12/06/2020 15:05 GMT+7

Giáo dục tài chính góp phần thay đổi thói quen trong thanh toán

QUỐC DŨNG
QUỐC DŨNG

Bà Lê Thị Thúy Sen, vụ trưởng Vụ Truyền thông - Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cho biết việc thực hiện đồng bộ các trụ cột về hành lang pháp lý, chất lượng hạ tầng và truyền thông là những nhân tố quan trọng và quyết định về thanh toán không tiền mặt.

Giáo dục tài chính góp phần thay đổi thói quen trong thanh toán - Ảnh 1.

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh tham quan một gian hàng trong hội thảo về Ngày không tiền mặt diễn ra sáng 21-6 tại TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN

Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online về vai trò của giáo dục tài chính trong việc nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, bà Sen cho rằng bên cạnh đó là sự phối hợp của các cơ quan, đơn vị chức năng trong việc truyền thông nhằm thay đổi, tạo thói quen sử dụng các hình thức thanh toán không tiền mặt đối với công chúng.

* Thưa bà, thói quen là thách thức rất lớn của việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. NHNN thời gian qua đã có những giải pháp gì để góp phần tăng cường hiểu biết của công chúng về ngân hàng tài chính nói chung, và về các sản phẩm thanh toán không dùng tiền mặt nói riêng?

- Giáo dục tài chính nhằm nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt được các quốc gia trên thế giới quan tâm đặc biệt ở các quốc gia đang phát triển. Để chủ trương đó hiệu quả, việc thực hiện đồng bộ các trụ cột về hành lang pháp lý, chất lượng hạ tầng thanh toán và truyền thông là những nhân tố quan trọng và quyết định.

Đối với Việt Nam, đây là chủ trương được Chính phủ và NHNN quan tâm với giá trị cốt lõi là mang lại tiện ích và bảo vệ người tiêu dùng sử dụng dịch vụ tài chính cũng như tạo thói quen tài chính tốt trong cộng đồng, giảm chi phí xã hội và nền kinh tế, giảm rủi ro cho người dân. Bên cạnh đó, những việc này cũng như góp phần thực hiện mục tiêu quản trị xã hội, kinh tế văn minh, và hiện thực hóa ứng dụng công nghệ hiện đại, công nghệ số để người dân được hưởng tiện ích sử dụng dịch vụ tài chính, quản lý dịch vụ công tương đương với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Giáo dục tài chính góp phần thay đổi thói quen trong thanh toán - Ảnh 2.

Bà Lê Thị Thúy Sen

Đối với việc sử dụng dịch vụ tài chính nói chung và thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt nói riêng, việc thay đổi thói quen người sử dụng là một thách thức và trở ngại. Thomas Edition đã nói: "Để thay đổi thói quen, hãy lập một quyết định lý trí, rồi thực hiện hành vi mới". 

Để thay đổi, tạo thành thói quen sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt, việc cần thiết là các cơ quan, đơn vị chức năng phối hợp để thay đổi nhận thức, hành vi nhằm thay đổi thậm chí hình thành thói quen mới đối với người tiêu dùng sử dụng dịch vụ tài chính.

* Để khuyến khích người dân sử dụng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, sự phối hợp của các bộ ngành, cơ quan, đơn vị liên quan trong công tác truyền thông, giáo dục tài chính là rất quan trọng. Điều đó được thể hiện như thế nào, thưa bà?

- Đối với truyền thông về thanh toán không dùng tiền mặt, NHNN đã chủ động, trách nhiệm và tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng các chương trình truyền thông đến công chúng về tiện ích, giá trị, cách sử dụng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt đảm bảo an ninh, an toàn bảo mật. 

Đặc biệt, chúng tôi cũng truyền thông minh bạch về phí để người dân yên tâm sử dụng như nguyên tắc quản lý phí sử dụng dịch vụ ngân hàng theo cơ chế thị trường, có sự cạnh tranh nên lợi ích, sự lựa chọn thuộc về khách hàng như những dịch vụ miễn phí, giảm phí, khung biểu phí.

Thực tế, để khuyến khích người dân sử dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, các cơ quan, đơn vị liên quan cần truyền thông để người sử dụng hiểu rõ tiện ích, an ninh, an toàn và chi phí thấp. Chính những điều đó là yếu tố quan trọng hình thành và thay đổi thói quen cộng đồng.

Trong thời gian qua, NHNN đã phối hợp với các đơn vị liên quan, trong đó đặc biệt là các cơ quan báo chí, các tổ chức tín dụng thực hiện nhiều chương trình truyền thông giáo dục phổ cập các kiến thức tài chính đặc biệt là thanh toán không dùng tiền mặt với nội dung đa dạng, phong phú, dễ hiểu, hướng tới công chúng và đặc biệt là giới trẻ và học sinh có tính lan tỏa trong cộng đồng như chương trình "Tiền khéo tiền không", "Những đứa trẻ thông thái", "Đồng tiền thông thái" và "Hiểu đúng về tiền", "Tư vấn tài chính" hay "Ngày thanh toán không dùng tiền mặt"…

* Thực tế cho thấy nhiều người dân còn rất e ngại trong việc sử dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt hiện đại. Xin bà cho biết giải pháp sắp tới là gì?

- Trong thời gian tới, NHNN sẽ nghiên cứu và đưa ra các chương trình truyền thông để góp phần thay đổi thói quen người tiêu dùng sử dụng dịch vụ tài chính, đẩy mạnh truyền thông về thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng, trong đó chúng tôi sẽ có giải pháp truyền thông để những người chưa tiếp cận dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt thay đổi hành vi tài chính như thay vì sử dụng tiền mặt thì sử dụng các hình thức thanh toán trực tuyến. 

Đồng thời, chúng tôi cũng có kế hoạch, phương án truyền thông phù hợp hướng tới những người đã, đang có tài khoản ngân hàng nhằm tăng cường sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt vì thực tế có nhiều người có trang thiết bị và các điều kiện thanh toán không dùng tiền mặt nhưng chưa hiểu hết giá trị, tiện ích và rào cản thói quen nên vẫn sử dụng tiền mặt.

Giáo dục tài chính góp phần thay đổi thói quen trong thanh toán - Ảnh 3.

Hơn thế nữa, để thực hiện Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện và các đề án của Chính phủ về thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán dịch vụ công và tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính, mục tiêu NHNN sẽ xây dựng các chương trình truyền thông hướng tới đồng bào khu vực nông thôn, những đối tượng yếu thế trong xã hội và giới trẻ. Tùy từng vùng miền, đối tượng công chúng, chúng tôi sẽ có các chương trình truyền thông phù hợp.

Để thực hiện được mục tiêu đó, NHNN nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, thực tiễn Việt Nam, các xu hướng truyền thông mới, ứng dụng công nghệ hiện đại để phối hợp xây dựng các chương trình truyền thông. 

Đồng thời, NHNN sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan tổ chức liên quan như các cơ quan bộ ngành liên quan, cơ quan báo chí, các tổ chức chính trị, xã hội, các đơn vị cung ứng và chấp nhận dịch vụ để thực hiện truyền thông góp phần thực hiện hiệu quả chủ trương thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam, đặc biệt là thanh toán các dịch vụ công qua ngân hàng.

Thanh toán bằng thẻ và ngân hàng điện tử tăng mạnh Thanh toán bằng thẻ và ngân hàng điện tử tăng mạnh

TTO - Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Thomas William Tobin - GĐ khối bán lẻ Vietcombank - cho biết nhằm chia sẻ với khách hàng do tác động của dịch COVID-19, tổng số tiền mà Vietcombank giảm phí chuyển tiền cho khách hàng trong năm nay là gần 100 tỉ đồng.

QUỐC DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên