06/07/2020 09:03 GMT+7

Giải quyết từ gốc để người dân thôi bức xúc với tiền điện

NGỌC HIỂN
NGỌC HIỂN

TTO - Điệp khúc nắng nóng, tiền điện tăng dù ngành điện đã giải thích, đi kiểm tra nhưng dường như chưa làm nguội nỗi bức xúc của người tiêu dùng. Cần thêm những biện pháp giải quyết vấn đề từ gốc.

Giải quyết từ gốc để người dân thôi bức xúc với tiền điện - Ảnh 1.

Đoàn kiểm tra theo dõi việc ghi chỉ số điện qua côngtơ có chức năng đo đếm chỉ số từ xa tại Công ty Điện lực Tân Phú, TP.HCM - Ảnh: NG.HIỂN

Để công khai việc ghi chỉ số, lập hóa đơn và giải quyết kiến nghị của khách hàng từ các tổng công ty điện lực thành viên, Tập đoàn Điện lực VN (EVN) đã mở một đợt kiểm tra với sự tham gia của các cơ quan chuyên ngành, trong đó có Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đi từ Bắc vào Nam.

Không chỉ kiểm tra các tổng công ty, các công ty điện trực thuộc mà đoàn còn đến làm việc tại các đơn vị kiểm định côngtơ, cũng như lựa chọn ngẫu nhiên những khách hàng phản ảnh lượng điện năng tiêu thụ tăng cao bất thường để tìm hiểu nguồn cơn bức xúc.

Đợt kiểm tra này cho thấy việc sai sót khi ghi chỉ số điện vẫn có, được ngành điện giải thích đó là những sai sót cá nhân mang tính khách quan, do đọc nhầm chỉ số, sai sót khi nhập liệu, song tỉ lệ nhỏ, và đã được giải quyết thông qua phúc tra nội bộ của "nhà đèn", chỉ hi hữu mới "lọt lưới", do khách hàng tự phát hiện. 

Với kiểm định côngtơ, đại diện Vụ Đo lường cho rằng khó can thiệp làm sai lệch chỉ số trong lúc kiểm định, nhưng thực tế vẫn có những trường hợp côngtơ hoạt động sai dẫn đến khách hàng được trả lại tiền.

Về phía người tiêu dùng, phần lớn những khiếu nại, kiến nghị đều cho ra kết quả là do khách hàng. Như một gia đình tại Đồng Nai thắc mắc tiền điện từ hơn 2 triệu lên 10 triệu đồng/tháng, kết quả xác minh cho thấy khách hàng mới mở quán cà phê, sử dụng 5 máy điều hòa để kinh doanh song đăng ký điện sinh hoạt, do đó đã được hướng dẫn để chuyển đổi sang điện kinh doanh.

Dùng điện bao nhiêu trả tiền bấy nhiêu, đó là quy luật thị trường, nhưng làm sao để khách hàng khỏi "tá hỏa" trước tờ hóa đơn?

Cần thúc đẩy áp dụng công nghệ triệt để, từ khâu đo đếm chỉ số tiêu thụ điện đến khâu so sánh lượng điện tiêu thụ, đặc biệt là cần để khách hàng tự kiểm soát. 

Trên thực tế, ngành điện đã xây dựng ứng dụng (app) trên điện thoại và website để khách hàng có thể tra cứu sản lượng điện tiêu thụ của gia đình mỗi tháng, có biểu đồ so sánh giữa các tháng, thậm chí so với bình quân sản lượng điện tiêu thụ trong vùng. 

Tại Đà Nẵng, khách hàng có thể theo dõi việc dùng điện mỗi ngày, số tiền điện tạm tính để từ đó có thể chủ động điều chỉnh lượng điện năng sử dụng. Vấn đề là cần phải tạo ra sự lan tỏa để công nghệ này có thể đến được với đông đảo khách hàng, làm cho khách hàng chủ động sử dụng và theo dõi chính việc dùng điện của gia đình.

Ngoài ra, trong trường hợp người dân bức xúc, vai trò của lực lượng thanh tra các sở công thương địa phương cũng cần được phát huy tức thời thay vì chỉ thanh tra định kỳ theo kế hoạch được phê duyệt. 

Chỉ khi có sự tham gia rốt ráo của các cơ quan độc lập, minh bạch kết quả, người dân mới thực sự tin tưởng và chia sẻ. 

Thời gian qua, dường như những đội ngũ thanh tra này đứng ngoài rìa bức xúc của nhân dân và nếu quy định chưa sát với thực tiễn, cần thiết phải xem xét điều chỉnh, sửa luật bởi cuối cùng vẫn là làm sao đảm bảo quyền lợi của người dân.

Những trường hợp ghi sai tiền điện do khách hàng vắng nhà nên phải tạm tính Những trường hợp ghi sai tiền điện do khách hàng vắng nhà nên phải tạm tính

TTO - Qua kiểm tra thực tế, một số trường hợp ghi sai và phải điều chỉnh hóa đơn tiền điện chủ yếu rơi vào khách hàng vắng nhà là bất khả kháng và phải tạm tính nhưng sau đó được điều chỉnh, rà soát lại để truy thu/thoái hoàn tiền cho khách hàng.

NGỌC HIỂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên