28/02/2020 09:37 GMT+7

Giãn, hoãn thuế thời corona: đừng để quá muộn

L.THANH - Á.HỒNG - N.BÌNH
L.THANH - Á.HỒNG - N.BÌNH

TTO - Sau khi Thủ tướng chỉ đạo ngành thuế nghiên cứu giãn, hoãn thuế cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhiều chuyên gia cho rằng những chính sách hỗ trợ cần sớm được triển khai để doanh nghiệp có thể xoay xở trước khi quá muộn.

Giãn, hoãn thuế thời corona: đừng để quá muộn - Ảnh 1.

Chợ đìu hiu vắng khách, có sạp hàng trong chợ Tân Định, TP.HCM đã phải tạm đóng - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Theo các chuyên gia, ngoài việc hoãn, giãn thời gian nộp thuế, cần có chính sách giảm thuế riêng với những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nhất, trong đó có hộ kinh doanh nộp thuế khoán, đồng thời có gói cho vay ưu đãi cho các doanh nghiệp vực dậy hoạt động hậu dịch bệnh.

* Bà Nguyễn Thị Cúc (chủ tịch Hội tư vấn thuế):

Giãn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng

Giãn, hoãn thuế thời corona: đừng để quá muộn - Ảnh 2.

Trong bối cảnh doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19, nếu lùi thời gian quyết toán thuế của năm 2019 (sau ngày 31-3) chỉ có lợi cho những doanh nghiệp phải nộp thêm thuế nhưng những doanh nghiệp được hoàn thuế lại bị thiệt thòi. 

Việc giảm thuế hay chậm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cũng rất tốt nhưng nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong kinh doanh với doanh thu sụt giảm mạnh, thậm chí thua lỗ nên đâu có lãi để mà nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.

Do đó, theo tôi, nên gia hạn thời gian kê khai và nộp thuế giá trị gia tăng cho người nộp thuế. Đối với những đơn vị phải nộp theo tháng, thời gian gia hạn nộp có thể là 60 ngày chứ không phải là 20 ngày của tháng sau, còn đơn vị nộp theo quý thì sau 2 quý chứ không phải chỉ 30 ngày như hiện nay. Bởi với số tiền thuế giá trị gia tăng được gia hạn, người nộp thuế sẽ tạm thời chiếm dụng tiền thuế đó trong lúc khó khăn này. 

Thực tế, có một số doanh nghiệp phải đi vay ngân hàng để nộp thuế. Việc gia hạn thuế giá trị gia tăng sẽ có tác động, hỗ trợ trực tiếp hơn.

Ngoài ra, nên gia hạn thời gian quyết toán thuế đối với những cá nhân tự đi quyết toán sau ngày 31-3. Bởi dịch cúm còn phức tạp. Khi tự quyết toán, nhiều cá nhân phải đến cơ quan thuế để hỏi thông tin, nộp giấy tờ, làm các thủ tục. Do đó, có thể xảy ra tình trạng tụ tập đông người, nhất là vào lúc sắp hết hạn thời điểm quyết toán cuối tháng 3.

* Ông Trịnh Nguyễn Hùng Dũng (tổng giám đốc Công ty du lịch Thiên Niên Kỷ):

Đừng để quá muộn

Giãn, hoãn thuế thời corona: đừng để quá muộn - Ảnh 3.

Chính phủ đã có chủ trương giãn, hoãn thuế cho doanh nghiệp thì cần được thực hiện ngay, càng sớm càng tốt để doanh nghiệp có kịp thời gian định hướng lại chiến lược, tái cấu trúc hoạt động. Trước mắt, ngành thuế có thể lùi thời gian đóng thuế thu nhập doanh nghiệp của năm 2019 đến cuối năm 2020, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020, giảm thuế VAT 50% để khuyến khích người dân chi tiêu nhiều hơn...

Với lĩnh vực du lịch, các nguồn khách mà doanh nghiệp còn duy trì được đều là khách đã đặt trước từ năm ngoái, nguồn khách mới dường như không còn. Không có khách, không có doanh thu, nguồn tài chính dự phòng chỉ có thể cầm cự được một thời gian. Nếu cơ quan quản lý kịp thời ban hành một chính sách giãn, hoãn thuế, doanh nghiệp mới biết mình được cứu như thế nào, an tâm để tự tìm cách cứu mình.

Cách đây hai tuần, các ngân hàng đã có động thái tiếp xúc với doanh nghiệp, gửi công văn yêu cầu các thủ tục bổ sung hồ sơ cần thiết để tiến hành khoanh, giãn nợ, lãi suất cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch COVID-19. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có kết quả cụ thể trong khi điều doanh nghiệp mong mỏi dù chủ trương đã có. Cứu người thì cần cứu liền tay. Việc thực thi kịp thời cũng sẽ cứu các doanh nghiệp trước khi quá muộn.

* Chuyên gia thuế Nguyễn Thái Sơn:

Phải xem xét lại thuế khoán của hộ kinh doanh

Giãn, hoãn thuế thời corona: đừng để quá muộn - Ảnh 4.

Dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng rất lớn đến tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, hộ kinh doanh. Trong đó, bị ảnh hưởng nhiều nhất là các hộ nộp thuế theo dạng khoán vì số thuế khoán được tính toán dựa trên doanh số thời điểm kinh doanh bình thường trước đây, khi chưa bị ảnh hưởng bởi dịch. Do vậy, việc tính toán các giải pháp hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng là cần thiết.

Tuy nhiên, cái khó của ngành thuế là dù thực hiện giãn, hoãn thuế nhưng số thu không được giảm. Vậy bù đắp từ đâu? Theo tôi, cần có các giải pháp tổng thể. Chẳng hạn, cùng với việc giãn, hoãn thuế cho những đối tượng gặp khó khăn, nên khai thác nguồn thu từ những doanh nghiệp được hưởng lợi nhờ dịch bệnh, chẳng hạn như thương mại điện tử, những doanh nghiệp sản xuất khẩu trang, nước rửa tay...

Đặc biệt, cơ quan thuế đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra những nguồn thu thất thoát trước đây, như thương mại điện tử, chuyển giá của những ông lớn, thu thuế người nhận tiền từ Google, Facebook, thất thu thuế từ chuyển nhượng bất động sản...

* Ông Nguyễn Đức Nghĩa (chủ nhiệm CLB Đại lý thuế TP.HCM):

Cần tiếp sức cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh

Giãn, hoãn thuế thời corona: đừng để quá muộn - Ảnh 5.

Dịch COVID -19 ảnh hưởng nặng nề đến doanh nghiệp và hộ kinh doanh, đặc biệt trong các lĩnh vực dịch vụ, du lịch, khách sạn, xuất nhập khẩu. Nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, thậm chí không còn tiền để trả lương cho lao động. Do vậy, cần có các biện pháp hỗ trợ, đồng hành từ phía cơ quan nhà nước. Một trong các biện pháp là giảm, giãn thuế.

Theo quy định, giảm thuế sẽ phải xin ý kiến nhiều cấp và mất rất nhiều thời gian, còn việc giãn thuế có thể thực hiện ngay. Có thể giãn thuế thu nhập doanh nghiệp từ 3-6 tháng, gồm các khoản phải nộp của năm 2019 và cả quý 1-2020. Với thuế môn bài năm 2020 có thể miễn hoặc giảm 50% và cho giãn nộp đến cuối năm. Các biện pháp này sẽ giúp doanh nghiệp bớt áp lực, tiếp sức mạnh cho doanh nghiệp và hộ kinh doanh để có thể vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Hầu hết những quốc gia bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trong khu vực đều đã có các biện pháp hỗ trợ, nên VN cũng cần phải thực hiện nhanh các giải pháp hỗ trợ nhằm giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

* Ông Trần Văn Long (tổng giám đốc Công ty Du Lịch Việt)

Cần có gói tín dụng cho doanh nghiệp

Giãn, hoãn thuế thời corona: đừng để quá muộn - Ảnh 6.

Ngoài việc giãn, hoãn thuế cho doanh nghiệp, Chính phủ có thể xem xét, giãn thời gian nộp bảo hiểm xã hội cho người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp du lịch đang gặp khó khăn về tài chính và tình hình biến động nhân sự.

Việc Chính phủ giãn, hoãn thu thuế sẽ giúp doanh nghiệp có động lực, chống chọi trong thời gian dịch bệnh. Nhưng để có thể vực dậy sau dịch, doanh nghiệp cần nguồn lực. Do đó, ngoài việc giãn nợ, cơ cấu lại thời hạn trả nợ hay khoanh vùng các khoản nợ cũ, các ngân hàng cũng nên có gói tín dụng dành riêng cho những doanh nghiệp cần nguồn vốn để tái cấu trúc, đón cơ hội sau dịch. Các ngân hàng dựa trên tiềm lực của từng doanh nghiệp, đánh giá năng lực tài chính, dự án, mạnh dạn cho doanh nghiệp vay với lãi suất tốt.

Tiểu thương mong được giảm thuế

Trao đổi với Tuổi Trẻ, nhiều tiểu thương tại chợ An Đông (Q.5, TP.HCM) cho biết rất mong được giảm thuế do doanh thu thời gian qua giảm mạnh bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Chị T. - tiểu thương bán túi xách tại mặt tiền trung tâm thương mại An Đông Plaza (An Đông 2) - cho biết cả tháng nay chợ ế ẩm do ảnh hưởng của dịch Covid-19, khách không tới mua hàng vì sợ lây nhiễm. Nhiều ngày tiểu thương không bán được món hàng nào, ngày có khách cũng chỉ bán được vài trăm ngàn rồi đóng cửa về, không đủ tiền bù lại chi phí.

Dù doanh số sụt giảm hơn 90%, nhưng mỗi ngày chị T. phải chi không dưới 2 triệu đồng gồm tiền thuê kiôt (40 triệu đồng/tháng), tiền điện, tiền công cho nhân viên... "Ngay mặt tiền còn không bán được, các kiôt càng ế ẩm hơn, số thu không đủ để trang trải tiền thuê sạp chứ lấy đâu mà nộp thuế" - chị T. nói. Theo các tiểu thương, điều cần nhất hiện nay là phải giảm thuế như đơn đề xuất trước đó của các tiểu thương, bởi có chậm nộp mà không giảm thuế cũng không có tiền để đóng.

Chị Ngọc Yến, tiểu thương kinh doanh mặt hàng trang sức chợ An Đông, cho biết các tiểu thương tại chợ này kỳ vọng sẽ được giảm 50% tiền thuế, còn việc nộp chậm lại là không cần thiết vì trước sau gì cũng phải nộp. "Doanh thu bán hàng của các tiểu thương tại chợ này đã giảm đến 90% do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Nếu không được giảm thuế, tiểu thương phải móc tiền túi, thậm chí phải đi vay để có tiền nộp thuế...", chị Yến nói.

Trước đó, tập thể tiểu thương chợ An Đông 1 đã ký và gửi đơn đến UBND Q.5 xin giảm 50% thuế định kỳ hằng tháng trong vòng 3 - 6 tháng, kể từ tháng 2-2020 cho toàn bộ tiểu thương ở chợ. Sau đó, các tiểu thương tại chợ An Đông 2 cũng làm đơn xin giảm thuế.

BÔNG MAI

Giúp doanh nghiệp vượt qua COVID-19: Giảm phí cầu đường, thuế nhiên liệu bay Giúp doanh nghiệp vượt qua COVID-19: Giảm phí cầu đường, thuế nhiên liệu bay

TTO - Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh vừa đề nghị như trên trong văn bản gửi Bộ GTVT về việc hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân tháo gỡ khó khăn... trước dịch COVID-19.

L.THANH - Á.HỒNG - N.BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên