được tổ chức tại Đà Lạt với quy mô lớn hơn như các trại sáng tác âm nhạc, hội họa; hội thảo về du lịch - nghỉ dưỡng; hội thảo về công nghiệp sáng tạo; các hoạt động triển lãm của các nghệ sĩ lớn; các hoạt động của giới xe cổ.

Các hoạt động này được tổ chức không giới hạn trong phạm vi địa phương, trong nước mà mở rộng ra quốc tế với sự tham gia của nhiều tổ chức quốc tế, tổ chức, cá nhân các văn nghệ sĩ tầm cỡ thế giới. Có như thế mới tạo được động lực mạnh mẽ cho sự phát triển theo định hướng này cũng như định hình thương hiệu của Đà Lạt trong tương lai một cách thật rõ ràng, là trung tâm khoa học - giáo dục về công nghiệp sáng tạo, với ba lĩnh vực trụ cột: âm nhạc, hội họa và thơ ca.

Điểm nhấn cho Đà Lạt xanh và bền vững: Xây dựng thành phố thành trung tâm khoa học - giáo dục - Ảnh 4.Hiến kế cho Đà Lạt xanh và bền vững: 5 trụ cột phát triển mới là gì?

Đà Lạt cần một chiến lược phát triển toàn diện hơn, xây dựng thêm các trụ cột bổ trợ nhằm đảm bảo tính bền vững và sự thịnh vượng lâu dài.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên