Người dân làm CCCD tại Công an quận Tân Bình, TP.HCM vào ban đêm - Ảnh: T.T.D.
"Tôi làm căn cước công dân mà sổ hộ khẩu, CMND cũ và cả giấy khai sinh không có ngày, tháng sinh. Cán bộ tiếp nhận yêu cầu tôi đi bổ sung ngày, tháng sinh vào giấy khai sinh để có cơ sở giải quyết tiếp. Tôi phải làm sao?" - bạn đọc có địa chỉ email giangtran@... hỏi.
Ngày tháng phải đúng với giấy khai sinh
Trường hợp của bạn đọc nói trên không phải là cá biệt. Nhiều người lớn tuổi trước đây được cơ quan công an cấp sổ hộ khẩu và CMND chỉ có năm sinh, không ghi ngày tháng sinh. Trong khi đó qua thời gian họ không còn giữ giấy khai sinh nên không biết chính xác ngày sinh của mình.
Luật hộ tịch quy định giấy khai sinh là giấy tờ gốc của một công dân, thông tin trên các giấy tờ nhân thân khác được cấp sau đó như sổ hộ khẩu, CMND phải thống nhất với thông tin trên giấy khai sinh.
Theo Bộ Công an, điều 18 Luật căn cước công dân (CCCD) quy định mặt trước thẻ CCCD ghi thông tin ngày, tháng, năm sinh của công dân. Vì vậy với trường hợp người dân chỉ có thông tin năm sinh thì phải bổ sung ngày, tháng sinh để làm thủ tục cấp CCCD.
Thông tư 04/2020 của Bộ Công an hướng dẫn: trường hợp cá nhân đã đăng ký khai sinh trước ngày 1-1-2016 nhưng giấy khai sinh, sổ đăng ký khai sinh không ghi ngày, tháng sinh thì được bổ sung ngày, tháng sinh theo giấy chứng sinh hoặc văn bản xác nhận của cơ sở y tế nơi người đó sinh ra. Nếu không có giấy chứng sinh, không có văn bản xác nhận của cơ sở y tế thì ngày, tháng sinh được xác định theo các giấy tờ, hồ sơ cá nhân khác hoặc cho cá nhân cam đoan về ngày, tháng sinh.
Trường hợp không xác định được ngày, tháng sinh thì ngày, tháng sinh là ngày 1 tháng 1 của năm sinh; nếu xác định được tháng sinh nhưng không xác định được ngày sinh thì ngày sinh là ngày 1 của tháng sinh.
Tra cứu tàng thư bổ sung thông tin cho dân
Trước đó, cuối năm 2019 Bộ Công an đã hướng dẫn công an các tỉnh, TP thực hiện quy trình tra cứu thông tin từ tàng thư để bổ sung thông tin ngày, tháng sinh cho người dân.
Theo đó, khi người dân làm thủ tục cấp CCCD nhưng sổ hộ khẩu chỉ ghi năm sinh và trên CMND cũ có ghi đầy đủ thông tin về ngày, tháng sinh thì cơ quan công an tiếp nhận có trách nhiệm gửi văn bản đề nghị Phòng Cảnh sát quản lý hành chính (PC06) tra cứu trong tàng thư CCCD, tàng thư hồ sơ hộ khẩu. Nếu trong tàng thư có thông tin trùng khớp với thông tin trên CMND cũ hoặc trùng khớp thông tin do người dân kê khai trên tờ khai CCCD thì tiến hành bổ sung thông tin về ngày, tháng sinh cho người dân.
Trường hợp người dân xuất trình CMND cũ có ghi đầy đủ thông tin về ngày, tháng sinh do công an tỉnh, TP khác cấp thì cơ quan công an nơi tiếp nhận gửi văn bản đề nghị PC06 tra cứu trong tàng thư.
Nếu tàng thư chưa có thông tin thì PC06 gửi văn bản yêu cầu PC06 nơi cấp CMND gửi hồ sơ gốc của người dân. Sau khi nhận được hồ sơ gốc, PC06 lưu vào tàng thư CCCD và trả lời yêu cầu tra cứu bằng văn bản cho cơ quan công an nơi tiếp nhận hồ sơ, nếu thông tin trùng khớp thì bổ sung thông tin và cấp CCCD cho người dân.
Trường hợp thông tin về ngày, tháng, năm sinh bị sai lệch hoặc không đầy đủ thì hướng dẫn người dân điều chỉnh, bổ sung thông tin trong giấy khai sinh, sổ hộ khẩu theo đúng ngày, tháng sinh để được cấp CCCD.
Trường hợp người dân làm thủ tục cấp CCCD mà sổ hộ khẩu và CMND cũ chỉ ghi năm sinh nhưng xuất trình được giấy khai sinh có ghi đầy đủ thông tin về ngày, tháng sinh thì cơ quan công an có trách nhiệm bổ sung thông tin về ngày, tháng sinh vào cơ sở dữ liệu của người dân.
Điều chỉnh ngày tháng sinh tại công an cấp huyện
Theo hướng dẫn của Bộ Công an, các trường hợp phải điều chỉnh, bổ sung ngày, tháng sinh trong sổ hộ khẩu được thực hiện tại công an cấp quận, huyện nơi người dân đăng ký thường trú.
Cơ quan công an nơi tiếp nhận hồ sơ đề nghị người dân viết Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu về việc bổ sung ngày, tháng sinh để lưu tàng thư hồ sơ hộ khẩu theo quy định. Cơ quan công an nơi tiếp nhận hồ sơ cấp CMND/CCCD giữ sổ hộ khẩu để làm thủ tục bổ sung ngày, tháng sinh rồi trả lại sổ hộ khẩu cùng với CCCD cho người dân.
Do phải tra cứu, xác minh và điều chỉnh, bổ sung thông tin nên thời gian cấp lại CCCD là 15 ngày làm việc tại khu vực TP, thị xã và 20 ngày làm việc đối với các huyện miền núi vùng cao, biên giới, hải đảo.
"Tắc" ở khâu lăn tay
Người dân chờ làm thẻ căn cước tại Nhà văn hóa Thiếu nhi phường Bình Trưng Tây - Ảnh: MINH LỘC
Lúc tôi đến điểm cấp căn cước công dân (CCCD) lưu động tại Nhà văn hóa Thiếu nhi P.Bình Trưng Tây, TP Thủ Đức (TP.HCM) đã 15h35 ngày 12-4. Tôi khấp khởi mừng vì thấy chỉ chừng 50 người đang đợi.
Vừa ngồi xuống thì nghe mấy người xung quanh than đã chờ từ 13h mà chưa xong. Tôi nghĩ bụng chắc họ chỉ nói quá lên thôi. Nhưng đến 16h30 rồi 17h30 tôi thấm thía mùi vị chờ hoài mà chưa ai gọi tên mình. Gần 18h mới đến lượt tôi. Anh công an hỏi tỉ mỉ nhân thân, cha mẹ, hoàn tất khai thông tin nhanh chóng rồi mời tôi ra ngoài đợi gọi tên. Lại đợi đến 19h tôi mới được lăn tay chụp hình và khi cầm giấy hẹn ra về đúng 19h15, mất gần 4 tiếng mới xong.
Các khâu đăng ký, kê khai đều rất nhanh chóng. Trời nóng hừng hực, anh chị công an người nào cũng mồ hôi ướt áo mà vẫn vui vẻ. Thế vì đâu mà mọi người phải đợi quá lâu như vậy? Theo quan sát của tôi, khâu lăn tay chính là điểm tắc nghẽn. Có người do không quen "điểm chỉ" nên khi chị công an cầm ngón tay lăn qua bên nào là ổng vẹo mình qua bên đó. Hậu quả là mỗi ngón tay phải lăn đi lăn lại 2-3 lần, hơn 10 phút mới xong 10 ngón.
Nên chăng ở mỗi điểm làm CCCD tập trung, cơ quan công an bố trí 2-3 máy lấy dấu vân tay. Nếu số máy không đủ thì sau khi khai báo thông tin xong nên phát số và hẹn giờ lấy dấu vân tay để những người tới sau có thể tranh thủ về nghỉ ngơi hoặc làm việc khác, khỏi chờ đợi. Công an cũng nên phát video về hướng dẫn cách lấy dấu vân tay trên máy để khi làm thủ tục người dân không bỡ ngỡ mà ảnh hưởng tiến độ chung.
DƯƠNG VĂN MINH LỘC (TP THỦ ĐỨC)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận