Những hình ảnh đầu tiên trong bệnh viện về các cậu bé được giải cứu - Ảnh cắt từ clip
Cả 12 cậu bé và huấn luyện viên đều đã giảm trung bình 2kg sau 17 ngày mắc kẹt tại hang Tham Luang. Song nhìn chung tất cả đều đang trong tình trạng sức khỏe tốt, không có dấu hiệu bị căng thẳng. Giám đốc bệnh viện, ông Chaiwetch Thanapaisal, cho biết các em sẽ phải ở lại viện trong 10 ngày nữa, sau đó cần thêm khoảng một tháng để tiếp tục hồi phục tại nhà.
Cần tôn trọng không gian riêng tư
Cha mẹ của 8 em được giải cứu đầu tiên đã được phép thăm con, song để phòng ngừa, họ phải mặc đồ chuyên dụng y tế và đứng cách xa 2m. Nhà chức trách đề phòng khả năng các em có thể bị viêm nhiễm trong hang. Trước đó, chuyên gia y tế cho biết một thành viên trong nhóm được cứu cuối cùng bị viêm phổi và tất cả đội đã được tiêm văcxin phòng bệnh dại và uốn ván.
Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha yêu cầu giới truyền thông tôn trọng không gian riêng tư và cần thiết cho sự hồi phục sức khỏe của các em, cả về thể chất lẫn tinh thần. "Cách tốt nhất là không làm phiền các em" - ông Prayuth nói.
Trong thông điệp gửi tới các cậu bé trước khi lên đường trở lại đơn vị từ Chiang Rai, khép lại sứ mệnh giải cứu lịch sử, ông Apakorn Yuukongkaew - chuẩn đô đốc, tư lệnh lực lượng SEAL của Hải quân Thái Lan - nhắn nhủ: "Hãy sống thật trọn vẹn cuộc đời các cháu. Hãy là những người tốt, là động lực cho những điều tốt đẹp vì đất nước của các cháu".
"Hooyah!" - ông Apakorn Yuukongkaew hô to tạm biệt những đứa trẻ, một tiếng hô vốn thường dùng để khích lệ tinh thần, ý chí của những người lính hải quân.
Các cậu bé đã được uống thuốc an thần
Theo Hãng tin AFP, một cựu thợ lặn của Hải quân Thái Lan là ông Chaiyananta Peeranarong tiết lộ việc các cậu bé đã được các thợ lặn chuyền tay nhau đưa ra khỏi hang trong trạng thái đang ngủ hoặc nửa tỉnh nửa thức.
"Công việc của tôi là vận chuyển các em dọc theo lòng hang. Các cậu bé đã được bao bọc trong những cáng thương trong lúc vận chuyển ra" - ông Chaiyananta Peeranarong nói. Tuy nhiên ông không cho biết huấn luyện viên có thể lặn hay đi bộ ra mà không cần trợ giúp hay không. Trước đó ngày 10-7, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha cho biết các cậu bé đã được dùng một liều thuốc an thần nhỏ để phòng ngừa cảm giác quá sợ hãi trong hành trình giải cứu căng thẳng.
Hang Tham Luang sẽ thành bảo tàng
Hệ thống hang động nơi 12 cầu thủ thiếu niên cùng huấn luyện viên của họ bị mắc kẹt sẽ trở thành bảo tàng trưng bày về cuộc giải cứu kỳ diệu.
"Nơi này sẽ trở thành một bảo tàng sống, để cho mọi người hiểu chiến dịch cứu hộ đã diễn ra như thế nào" - người đứng đầu chiến dịch giải cứu Narongsak Osottanakorn nói trong buổi họp báo ngày 12-7, theo hãng tin Reuters. "Một cơ sở dữ liệu tương tác sẽ được thiết lập. Nó sẽ trở thành một điểm đến thu hút đáng kể khác cho Thái Lan" - ông Narongsak Osottanakorn nói.
Giới chức Thái cho rằng số phận của các cậu bé và cuộc giải cứu thần kỳ có sự tham gia của nhiều nước đã khiến hang Tham Luang trở thành một cái tên sẽ được nhiều người trên thế giới biết tới, và hiện tại họ đang chuẩn bị các kế hoạch để biến nơi đây thành một điểm đến du lịch hấp dẫn.
Theo ông Chongklai Worapongsathorn, phó tổng giám đốc cơ quan phụ trách các công viên quốc gia, bảo tồn động vật, thực vật hoang dã, hang Tham Luang sẽ đóng cửa ít nhất 6 tháng kể từ ngày 12-7.
Cuộc giải cứu 13 người mắc kẹt tại hang Tham Luang qua những con số
* 17 ngày: là thời gian 12 cậu bé và huấn luyện viên của họ bị kẹt trong hang.
* 1.000 người: là số người ước tính tham gia giải cứu, trong đó có các chuyên gia đến từ Mỹ, Úc, Anh, Nhật Bản, Trung Quốc, Myanmar và Lào.
* 8 giờ: khoảng thời gian trung bình để các thợ lặn đưa được các cậu bé ra khỏi hang trong 3 đợt giải cứu.
* 19: là số máy bơm được sử dụng để bơm nước liên tục ra khỏi hang.
* 100: là số bình oxy được mang vào hang Tham Luang phục vụ giải cứu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận