31/01/2016 12:03 GMT+7

Giải mã gốm Chu Đậu - Kỳ 7: Ẩn tích sông Hương

THÁI LỘC - TRẦN MAI
THÁI LỘC - TRẦN MAI

TT - Sau năm 1975, đội ngũ đông đảo dân vạn đò trên sông Hương của Huế đã trục vớt được “hằng hà sa số” những hiện vật gốm vẽ lam, trắng ngà phong cách đáy “nhuộm” màu sôcôla.

Nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan và lô đồ Chu Đậu đang để ở sân vườn - Ảnh: Thái Lộc
Nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan và lô đồ Chu Đậu đang để ở sân vườn - Ảnh: Thái Lộc

Chẳng ai biết “ất giáp” nó thuộc dòng gốm nào, mãi cho đến sau này, thông qua các cuộc khai quật khảo cổ học thì dòng gốm “bí ẩn” dưới sông Hương suốt nhiều năm mới được giải mã.

Một thời kỳ trải dài qua hai thế kỷ hưng thịnh rồi suy tàn của gốm Chu Đậu lại thể hiện rõ nét nhất ở dưới lòng sông thơ mộng này.

Những chiếc bình lạ

Cho đến nay, không có cuộc khảo cổ nào chứa đựng thông tin rộng về gốm Chu Đậu như kho tàng mà nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan đang sở hữu. Số nhà 28/5 Cao Bá Quát, TP Huế đã trở thành nơi tới lui của giới nghiên cứu gốm sứ trong và ngoài nước.

Trong khuôn viên gần 3.000m2 ấy, đâu đâu cũng là chum vại và đồ gốm sứ. Hiện vật được chất thành đống, vỡ có, nguyên lành có, thuộc các giai đoạn ở Việt Nam, từ đồ Đông Sơn - Sa Huỳnh cho đến đồ Lý - Trần và đồ Champa...

Có rất nhiều đồ gốm nước ngoài, từ Hán, Đường, Minh, Thanh xuất xứ từ Trung Quốc, hay gốm Thái Lan, Nhật Bản và các nước phương Tây giai đoạn trung đại... Nhưng chiếm số lượng nhiều bậc nhất trong bộ sưu tập vẫn là những bình vôi, chén, đĩa thuộc dòng gốm Chu Đậu.

Mọi thứ hỗn độn với người mới đến nhà ông lần đầu để tận mắt chứng kiến kho tàng đồ sộ của ông, nhưng với nhà nghiên cứu đã bước sang tuổi bát tuần đó là sắp xếp có chủ đích rõ ràng theo từng giai đoạn và dòng gốm mà ông tìm kiếm được.

Trong nụ cười hiền, ông Phan cuốn chúng tôi vào câu chuyện có phần ly kỳ về bộ sưu tập hàng chục vạn hiện vật của mình. Câu chuyện ấy bắt đầu từ những người dân xóm vạn đò vốn là “vùng trũng” của y tế, giáo dục và văn hóa của Huế, bám lấy sông Hương để mưu sinh.

Trước năm 1975 ông Phan là thầy giáo, còn vợ ông, bà Nguyễn Thị Thơ, là y tá. Sau 1975, ông dạy ít năm rồi nghỉ hưu sớm, chuyên tâm đọc sách và nghiên cứu văn hóa lịch sử. Còn vợ ông thì chuyên thăm khám cho dân vạn đò.

Với những hộ gia đình lênh đênh trên chiếc thuyền nhỏ bé, dù nghèo khó nhưng nhân khẩu cứ tăng vọt, những đứa trẻ cứ liên tiếp ra đời.

Bà Thơ đỡ đẻ mát tay, đò nào cũng kêu khi có người chuyển dạ. Thù lao thì khi có khi không, có khi xin “nợ” nhưng đỡ xong đứa sau rồi cũng lại nợ, kể cả tiền đỡ đứa trước. Vậy là người ta biếu bà những gì có ở trong đò...

Gần 40 năm trước, khi đang ngồi đọc sách bên thềm, bà vợ ông đem về khoe một cái bình vôi của một chủ đò nhờ đỡ đẻ biếu. Bình vôi phủ men trắng ngà, phần quai màu lục, hai bên “gốc” quai in nổi những trái cau và hoa văn rất đẹp.

Đặc biệt là ở phần đế có một viền màu sôcôla, rất khác lạ so với nhiều hiện vật mà ông từng thấy. Chiếc bình vôi đã khởi đầu cho việc sưu tập hiện vật thuộc “văn hóa sông Hương” chiếm trọn phần đời còn lại của ông.

Đọc sách để giải mã cho được bình vôi xuất xứ ở đâu, vì sao mà dưới sông Hương nhiều như vậy, có phải là gốm nội địa hay là từ nơi khác nhập về... Càng đọc càng khiến ông hụt hẫng vì chẳng tìm một dòng nào ghi lại cả. Ông “khoanh vùng” dòng gốm này là “gốm lạ”.

Càng về sau, số lượng gốm lạ được vợ mang về ngày một nhiều. Ông đi đến xóm vạn đò trên sông Hương để tìm hiểu. Lúc đó, đồ gốm chỉ là sản phẩm “tăng thêm” của các con đò.

Hoàn cảnh khó khăn sau năm 1975, ngoài làm cát sạn và tôm cá, buôn bán, dân vạn đò có thêm nghề trục vớt phế liệu dưới lòng sông. Ngoài nhôm đồng trục vớt về bán được, thỉnh thoảng họ thấy cái gì là lạ thì đem về vứt lăn lóc trong đò.

“Tôi như tá hỏa vì dưới lòng sông Hương có quá nhiều hiện vật của nhiều dòng, nhiều giai đoạn lịch sử. Kể từ đó, dòng sông Hương trở thành đối tượng sưu tầm để nghiên cứu lịch sử văn hóa của tôi!” - ông Phan kể.

Bộ sưu tập hiện vật dưới đáy sông Hương của ông Phan dần “phình to”, từ một góc tủ thành đầy nhà, chiếm cả không gian của sách.

Rồi tiến ra vườn, hình thành một khu vườn gốm cổ rất độc đáo, mà ông đặt tên cho nó theo tên bộ tiểu thuyết kinh điển của nhà văn người Pháp Marcel Proust: À la recherche du temps perdu (Đi tìm thời gian đã mất).

Tên gọi này gợi mở sự hiện thân một nền “văn hóa sông Hương” mà ông Phan đang cố giải mã. Bởi vì chưa thấy con sông nào trên đất nước có lớp trầm tích dày đặc, kéo dài cả về không gian lẫn thời gian như vậy cả.

Dòng “gốm lạ” nằm trong số đó, cũng vẫn “phình to” hằng ngày và vẫn y nguyên với điều bí hiểm không có lời giải đáp...

Chiếc bình vôi Chu Đậu trục vớt từ lòng sông Hương
- Ảnh: Thái Lộc
Chiếc bình vôi Chu Đậu trục vớt từ lòng sông Hương - Ảnh: Thái Lộc

Gốm Chu Đậu dưới đáy sông Hương

Mãi cho đến khi có kết quả các cuộc khai quật khảo cổ ở Nam Sách (Hải Dương) và con tàu đắm Cù Lao Chàm (Quảng Nam), đối chiếu lại ông Phan mới “té ngửa” khi nhận ra loại “gốm lạ” mà ông bỏ công đọc cả nghìn cuốn sách vẫn không tìm ra manh mối lại thuộc dòng gốm Chu Đậu được sản xuất ở tận tỉnh Hải Dương.

Lấy kết quả nghiên cứu “gốm lạ” trong bộ sưu tập của mình, “ráp nối” với kết quả các cuộc khai quật khảo cổ học vừa nói qua, ông Phan nhận ra có rất nhiều mẫu vật gốm thuộc dòng Chu Đậu có trong bộ sưu tập của ông, nhưng lại không thấy có ở các cuộc khai quật khảo cổ “chính thống”.

Câu hỏi đó cộng với số lượng “hằng hà sa số” hiện vật cùng dòng nằm chung dưới một lòng sông, trong nhiều năm trời buộc ông tìm lời giải đáp riêng...

Dẫn chúng tôi ra khu vườn đặc biệt của mình, ông Phan giới thiệu những “gò cao” và nhiều lu vại chứa đầy đồ gốm Chu Đậu sứt, vỡ. Ông sắp riêng ra những chỗ để từng loại như bình, chén, bát, đĩa, ang...

Có chỗ thì toàn bình vôi sứt vỡ, thậm chí có mấy cái lu đựng đầy quai bình vôi, tất cả đều là dòng gốm men Chu Đậu.

Những đồ vật Chu Đậu nguyên lành thì ông bày riêng trong mấy tủ kiếng hay những giá kệ trong các căn phòng. Tất cả đều được “tái sinh” kể từ năm 1975, sau khi im lìm hàng trăm năm trời dưới đáy sông.

Ngắm nghía từng mảnh gốm vẽ lam, từng chiếc bình vôi hay chén bát rất đặc trưng, nhất là ở phần đáy và đế “nhuộm” màu sôcôla, ông Phan khẳng định bộ sưu tập gốm Chu Đậu dưới đáy sông Hương là một trong những điển hình của dòng gốm này.

Bởi lẽ hiện vật khai quật được ở quê hương Chu Đậu thì phần lớn đều là phế phẩm, chưa hẳn đã điển hình cho một dòng gốm.

Hiện vật từ con tàu đắm Cù Lao Chàm, cho dù với số lượng khổng lồ và có nhiều món thuộc hàng đặc biệt, nhưng chỉ được sản xuất trong một giai đoạn có thể rất ngắn, nên không thể điển hình cho suốt hai thế kỷ phát triển của gốm Chu Đậu.

Trong khi bộ sưu tập trục vớt dưới sông Hương, dù hiện vật chiếm phần lớn là đồ vỡ nhưng chắc chắn nó đã từng là đồ lành vì không ai đem đồ phế phẩm đi bán ở các nơi khác.

Ở đáy sông Hương thì gốm Chu Đậu có hầu hết loại hình, thuộc nhiều giai đoạn, từ thuở sơ khai cho đến hưng thịnh và mạt kỳ...

Trước khi rời khu vườn gốm của nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan, ông nói với chúng tôi rằng: Ở đáy sông Hương có rất nhiều gốm Chu Đậu qua các thời kỳ chứng tỏ thuyền buôn từ Hải Dương, Thăng Long vận chuyển vào.

Vậy thì chắc chắn trên thế giới gốm Chu Đậu không chỉ lan tỏa mà còn rất huy hoàng.

_________

Kỳ tới: Lừng danh hải ngoại

Các kỳ trước:

>> Kỳ 1: Từ bức thư của một người Nhật

>> Kỳ 2: Bất ngờ ở “thánh địa” Nam Sách

>> Kỳ 3: Con tàu kỷ lục

>> Kỳ 4: “Bùi Thị Hý bút”

>> Kỳ 5: Chiếc bình quốc bảo

>> Kỳ 6: Nằm trong lòng đất Nhật Bản

THÁI LỘC - TRẦN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên