12/05/2018 11:07 GMT+7

Giải cứu nông sản, rồi sao nữa?

NGUYỄN TRÍ
NGUYỄN TRÍ

TTO - Nếu "giải cứu" hồ tiêu trong nước thì doanh nghiệp sẽ nhập hồ tiêu từ Campuchia, Brazil về, vô tình ta "giải cứu" luôn cho các nước. Cho nên cứ "giải cứu" thì không biết đến bao giờ.

Giải cứu nông sản, rồi sao nữa? - Ảnh 1.

60 tấn bí đỏ của nông dân xã Cư Yang, huyện Eakar, tỉnh Đắk Lắk đang được "giải cứu" chưa biết ra sao thì ngay hôm qua 11-5, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam cũng có thư gửi các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân "giải cứu" hàng ngàn tấn dưa hấu!

Trước đó, tại huyện Mê Linh (Hà Nội), ông Vũ Văn Kỳ - chủ nhiệm HTX Đông Cao - cho biết chỉ trong hai tháng sau tết 2018, nhà nông phải đổ bỏ 1.500 tấn củ cải vì quá lứa nhưng không ai mua, 3.000 tấn sau đó chỉ bán được với giá 1.000 - 2.000 đồng/kg. Nông dân thua lỗ nặng.

Tại Đồng Nai, dù mít, bơ, sầu riêng chưa rớt giá nhưng ông Lê Xuân Hoàng - chủ nhiệm HTX Vườn Xanh (Đồng Nai) - đã ám ảnh về viễn cảnh "giải cứu" không xa. 

Bởi lẽ chỉ trong vài tháng qua, nhiều nông dân phía Nam "trồng bất chấp" khi thấy giá các loại trái này tăng mạnh. 

Trước đó, cả nước từng rùng rùng "giải cứu" heo thịt và cả "giải cứu" cá da trơn, cả vật nuôi chứ không chỉ cây trồng.

"Lỗi này do ai? Có cách nào ngoài việc cứ mãi chạy giải cứu?" - ông Hoàng chau mày hỏi.

Trả lời câu hỏi này, ông Lâm Hoàng Quốc Khôi - chuyên gia phân tích thị trường nông sản của một công ty tại Bình Dương - cho rằng "giải cứu" nông sản trong điều kiện nền kinh tế như hiện nay "chẳng giúp được gì". 

Bởi nếu "giải cứu" hồ tiêu trong nước thì doanh nghiệp sẽ nhập hồ tiêu từ Campuchia, Brazil về, vô tình ta "giải cứu" luôn cho các nước. Cho nên cứ "giải cứu" thì không biết đến bao giờ.

Ở góc nhìn khác, PGS.TS Vũ Trọng Khải - chuyên gia về kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn - cho rằng nhiều nông dân hiện nay không xem đất là phương tiện sản xuất, mà chỉ là "bảo hiểm xã hội" để làm khi lớn tuổi nên họ bỏ hoang chứ không bán, dẫn tới việc tích tụ ruộng đất khó. 

Từ đó, doanh nghiệp không dám liên kết để sản xuất và ký hợp đồng tiêu thụ, nông dân buộc phải sản xuất theo gợi ý của thương lái nên rất bấp bênh. Và tự làm nên manh mún, thiếu thông tin, thấy "người ta ăn khoai, vác mai đi đào".

Nông dân cứ "nhắm mắt đi cày", mùa vụ được chăng hay chớ có phần lỗi của họ. Vậy còn vai trò của các trung tâm khuyến nông, các cơ quan nhà nước, các hiệp hội về đo lường thông tin thị trường ở đâu? Có ai đưa ra cảnh báo cho nông dân không?

Lời kêu gọi "giải cứu" chỉ có tác dụng lần một lần hai. Sẽ chẳng ai động lòng trắc ẩn mà "giải cứu" hoài nếu Nhà nước, nhà nông không thảo luận một hình thức sản xuất căn cơ. 

Ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và gần sát chúng ta là cả Thái Lan, nông dân liên kết nhau sản xuất, cùng vào hợp tác xã, làm ăn có kế hoạch, trồng con gì - nuôi con gì đều tính toán đầu ra. Nhờ vậy mà họ yên tâm làm ăn, yên tâm làm giàu, chẳng phải đã hạ mình mà còn thắc thỏm đến mùa kêu than "giải cứu".

Giải cứu bí đỏ Đắk Lắk với giá 4.900 đồng/kg Giải cứu bí đỏ Đắk Lắk với giá 4.900 đồng/kg

TTO - Khoảng 60 tấn bí đỏ sẽ được tiêu thụ trong một hệ thống C ở khu vực phía Nam với giá không lãi 4.900 đồng/kg trong một tuần, từ ngày 10-5.

NGUYỄN TRÍ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên