21/03/2018 07:38 GMT+7

Giải mã chuyện Ngoại trưởng Mỹ bị cách chức

DUY LINH
DUY LINH

Tổng thống Mỹ Donald Trump cho thấy ông không thiếu bom. Một quả bom hôm 13-3 đã được thả xuống khu Foggy Bottom, nơi đặt trụ sợ Bộ Ngoại giao Mỹ.

Đừng hiểu lầm, đó không phải loại bom có thể giết chết hàng chục người. Nó chỉ giết một người, nói đúng hơn là sự nghiệp chính trị của ông ta: Ngoại trưởng thứ 69 của nước Mỹ Rex Tillerson.

"Tôi sẽ trở lại cuộc sống riêng tư với tư cách là một công dân, một người Mỹ tự hào vì đã có cơ hội được phụng sự đất nước", một Tillerson cúi gầm mặt thay cho một Tillerson tự tin ngẩng cao đầu trong lúc đọc tuyên bố từ chức và chuyển giao quyền lực tại Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 13-3.

Tại Washington, "dành thời gian cho gia đình" hay "trở về cuộc sống riêng tư" chỉ là cách ai đó che lấp thực tế họ đã bị sa thải.

"Ngoại trưởng tệ nhất trong lịch sử Mỹ"

Cái cách mà ông Trump sa thải người do chính mình đề cử xem ra còn tệ hơn cách ông hất James Comey khỏi ghế giám đốc Cục điều tra liên bang (FBI) hồi năm ngoái.

Không một tuyên bố chính thức, không gặp mặt riêng, quyết định sa thải được ông Trump công bố trên mạng xã hội Twitter. Tổng thống Trump khiến người ta nghi ngờ liệu ông và ông Tillerson có "khá thân" như ông tuyên bố sau đó?

Ít ra trong trường hợp của ông Comey ông Trump còn cử cận vệ lâu năm Keith Schiller tới trụ sở FBI để tống đạt quyết định sa thải.

Giải mã chuyện Ngoại trưởng Mỹ bị cách chức - Ảnh 1.

Tổng thống Trump tuyên bố sa thải ông Tillerson và đề cử ông Mike Pompeo cho ghế ngoại trưởng trên Twitter - Ảnh chụp màn hình

"Ngoại tưởng Tillerson không hề biết lý do bị sa thải và chưa nói chuyện riêng với tổng thống", Thứ trưởng ngoại giao Steve Goldstein nhấn mạnh trong email gửi báo chí. Vài tiếng sau đó ông nối gót sếp cũ, chính thức bị ông Trump sa thải.

Sự ra đi của ông Tillerson có thể chấm dứt 14 tháng sóng gió giữa Bộ Ngoại giao và Nhà Trắng, trực tiếp là giữa Tổng thống Trump và Ngoại trưởng Tillerson.

"Tillerson sẽ là một trong những ngoại trưởng tệ nhất của nước Mỹ", Giáo sư Eliot Cohen, cố vấn cấp cao cho Bộ Ngoại giao Mỹ dưới thời tổng thống George W. Bush nhấn mạnh.

Nhưng có thực ông Tillerson - cựu giám đốc điều hành tập đoàn dầu khí Exxon Mobil, là kẻ vô dụng?

Hãy quay lại những ngày đầu khi ông Trump đề cử ông Tillerson cho ghế ngoại trưởng. Trong khi các thành viên quốc hội lo ngại vì mối quan hệ giữa ông Tillerson với Tổng thống Nga Vladimir Putin, những người Cộng hòa như Robert Gates - cựu bộ trưởng quốc phòng, Condoleezza Rice - cựu ngoại trưởng và Stephen Hadley - cựu cố vấn an ninh quốc gia, nhất mực ca ngợi ông Tillerson.

"Những kiến thức, kinh nghiệm và sự thành công của ông ấy trong việc thương lượng với hàng chục chính phủ và lãnh đạo thế giới… sẽ bảo vệ và thúc đẩy lợi ích của nước Mỹ", ông Gates nhấn mạnh trong một tuyên bố khi đó.

Không một di sản đối ngoại nào đáng để kể trong suốt thời gian ông Tillerson nắm quyền. Thực tế, điều này phần lớn là do ông không có được bất cứ ảnh hưởng nào trong cuộc tranh luận nội bộ về các vấn đề như Triều Tiên hay Nga.

Việc ông Tillerson ủng hộ kế hoạch cắt giảm nhân sự của ông Trump tại Bộ Ngoại giao và lơ là với các nhà ngoại giao lâu năm thậm chí còn tai hại hơn.

"Hơn một tháng sau khi trở thành người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ, Rex Tillerson không giống như bất kỳ ngoại trưởng nào trước đây: ông gần như mất hút.

Ảnh hưởng của Tillerson tại Nhà Trắng rất mơ hồ. Ông dường như đang phải cạnh tranh với Jared Kushner, con rể của ông Trump, và Stephen Bannon, chiến lược gia trưởng của tổng thống. Cả hai đều rót vào tai ông Trump những quan điểm đối ngoại của riêng họ", tờ Los Angeles Times dạo ấy mô tả.

Giải mã chuyện Ngoại trưởng Mỹ bị cách chức - Ảnh 2.

Ngoại trưởng Tillerson thất bại vì đã được kỳ vọng quá nhiều? - Ảnh: REUTERS

Một quả bom lớn hơn nữa có thể sẽ nổ ở Washington. Đó là khi ông Trump sa thải Công tố viên đặc biệt Robert Mueller - người đang dẫn dắt cuộc điều tra nghi án Nga can thiệp bầu cử Mỹ của FBI.

Ông Andrew McCabe, người bị sa thải khỏi ghế Phó giám đốc FBI chỉ 2 ngày trước khi nghỉ hưu với lương hưu trọn vẹn, tin rằng ông bị ông Trump đối xử như thế bởi ông là một nhân chứng quan trọng trong cuộc điều tra của ông Mueller.

Hãng thông tấn AP hôm 18-3 loan tin trước khi bị sa thải ông McCabe đã kịp giao nộp các ghi chú cho nhóm điều tra của công tố viên đặc biệt. Những ghi chú của ông McCabe bao gồm những chi tiết về những lần tiếp xúc của riêng ông với tổng thống. Nó cũng kể lại các cuộc nói chuyện khác nhau giữa ông với ông Comey, người đã ghi chép lại các cuộc gặp gỡ với ông Trump khiến ông cảm thấy bất an.

Trong khi ông Mueller chưa lên tiếng xác nhận đã nhận được các ghi chú hay chưa, Tổng thống Trump đã bắt đầu các chỉ trích trên Twitter. Người ta đếm được từ lúc ông McCabe bị sa thải đến hiện tại ông Trump đã đăng 10 dòng trạng thái trên Twitter, với 7 trong số đó là chỉ trích ông McCabe, Comey và nhóm điều tra của ông Mueller.


"Tillerson nghiệp dư"

"Tôi không muốn ông tiếp tục chất vấn hay có bất cứ vai trò nào trong việc bổ nhiệm nhân sự ở cơ quan của tôi", ông Tillerson nói như hét vào mặt Johnny DeStefano - trợ lý kiêm cố vấn của tổng thống Trump tại Nhà Trắng trong một cuộc họp tháng 6-2017.

"Thật là một gã thiếu chuyên nghiệp", Jared Kushner - con rể kiêm cố vấn Tổng thống Trump nói ngay sau cuộc họp.

Tổng thống Trump trước đó đã hứa sẽ để ông Tillerson được lựa chọn nhân sự tại cơ quan do ông phụ trách, kèm theo điều kiện: tính toán cắt giảm ngân sách tại Bộ Ngoại giao thêm 28%.

Đó thật sự là một con dao hai lưỡi. Chỉ 64 trong tổng số 153 vị trí chỉ định chính trị của Bộ Ngoại giao được Thượng viện phê chuẩn trong 14 tháng ông Tillerson tại vị. 60% các nhà ngoại giao kỳ cựu ra đi, các khu vực quan trọng như châu Á, Trung Đông thiếu người giám sát. 

Việc ông Tillerson ủng hộ "kế hoạch cải thiện hiệu quả hoạt động" của ông Trump khiến các nhân viên Bộ Ngoại giao bất mãn. Họ nghĩ ông là một người luồn cúi trước cấp trên và đè đầu cấp dưới. Họ bất hợp tác với ông.

Ông cũng có hẳn một nhóm thân cận ở Bộ Ngoại giao nhưng điều đó vô hình trung lại khiến ông ra đi nhanh hơn.

Tillerson có vài trợ lý, với số lượng đếm trên đầu ngón tay tại Bộ Ngoại giao. Nhưng tất cả họ đều không có liên hệ với Nhà Trắng hoặc không nắm được việc ở Bộ Ngoại giao. Tillerson muốn có tiếng nói trong các cuộc tranh luận ở Nhà Trắng. Ông ta dựa vào vòng tròn thân tín đó, những người tỏ ra trung thành với ông ta. Đó là cốt lõi của sự thất bại.

Paul Musgrave, một học giả về chính sách đối ngoại Mỹ tại Đại học Massachusetts Amherst.

Thực tế, Tillerson là một ngoại trưởng cá tính như ông Trump nhưng dường như hai cá tính quá mạnh đã dẫn tới những bất đồng không thể che giấu.

Tháng 4-2017, Tổng thống Trump ra lệnh không kích một căn cứ quân sự của chính phủ Syria, chỉ vài ngày sau khi ông Tillerson nói Washington cảm thấy không có vấn đề gì nếu ông Bashar al-Assad tiếp tục nắm quyền ở Syria.

Tháng 6-2017, khi cuộc khủng hoảng ngoại giao ở vùng Vịnh leo thang, với việc Saudi Arabia và các đồng minh phong tỏa các tuyến đường biển, đường bộ và hàng không nối Qatar, ngoại trưởng Tillerson kêu gọi Riyadh cần chấm dứt việc này ngay lập tức. Chưa đầy 2 tiếng sau đó, Tổng thống Trump đứng về phía Saudi Arabia, tuyên bố Qatar là "nhà bảo trợ khủng bố ở mức rất cao".

Tháng 7-2017, sau một cuộc họp trong đó ông Trump yêu cầu mở rộng kho vũ khí hạt nhân của Mỹ, Tillerson không ngần ngại nói với các trợ lý của ông rằng tổng thống là một "thằng đần", hoặc theo một số tờ báo khác còn nặng hơn là "ngu chết mẹ".

Nhiều người khi ấy bối rối không biết nên nghe Bộ Ngoại giao Mỹ hay Nhà Trắng, tuyên bố của Ngoại trưởng Tillerson hay Twitter của Tổng thống Trump.

Giải mã chuyện Ngoại trưởng Mỹ bị cách chức - Ảnh 5.

Tillerson không phải là người thích lấy lòng tổng thống Trump. Giữa các cuộc họp gồm nhiều người khác, ông sẵn sàng buông câu "Đó là chuyện do ông tự quyết" mỗi khi bị bác bỏ ý kiến - Ảnh: CNN

Hơn một lần, trong vấn đề Triều Tiên, khi ngoại trưởng Mỹ tuyên bố Washington để ngỏ khả năng đối thoại với Bình Nhưỡng, ông Trump lại tạt gáo nước lạnh bằng việc phủ nhận trên Twitter. Tháng 3-2018, vài ngày sau khi ông Tillerson cảnh báo nên thận trọng trước tín hiệu đàm phán từ Triều Tiên, Tổng thống Trump tuyên bố sẵn sàng gặp nhà lãnh đạo Kim Jong Un – một quyết định gây choáng váng chính giới Mỹ.

Ngoại trưởng Tillerson, khi đó đang ở châu Phi, đã ngay lập tức sửa giọng, ủng hộ quyết định của tổng thống Trump. Viện lý do "không khỏe", ông Tillerson cắt ngắn lịch trình và trở về Washington, nhưng có vẻ mọi thứ đã quá trễ.

Tillerson là một người thẳng thắn, đáng tin cậy. Tôi đã từng nghĩ chúng tôi sẽ tiếp tục xử lý vấn đề Triều Tiên cùng nhau trong thời gian tới. Cá nhân tôi thấy những diễn biến mới thật sự là điều không may - Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono

DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên