05/04/2016 13:40 GMT+7

Giấc mơ Sông Thu

ĐĂNG NAM - TẤN VŨ
ĐĂNG NAM - TẤN VŨ

TTO - Một điều ít ai biết đến là một cơ sở đóng tàu như Sông Thu lại có thể đóng và xuất khẩu “ngược” sang Nga những con tàu đặc chủng.

Tàu hút bùn Servernaya Dvina được đóng mới tại Nhà máy đóng tàu Sông Thu - Ảnh: Tấn Vũ
Tàu hút bùn Servernaya Dvina được đóng mới tại Nhà máy đóng tàu Sông Thu - Ảnh: Tấn Vũ

Đây là những con tàu chuyên hoạt động trong vùng băng giá, hay những con tàu cao tốc sản xuất theo đơn đặt hàng riêng của Venezuela.

Và nếu không bị trục trặc ở phút thỏa thuận cuối cùng, trong tháng 4-2016 này, chiến hạm tàng hình “Made in Vietnam” đầu tiên với công nghệ Hà Lan đã được hạ thủy tại vịnh Mân Quang rồi.

Đành lỗi hẹn

Trong số những dãy nhà xưởng mới của Tổng công ty Sông Thu nằm bên mép biển vịnh Mân Quang có một dãy nhà mang dáng dấp khá đặc biệt.

Dãy nhà cao 35m với chiều dài hơn 100m trông quá khổ, quá cỡ với những con tàu mà công ty này vốn đang thi công. Bên trong dãy nhà là hàng loạt cần cẩu, ròng rọc đang nâng các thiết bị hạng nặng.

Ông Dương Quốc Việt, phó tổng giám đốc Tổng công ty Sông Thu, tiết lộ khu nhà xưởng “dị dạng” đó được dựng lên để sản xuất những chiến hạm tàng hình mà phía đối tác Damen (Hà Lan) trước đó đã thỏa thuận với Sông Thu.

“Hai bên đã gặp nhau để lên phương án và mọi kế hoạch đã được vạch ra. Hai tàu chiến đầu tiên sẽ đóng tại Hà Lan, hai chiếc còn lại thi công ở đây.

Thời gian thi công dự kiến khoảng bốn năm và tất cả trang thiết bị chuyên dụng đều chuyển từ Hà Lan sang ráp vào, trong đó có cabin nặng 91 tấn. Nếu mọi việc suôn sẻ thì bây giờ nó đã được hạ thủy” - ông Việt nói.

Theo ông Việt, năng lực hiện có của Sông Thu hoàn toàn đủ để đóng một con tàu chiến tàng hình như vậy.

Vẻ mặt đầy tiếc nuối, đại tá Hà Sơn Hải, tổng giám đốc Sông Thu, tâm tư rằng hơn ai hết ông thấu hiểu tình cảnh của đất nước lúc này.

Ông Hải bảo: “Nếu mình đóng và có được những con tàu chiến hiện đại như vậy, chắc chắn vị thế và cục diện trên biển của đất nước sẽ khác hơn nhiều”.

Ông Hải kể trong chuyến thăm Hà Lan trước đó, ông chứng kiến một chiến hạm mạnh mẽ, hiện đại và uy lực hơn cả những con tàu hiện đại nhất của mình đang có. Thế rồi trong lòng ông lại trỗi dậy những khát khao chinh phục trong nghề đóng tàu.

“Con tàu chiến này đắt lắm, 700-800 triệu euro. Trong đó phần đóng tàu chiếm khoảng 1/2 chi phí, số còn lại là các trang thiết bị vũ khí.

Gọi là “tàng hình” vì khi ra giữa biển, con tàu này chỉ xuất hiện một chấm nhỏ như hạt đậu trên màn hình rađa của các tàu đối phương, chẳng khác gì con tàu đánh cá cả” - ông Hải kể.

Ông Hải nhận định chiến tranh hiện nay nếu xảy ra trên biển thì đó là cuộc chiến của công nghệ. Chính vì vậy giấc mơ đổi mới công nghệ để đóng tàu ở Sông Thu chưa bao giờ dừng lại.

Xuất khẩu “ngược” tàu sang Nga

Trong khi phần nhiều tàu hiện đại Việt Nam đều nhập từ Nga thì việc Tổng công ty Sông Thu xuất khẩu sang Nga một con tàu lớn với công nghệ hiện đại là một điều hết sức thú vị.

Kỹ sư trẻ Lê Nguyễn Viễn Tú, vốn là một trong những kỹ sư tài năng của công ty, đang làm việc cùng các chuyên gia của Damen (Hà Lan) về phần cơ - động lực của con tàu Servernaya Dvina để hoàn thiện những phần việc cuối cùng trước khi ra biển chạy thử.

Tú cho biết khoảng cuối tháng 3 này, con tàu hút bùn ở vùng Bắc cực với sức chứa 2.000 tấn sẽ được chạy thử nên những ngày này chuyên gia đăng kiểm của Nga sang làm việc rất nhiều.

“Đăng kiểm Nga còn có những tiêu chuẩn khắt khe hơn cả đăng kiểm Lloyd (của Anh). Con tàu này phải đảm bảo kỹ thuật cao. An toàn gần như tuyệt đối vì tàu phải hoạt động trong điều kiện băng giá ở Bắc cực. Thiết kế của tàu chịu được thời tiết -50oC”.

Tú cho biết mình đã phụ trách phần cơ - động lực không biết bao nhiêu con tàu xuất khẩu, tàu đóng cho cảnh sát biển hiện đại, nhưng đây là con tàu có kết cấu vô cùng phức tạp.

Tàu có bốn cửa hút bùn, tất cả điều khiển bằng thủy lực nên kết cấu khó vô cùng. Ngoài ra, bên trong tàu được bao bọc bởi một hệ thống sấy và dầu thủy lực phải chịu được ở môi trường băng giá.

“Tất cả thiết bị đều nhập khẩu, kể cả thép đóng tàu phải sử dụng một loại thép riêng khác với tàu thông thường, có thể chịu được sự co giãn trong môi trường băng giá. Những ống hút có thể thọc sâu dưới băng đến 22m để hút bùn. Nhiệm vụ của tàu là hết sức đặc biệt” - Tú nói.

Stephen, chuyên gia Tập đoàn Damen, đang kiểm tra những công đoạn cuối cùng trên buồng lái. Stephen bảo rằng việc đóng một con tàu hút bùn như vậy không đơn giản. Hiện ở Nga cũng có nhà máy đang đóng hai con tàu tương tự, nhưng con tàu thứ ba họ quyết định chọn Sông Thu.

“Chúng tôi nhận thấy đội ngũ đóng tàu của Sông Thu đã nắm bắt rất nhanh công việc. Họ phải đóng những con tàu từ khó đến rất khó thì năng lực mới thật sự tiến triển được” - Stephen khen ngợi các công nhân làm việc trên tàu.

Kỹ sư Dương Quốc Việt cho biết tàu hút bùn Servernaya Dvina là một trong những con tàu phức tạp nhất mà nhà máy từng thi công. Và công nghệ đóng con tàu này đã thay đổi hẳn, thậm chí gần như đảo ngược hoàn toàn cách nghĩ về việc đóng tàu của người Việt.

“Những chiếc tàu đầu tiên thì chuyên gia Hà Lan sang khá nhiều nhưng đến vài chiếc sau thì mình nắm bắt toàn bộ công việc. Từ việc đóng ngửa nay lật úp lại để đóng.

Từ việc hoàn thiện xong tàu mới ráp thiết bị thì hôm nay mình có thể đóng theo từng modul, cho ra các tổng đoạn và chỉ cần ghép lại là thành con tàu” - ông Việt nói. Ông Việt cũng thừa nhận công nghệ đóng tàu trên thế giới đã thay đổi rất nhanh.

“So với các “vương quốc” đóng tàu biển, Sông Thu chỉ là “hạt tiêu” bé nhỏ nhưng nếu không nuôi dưỡng giấc mơ thì mãi mãi chúng ta không thể vươn mình ra biển lớn được” - ông Việt kỳ vọng.

Chia tay chúng tôi, “tổng công trình sư” Nhà máy đóng tàu Sông Thu Hà Sơn Hải tươi cười bảo rằng:

“Bốn năm nữa thôi, ngay tại vịnh Mân Quang này các anh sẽ có dịp chiêm ngưỡng những con tàu lớn gấp đôi tàu cảnh sát biển hiện đại 8005 bây giờ. Vừa rồi nhà máy đã hoàn tất việc ký kết với đối tác”.

Chiến hạm Lý Thái Tổ được “làm mới” tại Nhà máy X50, Tổng công ty Sông Thu - Ảnh: Tấn Vũ
Chiến hạm Lý Thái Tổ được “làm mới” tại Nhà máy X50, Tổng công ty Sông Thu - Ảnh: Tấn Vũ

 

Làm mới những “vị vua”

Những con tàu chiến của Hải quân Việt Nam qua tay những người thợ của xưởng sửa chữa tàu chiến X50 (Tổng công ty Sông Thu) sẽ trở nên mạnh mẽ hơn, oai hùng hơn khi ra biển lớn.

Nằm cạnh Nhà máy đóng tàu Sông Thu, một ụ nổi khổng lồ với sức nâng 4.500 tấn, dài 100m, rộng 30m nổi lừng lững ở bến cảng. Đặc biệt hơn, ụ nổi này đang “cõng” trên lưng mình chiến hạm hiện đại bậc nhất của Hải quân Việt Nam - tàu Lý Thái Tổ số hiệu 012.

Hàng chục công nhân, kỹ sư X50 đang làm việc rất khẩn trương để con tàu quay lại Biển Đông. Cách đây hơn một tháng, chiến hạm Đinh Tiên Hoàng cũng vừa được nhà máy “tút mới” để lên đường sang Ấn Độ tham dự lễ duyệt binh hải quân quốc tế diễn ra từ ngày 4 đến 9-2-2016.

“Điều đó đã chứng minh những sản phẩm của chúng tôi đang đáp ứng tốt nhu cầu của quân chủng Hải quân. Đáp ứng tốt và xử lý mọi tình huống khi những con tàu của quân chủng cần đến chúng tôi” - đại tá Lê Mạnh Thắng, phó giám đốc kỹ thuật Nhà máy X50, tự hào chia sẻ.

Các kỳ trước:

>> Kỳ 1: Trên con tàu thần tốc

>> Kỳ 2: Đứng lên từ đổ nát

>> Kỳ 3: Con tàu cũ, nhiệm vụ mới

>> Kỳ 4: Bài học giá 6 tỉ đồng

>> Kỳ 5: Những ngày nóng bỏng ở Sông Thu

ĐĂNG NAM - TẤN VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên