13/11/2012 01:00 GMT+7

Giáo dục vắng niềm tin

MINH TUẤN
MINH TUẤN

TT - Hàng thập kỷ nay, giáo dục nước nhà luôn là tâm điểm cho những cuộc tranh luận, phê phán chỉ trích trên nhiều diễn đàn mặc dù thành tựu giáo dục đạt được không đến mức quá khiêm tốn xét trong tương quan với nguồn lực đầu tư vào hệ thống.

Giáo dục Việt Nam phải thay đổiBắt dạy thêm như bắt trộm

QA5G8eqK.jpgPhóng to
Một lớp học thêm tại nhà của học sinh tiểu học Q.Tân Bình, TP.HCM - Ảnh: Như Hùng

Giáo dục là hệ thống rất phức tạp về phương diện có đông người tham gia nhất, quản lý tài sản lớn nhất của đất nước và chịu nhiều áp lực từ sự thay đổi khoa học công nghệ, môi trường kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa và việc làm... Sự thay đổi liên tục của các yếu tố trong và ngoài đã làm cho hệ thống giáo dục vận hành đầy thách thức. Một trong các thách thức đó là thách thức niềm tin của người dân vào hệ thống giáo dục nói chung và niềm tin vào cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp và đội ngũ thầy cô giáo nói riêng.

Đánh mất niềm tin

"Một chính sách hay đường lối đổi mới giáo dục không dựa trên niềm tin của công chúng thì rất có thể bị chết oan uổng và tức tưởi"

Tại sao người dân phải cho con em mình đi học thêm? Vì cả xã hội chưa tin vào chất lượng dạy học trong nhà trường, chưa tin cậy vào phẩm chất và đạo đức hành nghề của nhà giáo. Hậu quả đương nhiên là lòng tin lại hướng sang chiều khác - lòng tin vào... học thêm. Nếu không đi học thêm, học sinh sẽ bị giáo viên ghét bỏ. Nếu không đi học thêm, điểm kém sẽ chờ chực sẵn ở bài kiểm tra...

Rồi xã hội lại ồn ào về việc địa phương này, địa phương kia “chê” người tốt nghiệp hệ tại chức và liên thông. Sự thật đào tạo tại chức hay liên thông tự nó không có lỗi mà có chăng là hệ thống giáo dục, thị trường lao động và mỗi cá nhân tham gia hoạt động giáo dục đã tự đánh mất niềm tin của xã hội.

Xã hội đang thiếu niềm tin vào giá trị của văn bằng đại học, thạc sĩ hay tiến sĩ vì sự giả dối, thiếu trung thực “kết tinh” trong các bằng cấp ấy đang soán ngôi, lộng hành. Người dân cũng không tin vào chất lượng hệ thống dạy nghề vì chất lượng dạy nghề chưa giúp con em họ nhiều cơ hội việc làm, vì vậy con đường vào đại học vẫn là sự lựa chọn số một.

Không dựa vào khẩu hiệu

Lòng tin vào hệ thống giáo dục không phải chỉ dựa vào những khẩu hiệu “nói không” mãi mà cần dựa trên thái độ trung thực của người trong cuộc và một nền giáo dục trung thực để hình thành nên những con người tử tế và trung thực. Trớ trêu thay, càng “nói không” nhiều thì niềm tin vào nói “có” trung thực trong giáo dục lại giảm đi.

Đã có lúc ngành giáo dục khơi dậy được lòng tin xã hội bằng những quyết tâm và hành động thực tế. Thế nhưng vụ tiêu cực giải bài có tổ chức ở Đồi Ngô trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2012 là một ví dụ của lãng phí niềm tin vừa gây dựng được, và lại đánh mất gần như tất cả niềm tin và những nỗ lực ấy.

Người xưa có câu “có thực mới vực được đạo”. Với đồng lương giáo viên như hiện nay (đặc biệt giáo viên sống ở các thành phố lớn), niềm tin vào việc dạy tốt và học tốt nhiều khi trở nên xa lạ và xa xỉ. Chính sự giả dối trong giáo dục, chính tư duy nhiệm kỳ khiến các nhà lãnh đạo và quản lý giáo dục chưa dám soi mình vào tấm gương thực tế chất lượng và hiệu quả giáo dục.

Nếu những người lãnh đạo quản lý của ngành thiếu bản lĩnh, không vững tâm, tầm không tới, trí không sáng và thiếu niềm tin thì sự nghiệp đổi mới giáo dục chẳng bao giờ thành công như mong muốn. Muốn vận hành hệ thống giáo dục hiệu quả, muốn đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà, việc cần làm là hãy lấy lại niềm tin của xã hội vào hệ thống giáo dục, mà trước hết niềm tin này phụ thuộc vào năng lực và phẩm chất của người đứng đầu các cấp quản lý giáo dục, của người thầy và trách nhiệm của người học.

MINH TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên