30/01/2016 11:15 GMT+7

Giải mã gốm Chu Đậu - Kỳ 6: Nằm trong lòng đất Nhật Bản

TS TRẦN ĐỨC ANH SƠN
TS TRẦN ĐỨC ANH SƠN

TT - Vì sao gốm Chu Đậu được phát hiện trong nhiều di chỉ khai quật khảo cổ học trên toàn cõi Nhật Bản?

Bia ghi dấu các loại hình gốm sứ Trung Quốc, Việt Nam và Thái Lan phát hiện tại di chỉ thành Nakijin, Okinawa
Bia ghi dấu các loại hình gốm sứ Trung Quốc, Việt Nam và Thái Lan phát hiện tại di chỉ thành Nakijin, Okinawa

Người Nhật rất thích gốm hoa lam

Tháng 10-2010, tôi sang Okinawa (Nhật Bản) dự hội thảo nghiên cứu so sánh về tàu thuyền trong thời cận đại ở Lưu Cầu, Việt Nam và Triều Tiên do Đại học Kansai phối hợp với Đại học Ryukyu tổ chức.

Sau hội thảo, tôi được các đồng nghiệp Nhật Bản đưa đi thăm một số di tích và danh thắng ở Okinawa, trong đó có thành Nakijin (Nakijin-jo) và thành Shuri (Shuri-jo), là hai di sản văn hóa của Okinawa được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Tại thành Nakijin, tôi đến xem một hố khai quật nằm cạnh đền thờ Hỏa thần, là nơi các nhà khảo cổ học Nhật Bản phát hiện rất nhiều đồ gốm Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan... và dựng bia ghi dấu tích.

Tôi nhìn thấy trên bia có hình hai hiện vật gốm Chu Đậu nên đề nghị được xem những hiện vật này.

Các đồng nghiệp Nhật Bản đưa tôi vào phòng trưng bày những hiện vật khai quật được ở thành Nakijin, cho tôi xem rất nhiều đồ gốm Chu Đậu vẽ lam và vẽ men tam thái (nhiều màu).

Một nhà khảo cổ học cho biết: “Đồ gốm Chu Đậu, gốm Champa và gốm Gò Sành men ngọc được tìm thấy khá nhiều ở thành Nakijin và thành Shuri. Trong số đó, gốm Chu Đậu có niên đại khá sớm, từ cuối thế kỷ XIV đến cuối thế kỷ XV”.

Hiện vật gốm Chu Đậu quan trọng nhất tìm thấy ở đây là chiếc hũ hoa lam vẽ hoa, vân hóa long và hồi văn vảy cá. Ngoài ra còn có chiếc liễn vẽ men tam thái, nhiều mảnh vỡ của bát, đĩa và bình tì bà.

Ở di tích thành Shuri, các nhà khảo cổ thuộc Trung tâm Nghiên cứu khảo cổ học Okinawa đã phát hiện rất nhiều mảnh gốm Chu Đậu thế kỷ XV, chủ yếu là đồ gia dụng.

Theo một báo cáo kết quả nghiên cứu và khai quật khảo cổ học do trung tâm này cung cấp thì từ năm 1419-1570, Ryukyu đã phái 116 thương thuyền đi đến các hải cảng ở Đông Nam Á để giao thương, trong đó có các cảng thị ở Champa và Annam.

Những thương thuyền của Ryukyu đã mua nhiều đồ gốm đưa về đảo quốc này để phục vụ nhu cầu của vương triều Sho đang cai trị Ryukyu.

Vì thời kỳ này người Ryukyu, cũng như người Nhật, chưa biết chế tác gốm tráng men nên họ rất chuộng đồ gốm tráng men của Việt Nam.

Đó là lý do tại sao trong các phế tích cung điện của vương triều Sho có rất nhiều đồ gốm Chu Đậu hoa lam và gốm men tam thái rất tinh xảo.

Năm 2013, tôi trở lại Nhật Bản vài lần để thực hiện đề tài nghiên cứu “Quan hệ giữa Nhật Bản và miền Trung Việt Nam từ thế kỷ VIII đến thế kỷ XVIII” .

Trong các chuyến đi này, tôi đã tới những di chỉ và trung tâm nghiên cứu khảo cổ học ở các thành phố: Sakai (phủ Osaka), Naha (tỉnh Okinawa), Hakata và Dazaifu (tỉnh Fukuoka) và Nagasaki (tỉnh Nagasaki)...

Tại những nơi này, tôi lại bắt gặp nhiều đồ gốm được các nhà khảo cổ học Nhật Bản khai quật tại những phế tích thành lũy và cảng thị ven biển của Nhật Bản từ nhiều năm trước, gồm: gốm Champa, gốm Phước Tích (Thừa Thiên - Huế), gốm Thanh Hà (Quảng Nam), gốm Gò Sành (Bình Định), gốm Chu Đậu (Hải Dương), gốm Thăng Long...

Riêng đồ gốm Chu Đậu được tìm thấy nhiều nhất là ở Sakai (có niên đại vào thế kỷ XVI-XVII), Kyonouchi Utaki và phía bắc đảo Okinawa (thế kỷ XV-XVI), Fukuoka (thế kỷ XVI-XVII)...

Đặc biệt, hàng chục hố khai quật trong vùng thương cảng cổ của Nagasaki đã xuất lộ đồ gốm cổ của Việt Nam, nhiều nhất là gốm Chu Đậu với các loại hình: bát, đĩa, hũ, lọ tì bà gốm hoa lam và bát trà chân cao gốm men tam thái dùng trong nghi lễ trà đạo.

Một số mảnh gốm Chu Đậu phát hiện tại di chỉ thành Nakijin - Ảnh: Trần Đức Anh Sơn
Một số mảnh gốm Chu Đậu phát hiện tại di chỉ thành Nakijin - Ảnh: Trần Đức Anh Sơn

Hơn 30 điểm khảo cổ có gốm Việt

Tại hội thảo “Lịch sử và triển vọng quan hệ Việt Nam - Nhật Bản nhìn từ miền Trung Việt Nam” tổ chức ở Đại học Đà Nẵng (tháng 11-2013), TS Nishino Noriko đã trình bày tham luận “Lịch sử giao thương Việt Nam và Nhật Bản.

Những phân tích từ đồ gốm Việt Nam giao dịch với Nhật Bản”, giới thiệu kết quả nghiên cứu đồ gốm Việt Nam phát hiện tại các di chỉ khảo cổ ở Nhật Bản, do cô và người chồng quá cố là nhà khảo cổ học Nishimura Masanari đã thực hiện trong nhiều năm qua.

Theo đó, có hơn 30 địa điểm ở Nhật Bản, chủ yếu ở vùng phía đông nam đảo Honshu, phía đông bắc đảo Kyushu và các đảo nhỏ thuộc quần đảo Okinawa, đã tìm thấy đồ gốm cổ của Việt Nam.

Những đồ gốm này có niên đại từ thế kỷ XIV đến thế kỷ XVII, trong đó đồ gốm Chu Đậu chiếm tỉ lệ lớn, cả số lượng, phạm vi phân bố và có phổ niên đại trải dài suốt bốn thế kỷ nói trên, nhưng nhiều nhất là đồ gốm thuộc thế kỷ XV và XVI.

Giải thích về sự xuất hiện của các đồ gốm Việt Nam, đặc biệt là đồ gốm Chu Đậu, trong nhiều di chỉ khảo cổ ở phía nam Nhật Bản, các nhà khảo cổ học cho rằng đó là kết quả của hoạt động hải thương giữa Nhật Bản với Việt Nam trong các thế kỷ XIV - XVII, khi mà các thương thuyền Nhật Bản mở rộng mạng lưới buôn bán tới các nước Đông Nam Á.

Việt Nam lúc đó có một hệ thống cảng thị ven biển, trải dài từ miền Bắc tới miền Trung, thuận lợi cho thuyền buôn Nhật Bản tới giao thương và đồ gốm Việt Nam là mặt hàng được người Nhật mua nhiều nhất để bù lại cho việc thiếu hụt đồ sứ Trung Hoa do chính sách “hải cấm” của triều Minh (kéo dài từ năm 1371-1567).

Chỉ sau khi xảy ra cuộc chiến tranh Nhật Bản - Triều Tiên vào cuối thế kỷ XVI, nhiều thợ gốm người Triều Tiên bị bắt sang Nhật Bản và đã du nhập kỹ thuật chế tác gốm sứ của Triều Tiên vào vùng Arita (bắc Kyushu) thì kỹ nghệ gốm sứ Nhật Bản mới bắt đầu phát triển.

Lúc đó thì đồ gốm Việt Nam mới giảm dần rồi ngưng nhập vào thị trường Nhật Bản.

Sơ đồ mạng lưới hải thương giữa Nhật Bản với Trung Quốc, Việt Nam và các nước Đông Nam Á vào các thế kỷ XV-XVIII - Ảnh: Trần Đức Anh Sơn
Sơ đồ mạng lưới hải thương giữa Nhật Bản với Trung Quốc, Việt Nam và các nước Đông Nam Á vào các thế kỷ XV-XVIII - Ảnh: Trần Đức Anh Sơn

Tỏa khắp Đông Nam Á

Theo nhà khảo cổ học người Nhật Bản là GS Aoyagi Yoji, đến năm 1990 có 32 di chỉ khảo cổ ở các nước Đông Nam Á có phát hiện đồ gốm Việt Nam, và phần lớn là gốm hoa lam.

Trong đó, Malaysia có 9 di chỉ, Brunei có 2 di chỉ, Philippines có 10 di chỉ, Indonesia có 11 di chỉ.

Như vậy, từ cuối thế kỷ XIV đến cuối đầu thế kỷ XVII, gốm Chu Đậu cùng với những dòng gốm khác của Việt Nam đã có một vị thế quan trọng trong thị trường gốm sứ ở Nhật Bản và ở các nước Đông Nam Á hải đảo đương thời, mà bằng chứng là sự hiện diện của vô số hiện vật gốm Chu Đậu trong các di chỉ khảo cổ học và trong các con tàu đắm được phát hiện ở Nhật Bản và khu vực Đông Nam Á trong nhiều năm qua.

__________

Kỳ tới: Ẩn tích sông Hương

Sau năm 1975, đội ngũ đông đảo dân vạn đò trên sông Hương (Huế) đã trục vớt được “hằng hà sa số” những hiện vật gốm vẽ lam, trắng ngà phong cách đít “nhuộm” màu sôcôla và chẳng ai biết “ất giáp” nó thuộc dòng gốm nào.

TS TRẦN ĐỨC ANH SƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên