Theo xu hướng phát triển hàng hải thế giới, kích thước tàu ngày càng tăng đã khiến kênh đào Panama dần trở nên chật hẹp.
Thủy lộ huyết mạch dài 82km nối liền Đại Tây Dương và Thái Bình Dương qua eo đất hẹp Panama được Mỹ đào từ đầu thế kỷ 20 buộc phải tiếp tục mở rộng, nếu không thì ngày con kênh này bị tắc nghẽn sẽ chẳng còn xa...
Dự án mở rộng kênh đầy trắc trở
Hơn 100 năm kể từ thời điểm bắt đầu thông luồng năm 1914, lịch sử vận hành kênh đào Panama liên tục tăng. 1999, năm cuối cùng của thế kỷ 20 bước sang thiên niên kỷ mới và cũng là thời điểm Mỹ chính thức chuyển giao quyền kiểm soát hoàn toàn kênh đào về đất mẹ Panama, thủy lộ này đã đón 14.336 tàu với tổng tải trọng gần 228 triệu tấn.
Nhìn chung đây là con kênh đào khá an toàn mặc dù nó có quy thức vận hành rất đặc biệt với hệ thống âu thuyền hoạt động như "thang máy nước" để đưa tàu vào - ra con kênh vốn cao hơn mực nước biển trung bình đến 26m.
Tuy nhiên nếu xem xét lại cụ thể các lộ trình thì từng có những trục trặc xảy trên kênh đào, mà gần nhất lại chính là chiến hạm USS Montgomery hiện đại của hải quân Mỹ.
Khi băng kênh đào từ Đại Tây Dương qua Thái Bình Dương, chiến hạm này bị thủng phần thân tàu ngay dưới buồng lái. Vết thủng có đường kính rộng tới 0,5m và chỉ cách mặt nước khoảng 2,5m nên được đánh giá là tai nạn nghiêm trọng với chiến hạm mới xuất xưởng.
Hải quân Mỹ đã vào cuộc điều tra và chỉ ra nhiều nguyên nhân, trong đó có cả yếu tố quá tải của con kênh đào chiến lược.
Thật ra ngay trong thế kỷ 20, Mỹ cũng đã có kế hoạch mở rộng kênh đào này nhưng phải đến đầu thế kỷ 21 việc lớn lao đó mới được chính người Panama tự thực hiện.
Tháng 9-2007, dự án được Chính phủ Panama triển khai với mục tiêu mở rộng kênh đào bằng luồng âu tàu thứ ba có thể đáp ứng các con tàu hàng chở đến 12.000 container, nhiều hơn gấp đôi so với trước.
Chiều rộng thông tàu của cửa kênh mới là 55m, trong khi cửa cũ chỉ có 34m và chiều sâu mớn nước từ 12m tăng lên đến 18m. Khi hoàn thành dự án, kênh sẽ đạt công suất trung chuyển gấp đôi với 600 triệu tấn mỗi năm thay vì 300 triệu tấn.
Khả năng mới này sẽ đem lại cho Panama mỗi năm hơn 3 tỉ đô la là chi phí các hãng tàu phải trả và nó sẽ vượt gấp đôi so với trước.
Ban đầu cũng có nhiều ý kiến lo ngại năng lực triển khai dự án của Panama. Họ nhắc lại người Pháp đã mất hơn 20 năm cho việc đào kênh cuối thế kỷ 19 mà vẫn thất bại, người Mỹ vào thay với nhân - vật lực đều hùng hậu hơn nhưng cũng phải mất hơn 10 năm.
Đó là chưa kể quốc gia vùng Trung Mỹ này có điều kiện rất khắc nghiệt với lượng mưa nhiều sẽ ảnh hưởng đến thi công, đặc biệt là nguy cơ động đất rất cao.
Sau đó, chủ đầu tư ở Panama đã mời ba công ty liên doanh quốc tế nộp hồ sơ tham gia đấu thầu.
Ngoài Công ty liên doanh Mỹ Bechtel được đánh giá có năng lực nhất và thực hiện thành công nhiều dự án lớn trên thế giới còn có liên doanh Công ty Grupo Unidos por el Canal của Tây Ban Nha, Panama, Ý và Bỉ...
Mặc dù được đánh giá không bằng Bechtel nhưng sau 15 tháng với nhiều vòng đàm phán quyết liệt, Công ty liên doanh Grupo Unidos por el Canal đã trúng thầu với mức giá ban đầu là 3,1 tỉ đô la (thực tế khi hoàn thành là hơn 5 tỉ đô la).
Đúng như dự đoán, khi bắt tay vào thực hiện thi công, liên doanh nhà thầu này đã gặp rất nhiều trục trặc, kể cả những bất đồng không đáng có từ cung cách làm việc khác nhau đến từ bốn quốc gia Tây Ban Nha, Ý, Bỉ và Panama.
Hợp đồng cam kết hoàn tất vào năm 2014 đúng kỷ niệm 100 năm khánh thành con kênh đào. Các phần việc thi công được thực hiện trong 1.883 ngày để đáp ứng tiến độ.
Trong khi đó, phía chủ đầu tư là Cơ quan quản lý kênh đào đưa ra những yêu cầu kỹ thuật cao hơn kỹ thuật người Mỹ vào thời điểm đầu thế kỷ 20.
Các cửa kênh, luồng âu tàu không chỉ rộng hơn, dài hơn, sâu hơn để đáp ứng được các con tàu hiện đại khổng lồ, mà còn phải tiết kiệm được nước khi vận hành các âu tàu này.
Một vấn đề rất được chú ý ở kênh đào Panama khi mỗi con tàu qua đây đã làm thất thoát mất 200 triệu khối nước ngọt ra biển vì kỹ thuật vận hành ở các âu tàu gần cửa biển.
Những khó khăn khác cũng dần bộc lộ theo tiến độ công trình. Trong đó có cả vấn đề lớn là kỹ thuật trộn bê tông không đạt tiêu chuẩn yêu cầu làm chảy nước vách ngăn âu tàu. Các kỹ sư Bỉ bất đồng và rút đi.
Tiến độ thực hiện dự án bị chậm trễ hẳn cùng với chi phí phát sinh tăng chóng mặt khiến các nhà thầu đứng trước nguy cơ lỗ nặng...
Đến đầu năm 2015, ông Giuseppe Quarta phải đến công trình Panama, thay thế người tiền nhiệm đã thất bại, để tiếp quản trọng trách lãnh đạo liên doanh tiếp tục việc thi công trong tình hình khủng hoảng tài chính, bất đồng gay gắt với đối tác cung cấp nguyên vật liệu.
Đặc biệt, hình ảnh các vách tường vẫn đang trong tình trạng thi công hư hỏng nặng bị lọt ra báo chí ngay thời điểm lẽ ra phải hoàn thành kênh đào như hợp đồng.
Những vấn đề mới phát sinh
Cuối cùng sau khi phải vượt qua rất nhiều khó khăn, dự án mở rộng kênh đào Panama cũng được hoàn thành ngày 26-6-2016. Tuyên bố khánh thành kênh đào Panama mở rộng, Tổng thống Panama Juan Carlos Varela đã phát biểu đầy ý nghĩa: "Đây là tuyến đường kết nối thế giới".
Tính ra dự án kéo dài chín năm, đã bị trễ hai năm so với hợp đồng, làm đội vốn đầu tư lên gần 5,5 tỉ đô la. Người ta đã nói rằng con kênh đào này bị "dớp" lịch sử: người Pháp mất hai thập niên vẫn không hoàn thành, người Mỹ mất 10 năm và người Panama cũng phải mất chín năm.
Tuy nhiên vấn đề đội vốn đầu tư cũng không đáng lo ngại với Panama vì các tính toán chỉ sau ba năm họ sẽ lấy lại được vốn từ nguồn thu các con tàu trung chuyển.
Đến giai đoạn này, vấn đề trầm trọng mới phát sinh nan giải với họ không phải do yếu tố con người hay kỹ thuật nữa, mà lại chính từ... ông trời.
Tình trạng biến đổi khí hậu khiến quốc gia vùng Trung Mỹ giảm lượng mưa. Đầu năm 2024 hạn hán nghiêm trọng gây ra vấn đề lớn đối với Panama khi kênh đào bị hụt nước ảnh hưởng đến khả năng thông tàu.
Hồ Gatun là nguồn nước ngọt để vận hành các âu tàu qua kênh đào đã không thể hoạt động như bình thường vì thiếu nước. Số lượng tàu hàng chuyên chở container từ 32 tàu mỗi ngày vào năm 2023 đã giảm chỉ còn 20 tàu mỗi ngày trong đầu năm 2024.
Đặc biệt trong khi đó lượng hàng hóa tàu chở cũng phải giảm xuống vì mớn nước bình thường là 15m đã hạ chỉ còn 13m.
Tình trạng kênh đào Panama gặp nạn hạn hán này được các nhà khoa học cho rằng sẽ lặp lại thường xuyên vì xu hướng biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng gay gắt hơn.
Trong khi đó, Tổng thống sắp nhậm chức Donald Trump lại rục rịch tuyên bố "lấy lại" đường thủy do chính người Mỹ làm. 111 năm đã trôi qua kể từ năm 1914 kênh đào Panama được khánh thành, thủy lộ chiến lược vẫn luôn nóng rực thời sự nối liền Đại Tây Dương và Thái Bình Dương…
Ngoài ra, tương lai kênh đào Panama còn bị đe dọa cạnh tranh từ dự án kênh đào của quốc gia láng giềng Nicaragua.
Cụ thể chính phủ và quốc hội nước này đã thông qua Đạo luật 840 năm 2012 nhằm nhượng quyền cho một công ty Trung Quốc đầu tư, xây dựng và quản lý kênh đào trong 50 năm kèm điều khoản gia hạn thêm 50 năm tiếp theo.
Chiều dài kênh đào Nicaragua 278km với vốn đầu tư 50 tỉ USD, dự kiến động thổ năm 2014 và hoàn thành sau năm năm.
Mới đây Quốc hội Nicaragua đã hủy bỏ dự án vì công ty đối tác chậm thi công do thiếu năng lực, cũng như vấp phải sự phản đối của người dân Nicaragua. Tuy nhiên giới lãnh đạo nước này vẫn tuyên bố sẽ nỗ lực tiếp tục dự án.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận