29/01/2016 11:30 GMT+7

Giải mã gốm Chu Đậu - Kỳ 5: Chiếc bình quốc bảo

TRẦN MAI - THÁI LỘC
TRẦN MAI - THÁI LỘC

TT - Không chỉ chiếc bình gốm Chu Đậu ở Bảo tàng Topkapi Saray, Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) là minh chứng cho đỉnh cao của gốm Chu Đậu, mà trong số hơn 240.000 hiện vật trục vớt từ tàu cổ Cù Lao Chàm, một tuyệt tác độc bản gốm Chu Đậu được phát lộ.

Chiếc bình vẽ bốn con thiên nga được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử VN - Ảnh: Thái Lộc
Chiếc bình vẽ bốn con thiên nga được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử VN - Ảnh: Thái Lộc

Chiếc bình gốm vẽ hình bốn con thiên nga trong bốn tư thế khác nhau, cao 56,5cm, trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia (Hà Nội) là một trong số 779 hiện vật độc bản trong con tàu đắm, được xem là “đại diện” tinh hoa của làng gốm Chu Đậu ở thế kỷ 15 cả về mỹ thuật lẫn kỹ thuật.

Từ độc bản vô giá...

Những ánh mắt tò mò của hàng nghìn du khách đến tham quan bảo tàng tỏ ra thán phục tài năng của những người thợ thời Lê sơ bằng đôi bàn tay tài hoa đã tạo ra một chiếc bình gốm đẹp tuyệt mỹ.

Nếu không có cuộc khai quật ròng rã nhiều năm trời dưới nền nước xanh thẳm ở Cù Lao Chàm, dân tộc Việt Nam sẽ không thể nào biết đến bảo vật quốc gia có một không hai này. Vào thế kỷ 15, để có được bình gốm cân xứng một cách tuyệt đối là không hề dễ dàng.

Nét tinh hoa của chiếc bình mang tầm quốc bảo thể hiện sự tỉ mẩn của đôi tay tài hoa mà người nghệ nhân Chu Đậu xưa đã chăm chút để có được tác phẩm độc bản tuyệt vời cả về mỹ thuật và kỹ thuật.

Bình dáng trụ, vai vuông, thẳng đứng, miệng rộng, màu men trắng ngà. Những kết nối màu lam trên nền trắng rất công phu với bảy băng hoa văn: hoa cúc dây, cánh sen kép trong có xoắn ốc, vân mây dải hình khánh, thiên nga, sóng nước, lá đề.

Ngoài ra, một số họa tiết trên bình còn thể hiện lối sống của người xưa như: vai bình là những lệnh bài vua ban cho người thành đạt, thể hiện ý chí thăng tiến của người xưa, chân bình vẽ họa tiết cánh sen cách điệu thể hiện cho tín ngưỡng của người Việt lấy đạo Phật và đạo gia làm gốc.

Trong bất kỳ một tác phẩm nghệ thuật hay kỹ nghệ nào thì việc “thổi hồn” vào tác phẩm từ người tạo tác luôn được đánh giá rất cao. Bốn con chim thiên nga trên chiếc bình có xuất xứ từ đại công trường gốm Chu Đậu thế kỷ 15 là sự kết hợp đầy ẩn ý giữa nghệ thuật và suy nghĩ của người làm nên chiếc bình.

Họa tiết chủ đạo của chiếc bình là bốn con chim thiên nga với bốn tư thế khác nhau như thể hiện bốn ước nguyện trên con đường xuất ngoại.

Chim đang bay (phi) biểu hiện cho sự thăng tiến, phát đạt; chim đang hót (minh) biểu hiện tiền đồ quang minh, xán lạn; chim đang ngủ (túc) là cuộc sống sung túc, đầy đủ, dư ăn, dư để; chim đang ăn (thực) biểu hiện cuộc sống phải có sự lao động mới có ấm no.

Hình ảnh chim thiên nga “phi - minh - túc - thực” ở bốn mặt cầu chúc cho cuộc sống luôn no đủ, giàu có, tương lai xán lạn.

Chỉ nhìn vào bốn tư thế của chim thiên nga từ chiếc bình quốc bảo, chúng ta đã có được một phần của “chiếc chìa khóa” giải mã cuộc sống thời kỳ Lê sơ.

Biết đâu chừng chiếc bình cũng là một sự gửi gắm giá trị tinh thần của người Việt thời bấy giờ với bạn bè quốc tế. Và sau hàng trăm năm, giá trị của chiếc bình không thể đo đếm được, là niềm tự hào của gốm Việt Nam.

Rõ ràng người nghệ nhân Chu Đậu đã dành cho chiếc bình một vị trí riêng so với hàng trăm nghìn hiện vật còn lại.

Chiếc bình vẽ thiên nga tuyệt tác khai quật từ tàu Cù Lao Chàm
 - Ảnh: Thái Lộc
Chiếc bình vẽ thiên nga tuyệt tác khai quật từ tàu Cù Lao Chàm - Ảnh: Thái Lộc

Chiếc đĩa độc đáo

Không chỉ chiếc bình được Thủ tướng quyết định công nhận là bảo vật quốc gia, mà trên con tàu đắm Cù Lao Chàm có đến 779 hiện vật độc bản rất độc đáo, hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam.

Lô độc bản này được chọn ra từ số lượng hiện vật khổng lồ của con tàu đắm. Tuy nhiên, có một hiện vật rất độc đáo khác mà sự xuất hiện của nó không ai ngờ tới.

Họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ (nguyên cán bộ Bảo tàng Quảng Nam) kể vào năm 2004, mấy năm sau cuộc khai quật con tàu đắm, ông nhận cuộc điện thoại từ một cán bộ trẻ bảo tàng, bảo đến xem chiếc đĩa có “hai người vật lộn rất kỳ cục”.

Chiếc đĩa chỉ có đường kính 12,5cm và bị vỡ một góc, lấy ra ở kho chứa năm xe đồ vỡ khai quật được chở về lưu giữ tại bảo tàng này. Tức tốc đến xem, ông Hỷ như hét lên vì phát hiện điều quá ư độc đáo, vượt ngoài suy nghĩ của mình.

“Xem qua, tôi nói ngay đó là cảnh làm tình của người xưa với nét vẽ quá đẹp và có hồn. Tôi gọi điện và chụp hình gửi cho lãnh đạo bảo tàng quốc gia. Hiện vật này chính là một độc bản vô cùng quý hiếm của gốm Chu Đậu mà Bảo tàng Quảng Nam đang gìn giữ, nhiều lần được đưa vào sách vở và nhiều người viết về nó” - ông Hỷ kể.

Theo TS Phạm Quốc Quân - nguyên giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, cảnh sexy mô tả một người đàn ông có râu quai nón đang làm tình cạnh bụi cây, có thằng bé đứng rình, nhiều khả năng người đàn ông là người Ả Rập.

“Nhiều khả năng vị này đến Chu Đậu đặt hàng và làm “chuyện ấy”, người nghệ nhân quan sát nên vẽ lại và trở thành quà tặng cho đoàn thương nhân. Độc bản độc đáo ấy nằm trong nhiều hiện vật gốm vẽ đề tài sexy của người Việt có từ rất sớm và rất độc đáo, tiếc là chưa ai nghiên cứu kỹ càng!” - TS Quân nói.

Nhờ vào những cuộc phát lộ ở làng Chu Đậu cũng như từ những hiện vật trục vớt được tại Cù Lao Chàm, hay gốm Chu Đậu ở cuộc khảo cổ tại kinh thành Thăng Long và cả bộ sưu tập gốm Chu Đậu dưới đáy sông Hương của nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan, một thời kỳ bình minh cho đến hoàng hôn của gốm Chu Đậu đã được hé lộ.

TS Nguyễn Văn Đoàn, phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, nói rằng hiện nay việc nghiên cứu gốm sứ Chu Đậu đã đạt được những kết quả hết sức đậm nét trong việc nghiên cứu về lịch sử sản xuất, kỹ thuật sản xuất, kỹ thuật lò nung, sản phẩm, sự giao thương, vận chuyển... Đằng sau sự vận chuyển ấy chính là sự giao lưu, chuyển tải văn hóa.

TS Phạm Quốc Quân kể thêm rằng trong cuộc khảo cổ ở Cù Lao Chàm, nhiều chuyên gia còn phát hiện trên gốm Chu Đậu nhiều mảng đề tài lấy tích cổ Trung Quốc nhưng cách diễn tả và bố cục không hề giống với gốm Trung Quốc thể hiện đề tài tương tự.

Điều này chứng tỏ gốm Chu Đậu thời kỳ Lê sơ có phong cách Việt không lẫn vào đâu được.

Còn TS Nguyễn Đình Chiến, người trực tiếp phân loại hiện vật khai quật từ con tàu đắm Cù Lao Chàm, đặc biệt chú ý đến kỹ thuật làm gốm hoa lam của dòng Chu Đậu.

Theo TS Chiến, kỹ thuật này thật ra đã xuất hiện từ thời Trần vào cuối thế kỷ 14, nhưng phải đến thế kỷ 15 những người thợ gốm Chu Đậu mới đẩy đến đỉnh cao. Không chỉ đỉnh cao với dòng gốm vẽ lam, thợ gốm Chu Đậu tài hoa còn kết hợp với vẽ nhiều màu mà người đời sau gọi là gốm tam thái. Và đặc biệt là kỹ thuật vẽ vàng kim lên gốm rất đặc biệt, tưởng chừng một đi không trở lại...

Cũng theo TS Chiến, cho đến sau này, trước nhiều thành tựu về khoa học kỹ thuật, đặc biệt là kỹ thuật gốm sứ, nhưng kỹ thuật sản xuất gốm hoa lam hiện đại vẫn phải theo đúng các công đoạn từ hàng trăm năm trước: gốm vẽ lam thì nung một lần, còn gốm vẽ lam kết hợp với vẽ nhiều màu thì bước thứ nhất là phải qua công đoạn vẽ lam và nung lần đầu ở nhiệt độ thấp, sau đó vẽ nhiều màu rồi mới nung chín...

_________

Kỳ tới: Nằm trong lòng đất Nhật Bản

Gốm Chu Đậu đã được phát hiện trong nhiều di chỉ khai quật khảo cổ học trên toàn cõi Nhật Bản.

TRẦN MAI - THÁI LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên