16/06/2021 19:01 GMT+7

Giãn cách nghiêm tuyệt đối, TP.HCM sẽ khống chế được dịch trong 2 tuần

HOÀNG LỘC
HOÀNG LỘC

TTO - Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho rằng hai tuần giãn cách là một cơ hội, nếu 'thực hiện nghiêm tuyệt đối' sẽ giúp hạn chế tối đa COVID-19 lây lan trong cộng đồng và hoàn tất khống chế dịch.

Giãn cách nghiêm tuyệt đối, TP.HCM sẽ khống chế được dịch trong 2 tuần - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn trao đổi với báo chí tại cuộc họp chiều 16-6 - Ảnh: DUYÊN PHAN

Tại cuộc trao đổi với báo chí chiều 16-6, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn - trưởng đại diện thường trực Bộ Y tế về công tác phòng chống dịch tại TP.HCM - cho rằng hai tuần giãn cách xã hội đối với TP.HCM là một cơ hội, nếu thực hiện nghiêm các quy định về giãn cách tuyệt đối sẽ giúp hạn chế tối đa COVID-19 lây lan trong cộng đồng và hoàn tất khống chế dịch.

Thế nhưng đó là chiều thuận, ngược lại nếu không tận dụng được cơ hội này, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho rằng TP.HCM sẽ đối diện với nhiều nguy cơ. 

"Nếu cứ để người tiếp xúc người không có khoảng cách, vẫn tụ tập đám đông, các phương tiện công cộng vẫn lưu thông vận chuyển một cách bừa bãi thì chắc chắn đó không phải là cơ hội nữa, mà là nguy cơ ngày càng cao" - ông nói. 

Ông khuyến cáo nếu trong hai tuần tới người dân TP.HCM không thực hiện nghiêm túc các chỉ thị của TP.HCM và Chính phủ thì cơ hội sẽ qua và TP.HCM sẽ "đứng trước thử thách rất lớn trong ứng phó với dịch COVID-19". 

Tuy vậy, ông hy vọng với sự ý thức của người dân, sự nỗ lực của các cấp chính quyền, các bộ, ngành và đặc biệt là sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, TP.HCM sẽ cơ bản kiểm soát được tình hình. 

Trả lời Tuổi Trẻ Online về việc TP.HCM từ 27-4 đến nay ghi nhận trên 1.000 ca mắc COVID-19, cộng với việc có rất nhiều chuỗi lây nhiễm trong cộng đồng chưa xác định nguồn lây, liệu có đáng báo động và kịch bản của sau 1.000 ca là gì?

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết cả nước đang xây dựng kịch bản 30.000 ca. Và tình hình đáng báo động này chủ yếu liên quan đến chuẩn bị năng lực cách ly, thu dung điều trị và giãn cách xã hội. 

Theo ông Sơn, khi TP.HCM cán mốc 1.000 ca bệnh, thì trước đó ngành y tế TP.HCM đã xây dựng kịch bản gối đầu mức 5.000 ca. 

"Phương án đã có. Do đó, nếu có 1.000 ca bệnh nhưng vẫn nằm trong khống chế thì không có lý gì phải tăng mức độ giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 cả. Nhưng có khi chỉ 500 ca phải giãn cách theo chỉ thị 16. Như vậy, tùy vào tình hình thực tiễn để đưa ra quyết định phù hợp nhất" - Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nói. 

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho rằng lúc này có giải pháp mạnh hơn cũng không huy động được gì, trong khi đó có thể làm ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế. 

"TP.HCM khác so với các tỉnh khác. Nếu đưa giải pháp lố một chút thì ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế - xã hội nên phải hết sức cân nhắc. Nhưng cũng không vì lý do đó mà làm ảnh hưởng đến công tác chống dịch. 

Chúng ta có thể áp dụng chỉ thị 15, 15+, 16 và thậm chí phong tỏa, nhưng khi áp dụng phải hết sức nhuần nhuyễn theo nguyên tắc phát hiện ca bệnh phải khoanh rộng, sau đó gom càng nhỏ càng tốt để khống chế", Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn phân tích. 

Chuyển đổi Bệnh viện Trưng Vương TP.HCM thành nơi điều trị bệnh nhân COVID-19
Chuyển đổi Bệnh viện Trưng Vương TP.HCM thành nơi điều trị bệnh nhân COVID-19

TTO - Với quy mô hơn 1.000 giường bệnh, Bệnh viện Trưng Vương được Sở Y tế TP.HCM chuyển đổi công năng thành nơi tiếp nhận, điều trị cho bệnh nhân COVID-19.

HOÀNG LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên