Ngày 22-8, Sở Y tế TP.HCM đã tổ chức Hội nghị tăng cường các giải pháp đảm bảo an toàn người bệnh trong phẫu thuật thẩm mỹ.
Theo PGS.TS Tăng Chí Thượng, những sai phạm, biến tướng và sự cố y khoa trong lĩnh vực thẩm mỹ đã trở thành vấn đề đáng lo ngại ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Hiện nay thế giới đang đẩy mạnh triển khai ba nhóm giải pháp nhằm hạn chế những sai phạm và sự cố y khoa trong lĩnh vực thẩm mỹ.
“Không có lý do gì chúng ta không học tập kinh nghiệm của các nước. Theo tôi, chúng ta cần bổ sung thêm hai giải pháp nữa”, ông Thượng nhấn mạnh.
Cụ thể năm nhóm giải pháp gồm siết chặt quy định hành nghề thẩm mỹ: siết chặt về cấp phép, giấy phép hành nghề, kể cả cơ sở, phòng khám cần giám sát chặt và xử lý nghiêm.
Đẩy mạnh truyền thông cho người dân, công khai xử lý minh bạch mọi việc cho người dân chọn lựa đúng nơi thẩm mỹ, nơi có giấy phép.
Sở Y tế tiếp tục công khai những cơ sở vi phạm cho toàn xã hội biết.
Đồng thời đẩy mạnh quản lý chặt thuốc, vật tư, trang thiết bị liên quan đến thẩm mỹ.
Các sản phẩm như filler, botox phải được kiểm định chất lượng và nguồn gốc rõ ràng trước khi sử dụng.
“Bây giờ chúng ta lên mạng gõ botox rồi đặt gửi đến tận nhà, hiện nay botox được xếp vào nhóm trang thiết bị không nghiêm ngặt như thuốc, dẫn đến lạm dụng thuốc, vật tư liên quan đến thẩm mỹ gây ra nhiều biến chứng. Chúng ta cần kiến nghị Bộ Y tế, đơn vị liên quan siết chặt vấn đề này”, ông Thượng chia sẻ.
Ngoài ra, Sở Y tế sẽ tiếp tục chuẩn hóa quy trình phẫu thuật thẩm mỹ, phải có phác đồ chuẩn cho từng phần phẫu thuật, kêu gọi chuyên gia đầu ngành của TP chung sức hoàn thành tài liệu.
Nhóm cuối cùng khó nhưng phải làm, đó các phòng khám và bệnh viện phải làm nghiêm hồ sơ bệnh án về thẩm mỹ.
Để thuận lợi, Sở Y tế sẽ xây dựng hồ sơ số hóa về thẩm mỹ, giúp cho công tác quản lý, nhận định, không để một phòng khám tự do làm các thủ thuật thẩm mỹ.
TS.BS Nguyễn Thanh Vân - phó chủ tịch thường trực Liên chi hội phẫu thuật thẩm mỹ tạo hình TP.HCM - cho rằng để giảm tai biến thẩm mỹ, phải chú ý đến nhiều yếu tố như: con người, cơ sở vật chất, bác sĩ gây mê hồi sức...
Nếu quản lý chặt các yếu tố sẽ giảm tai biến trong thẩm mỹ. Bệnh nhân đến phẫu thuật phải đánh giá được cơ sở vật chất có đủ điều kiện không, bác sĩ có chứng chỉ hàng nghề ra sao, không làm nhiều phẫu thuật cùng lúc sẽ dễ gây tai biến...
"Bác sĩ gây mê hồi sức có chứng chỉ hành nghề, tay nghề cao để ứng phó khi có ca tai biến xảy ra. Đã xảy ra nhiều vụ việc đáng tiếc do tay nghề kém của phẫu thuật viên, hút mở lủng ruột, đặt túi ngực lủng phổi", TS Vân nói.
Thách thức ranh giới giữa cơ sở có chuyên môn y tế và không có chuyên môn
Theo bác sĩ Hồ Văn Hân - chánh Thanh tra Sở Y tế TP.HCM, hiện nay trên địa bàn có 37 bệnh viện thẩm mỹ, 290 phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ và 414 phòng khám chuyên khoa da liễu.
Ngoài ra còn có 3.891 cơ sở spa, chăm sóc da do quận, huyện, Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp phép, nhiều cơ sở đã lấn sân sang lĩnh vực y tế.
Ranh giới giữa y tế có chuyên môn và không chuyên môn là thách thức lớn trong công tác quản lý.
Những vi phạm phổ biến như: thẩm mỹ không phép, thẩm mỹ chui núp bóng trong cơ sở không có giấy phép hoạt động, bác sĩ tay ngang hành nghề chui rất nhức nhối. Đáng nói là những cơ sở len lỏi trong khu dân cư, nhà dân để khám chữa bệnh không phép.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận