27/01/2016 12:10 GMT+7

Giải mã gốm Chu Đậu - Kỳ 3: Con tàu kỷ lục

TRẦN MAI - THÁI LỘC
TRẦN MAI - THÁI LỘC

TT - Mãi cho đến gần 20 năm sau cuộc khai quật vĩ đại ở Cù Lao Chàm (TP Hội An, Quảng Nam), những người tham gia còn chưa hết bất ngờ từ số lượng khổng lồ, kỹ thuật tuyệt đỉnh, mỹ thuật độc đáo...

Trưng bày hiện vật khai quật từ con tàu Cù Lao Chàm tại Bảo tàng Hải Dương - Ảnh: Thái Lộc
Trưng bày hiện vật khai quật từ con tàu Cù Lao Chàm tại Bảo tàng Hải Dương - Ảnh: Thái Lộc

Con tàu cổ nằm dưới 70m nước là kho tàng vĩ đại nhất, minh chứng cho một thời xuất ngoại huy hoàng của gốm Chu Đậu.

Choáng ngợp

Dù đã qua 20 năm nhưng khi nhắc lại con tàu Cù Lao Chàm với hàng trăm nghìn đồ gốm Chu Đậu được trục vớt, TS Phạm Quốc Quân - nguyên giám đốc Bảo tàng Lịch sử VN, trưởng ban khai quật tàu cổ Cù Lao Chàm - nói vẫn còn kinh ngạc trước kho tàng đồ sộ ngoài mong đợi.

Những người đầu tiên phát hiện chiếc tàu này chính là những ngư dân vùng biển Quảng Nam đầu thập niên 1990, khi thả lưới vớt được nhiều đồ gốm rồi bán cho thương lái.

Đến năm 1997, việc khảo sát, khai quật bắt đầu tiến hành bởi Bảo tàng Lịch sử VN, Công ty Trục vớt cứu hộ VN (Visal) và Công ty Saga Horizon (Malaysia). Tham gia có nhiều chuyên gia quốc tế chuyên ngành khai quật khảo cổ học dưới nước, chuyên gia lặn và thủy thủ đoàn đến từ nhiều quốc gia trên thế giới.

TS Quân nhớ lại giai đoạn đầu khi tiến hành khảo sát và khai quật gặp rất nhiều chông gai. Để tìm vị trí, ba chiếc tàu thả lưới xuống đáy biển sâu trong rất nhiều ngày mới vớt được một chiếc bát gốm.

Mấy ngày tiếp theo, một “sư tử biển” được thả xuống di chuyển, chụp hình những ụ lồi lõm dưới đáy. Việc định vị cũng rất khó khăn trong điều kiện sóng gió và dòng hải lưu chảy xiết.

Khi xác định được vị trí, những chiếc phao được cố định tại chỗ thì lại bị ngư dân cắt phao đem về dùng nên công việc phải tiến hành từ đầu.

Có lúc mọi chuyện tưởng chừng xuôi chèo mát mái thì một cơn bão biển bất ngờ ập đến đe dọa sự an nguy của cả đoàn. Người có chức trách quyết định cắt dây, hi sinh chiếc neo “cả tỉ bạc” xuống đáy biển, rồi cho sà lan thả trôi về đến cảng Đà Nẵng mới thở phào...

Trong những ngày ấy sóng biển rất lớn, nhiều chuyên gia đầu ngành trực tiếp chỉ đạo trục vớt “bảo tàng Chu Đậu dưới đáy biển” bị say sóng. Họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ, khi ấy là quyền trưởng đoàn (thay mặt TS Phạm Quốc Quân vì say sóng nên không ra biển được) cho biết phải đến mùa hè năm 1998 mới bắt đầu thu được kết quả.

“Năm đầu tiên thu được rất nhiều chén đĩa. Cứ mỗi lô như thế có loại hình hiện vật nào mới là cả đoàn chạy đến xem, trầm trồ, xuýt xoa. Nhưng phải đến mùa hè năm 1999, đoàn gần như mới tiếp cận được kho báu khi khai quật vào những khoang hàng chứa toàn đồ quý, đặc biệt mỗi bận đồ đưa khỏi mặt nước là một lần vỡ òa vì choáng ngợp!” - ông Hỷ kể.

Kết quả thu được sau khi vượt qua dông gió biển khơi là hơn 240.000 hiện vật và năm xe tải mảnh vỡ đồ gốm Chu Đậu. Đó là chưa kể đến một lượng hiện vật khổng lồ mà ngư dân trục vớt trước đó và hơn 15.000 hiện vật do một công ty “khai quật vét” sau này.

Ngoài một số ít gốm sứ Trung Quốc, Thái Lan và Champa được xác định là đồ dùng của đoàn thủy thủ, toàn bộ mấy trăm ngàn hiện vật được xác định là gốm mậu dịch được sản xuất ở phía Bắc VN gồm Hải Dương và Thăng Long mà tên gọi chung là Chu Đậu.

Năm 2000, khi cuộc khai quật kết thúc cũng là lúc TS Nguyễn Đình Chiến vừa hoàn thành cuộc khai quật con tàu cổ ở vùng biển Cà Mau, tiếp tục được phân công xử lý phân loại, phân chia hiện vật.

“Cảm giác đầu tiên của tôi là choáng ngợp, nhất là về số lượng và quá nhiều chủng loại, loại hình!” - TS Chiến nhớ lại.

Họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ và kỷ vật là những hình vẽ hiện vật trục vớt từ con tàu đắm Cù Lao Chàm - Ảnh: Thái Lộc
Họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ và kỷ vật là những hình vẽ hiện vật trục vớt từ con tàu đắm Cù Lao Chàm - Ảnh: Thái Lộc

Bức tranh thuần Việt

Ngoài rất nhiều loại hình mang kiểu dáng truyền thống từ bát, đĩa, hộp, lọ, bình, ang, điều mà TS Chiến thấy lạ lùng nhất là nhiều loại hình mang kiểu dáng “phá cách” rất độc đáo, chưa từng thấy trước đó như: ấm hình rồng, ấm hình phượng, chén hình thú hay hộp như quả đào...

Đặc biệt hơn cả là hình ảnh trên gốm từ con tàu. Theo họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ, nó mang bút pháp thuần Việt, đó là vẽ nét trước rồi tô màu sau. Cách vẽ này cũng lột tả cả thần thái Việt trong từng nét bút...

Một buổi chiều tại ngôi nhà của mình ở Đà Nẵng, ông Hỷ khoe với chúng tôi mấy vali chứa hàng nghìn mẫu đồ án vẽ trên gốm khai quật từ tàu Cù Lao Chàm mà ông xem đó như là báu vật của đời mình.

Mở các vali, ông lần giở từng xấp giấy “can” được đặt riêng theo từng chủng loại, từ chén đĩa, kendy hay ấm trà, ang, hũ hộp phấn. Nhiều tập thì toàn vẽ cá hay những loài linh thú. Có tập vẽ người, phong cảnh hoặc kiến trúc...

Mắt nhìn xa xăm như có biển đang ở phía trước, ông hồi tưởng những khoảng thời gian dài trong vai trò “quyền trưởng đoàn” ngoài biển Cù Lao Chàm. Mỗi ngày ông tập hợp tình hình thời tiết, sóng gió, tình hình tàu thuyền và đoàn khai quật rồi cho người chuyển vào đất liền.

Là một họa sĩ, ông cũng được phân công đứng đầu nhóm vẽ lại các hiện vật trục vớt được theo tỉ lệ 1-1 với đầy đủ chi tiết, hoa văn cho đến mặt cắt, độ dày mỏng để bổ sung hồ sơ khoa học.

Mỗi năm chừng ba tháng và trong suốt mấy năm trời, cứ rảnh giờ nào là ông vẽ giờ đó, càng vẽ càng lý thú. Những hình ảnh có khi ngô nghê nhưng độc đáo, có khi tuyệt bút một cách xuất thần trở thành hấp lực vô hình cuốn hút ông.

Hấp dẫn nhất trong đó vẫn là sự phong phú, đa dạng của các đồ án, hầu như phản ánh muôn mặt đời sống con người và cảnh sắc thiên nhiên.

Rất nhiều loài vật từ linh thú, muông thú hoang dã, tôm cá dưới nước hay vật nuôi gia đình. Hàng trăm loài hoa lá từ cọng rau muống, tàu lá chuối gần với đời sống bình dân cho đến các loại cúc, tùng, mẫu đơn, hoa sen phong cách quý phái...

Đặc biệt là hình ảnh con người trong các sinh hoạt cưới hỏi, đám đình, tiên ông, tiên bà, giới quý tộc cho tới bình dân, từ người già đến trẻ nhỏ. Lý thú nhất với ông có lẽ vẫn là hình trên một nắp âu tròn vẽ cảnh một phụ nữ đang tắm và một người đàn ông tay cầm quần áo, sau đám cây có thằng bé nhìn trộm.

“Đó đúng là toàn cảnh quê hương Đại Việt ngày xưa mà tôi may mắn được tiếp cận đầy đủ và vẽ lại một cách bài bản!” - ông Hỷ nói.

Cùng với xuất lộ tại Hải Dương và nhiều nơi ở trong và ngoài nước, chiếc tàu đắm chứng minh rõ nhất thành tựu rực rỡ của gốm Chu Đậu, không những chiếm lĩnh thị trường trong nước mà còn chiếm lĩnh một phần thị trường thế giới. Nó bị gặp nạn đành nằm lại giữa biển khơi, trong khi nhiều con tàu khác thì buôn bán trót lọt.

Theo nghiên cứu của TS Nguyễn Đình Chiến, ngoài đồ gia dụng cao cấp, gốm Chu Đậu còn làm vật trang trí cho nhiều kiến trúc của thế giới phương Tây đương thời...

Theo tổng kết của TS Quân, cuộc khai quật tàu Cù Lao Chàm có ít nhất sáu kỷ lục. Đó là: cuộc khai quật tốn tiền nhất từ trước đến nay (hơn 6 triệu USD), kéo dài nhất (trong bốn năm), huy động nhiều nhà nghiên cứu nhất (chừng 40 nhà nghiên cứu trong và ngoài nước), dùng những thiết bị tối tân và hiện đại nhất, khai quật ở độ sâu nhất (hơn 70m) và số lượng hiện vật nhiều nhất (hơn 240.000).

__________

Kỳ tới: “Bùi Thị Hý bút”

13 chữ Hán trên chiếc bình gốm Chu Đậu ở Bảo tàng Topkapi Saray Istanbul là khởi nguồn để tìm về một dòng gốm nổi danh của người Việt. Nhưng suốt nhiều năm qua, bốn chữ “Bùi Thị Hý bút” hình thành hai luồng ý kiến đối chọi “nảy lửa”.

TRẦN MAI - THÁI LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên