Ông Trần Sót bên con tàu 1.000 CV, lớn nhất Cà Ná sắp hoàn thành - Ảnh: VIỄN SỰ |
Biển mình sạch, nước mặn hơn nên con cá chắc thịt và tươi lâu hơn con cá nước xà hai, dân ngoài đó họ ưa ăn nên mình chuyển ra bao nhiêu bạn hàng cũng lấy |
Chủ vựa hải sản Trường Phượng |
Đã vài năm nay, từ núi Ga mỗi ngày người Cà Ná vẫn nhìn thấy rất rõ cột khói của Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân xả ra, mờ đục một khoảng trời.
Cột khói Vĩnh Tân và giấc mơ của dân Cà Ná
Từ ngày có cột khói ấy thì giá cá cơm hấp ở Vĩnh Tân không còn được thương lái mua cao bằng cá cơm ở Cà Ná nữa, cho dù hai làng chài chỉ cách nhau hơn 5km.
Giấc mơ của người Cà Ná vì thế nói như ông Trần Sót, một chủ tàu đánh cá ở Cà Ná, đơn giản là biển luôn xanh, cá luôn sạch để bán được giá.
Ông Trần Sót là một chủ ghe lâu năm ở Cà Ná, như bao ngư dân của vùng biển này, ông Sót mang mộng làm ăn lớn từ vùng biển quê nhà.
Ngoài một chiếc ghe làm nghề pha (đánh cá cơm), ông Trần Sót đang vay vốn nhà nước theo chương trình hỗ trợ của nghị định 67 để đóng chiếc tàu công suất 1.000 CV, đó là chiếc tàu lớn nhất Cà Ná và có thể là một trong những chiếc tàu lớn nhất miền Trung.
Leo lên chiếc tàu 1.000 CV đã sắp hoàn thiện tại xưởng đóng tàu, chúng tôi gặp ông Sót đang cùng chủ xưởng đóng tàu chỉnh sửa lại lần cuối các chi tiết trước khi lắp máy. Đó là con tàu mà ông Sót nói sẽ vươn khơi rất xa, tận Trường Sa hay sâu xuống vùng biển phía Nam.
Ông Sót quyết định ôm giấc mộng này không phải chỉ vì được Nhà nước hỗ trợ mà như bao người dân vùng biển này, ông tin vào tương lai của Cà Ná.
Ông Sót nói giá trị con tàu gần 10 tỉ đồng, biển cả thì khó lường nhưng thương hiệu hải sản từ các đội tàu của Cà Ná đã được tạo dựng với bạn hàng, những cơ sở hậu cần nghề cá mà Cà Ná đang có đủ để ông tự tin làm ăn lớn.
“Các đại lý thu mua và chế biến hải sản ở Cà Ná trong những năm qua luôn đói hàng, cho dù sản lượng đánh bắt hải sản vẫn tăng theo từng năm” - ông Trần Sót nói, đầy hi vọng.
Ở Cà Ná, không chỉ mình ông Trần Sót mang niềm hi vọng ấy. Chủ xưởng đóng tàu là ông Cao Thanh Tùng khoe ông đang có đơn đặt hàng đóng thêm ba chiếc nữa như chiếc tàu của ông Trần Sót.
Đó là những con tàu mà hơn 20 năm trước từ Phú Yên vào đây mở xưởng, ông Tùng không bao giờ dám mơ nó sẽ hiện thực từ xưởng đóng tàu của mình.
Phó chủ tịch UBND xã Phước Diêm, ông Bạch Thuận Phú, cho biết riêng xã này hiện đã có 15 hồ sơ xin vay vốn đóng tàu công suất lớn theo nghị định 67, ba chiếc đang được đóng và 12 chiếc còn lại đang chờ duyệt.
Đội tàu của Cà Ná vì thế mấy chục năm qua luôn dẫn đầu tỉnh Ninh Thuận và sẽ tiếp tục như thế trong rất nhiều năm nữa.
Buổi sáng cuối cùng ở Cà Ná, đi vào các vựa hải sản tại cảng Cà Ná chúng tôi đã được chứng kiến câu chuyện thú vị: những giỏ cá cơm vừa đánh bắt ở Cà Ná được đóng thùng xốp và chuyển ra Đà Nẵng và Quảng Ngãi cho bạn hàng.
Đó là những vựa cá lớn nhất miền Trung, chở cá ra đó khác chi “chở củi về rừng”? Nhưng thực tế cá Cà Ná đã được chuyển ngược ra những vựa cá miền Trung từ rất nhiều năm nay.
Chủ vựa hải sản Trường Phượng cho biết không chỉ cá cơm mà bạn hàng ở Đà Nẵng, Quảng Ngãi còn mua nhiều loại hải sản khác ở Cà Ná, vì: “Biển mình sạch, nước mặn hơn nên con cá chắc thịt và tươi lâu hơn con cá nước xà hai, dân ngoài đó họ ưa ăn nên mình chuyển ra bao nhiêu bạn hàng cũng lấy”.
Biển sạch và con cá sạch, cuộc đời ngư dân ở bất kỳ làng chài nào trên đất nước này còn mơ gì hơn thế.
Và những người Cà Ná như chủ tàu Trần Sót hay chủ vựa cá Trường Phượng sẽ không bao giờ mong cột khói ám ảnh như ở Vĩnh Tân sẽ bước qua lằn ranh chữ S để tiến về làng biển quê mình.
Đoạn quốc lộ uốn hình chữ S qua Cà Ná là ranh giới giữa Ninh Thuận - Bình Thuận, cột khói phía xa là của Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân thuộc Bình Thuận - Ảnh: VIỄN SỰ |
Nỗi lo từ Formosa
Mỗi năm Cà Ná xuất đi hơn 10.000 tấn cá cơm hấp. Bà La Thị Lệ Phương, chủ đại lý nước mắm và cá cơm hấp Phương Thảo, cho biết con cá hấp Cà Ná luôn được thương lái mua giá cao hơn con cá hấp các nơi khác một hai giá.
“Hồi xưa, bán cho các chợ lẻ, cá Cà Ná được giá cao là vì cá ngon hơn. Còn giờ, cá Cà Ná giá cao không chỉ vì ngon hơn mà còn thêm yếu tố sạch” - bà Phương nói.
Ba, bốn tháng nay, đại lý nước mắm của bà Phương và nhiều chủ vựa hải sản tươi ở Cà Ná có thêm bạn hàng đến từ Hà Tĩnh, Quảng Bình do Formosa gây ra thảm họa cá chết, con cá ở những vùng biển ấy không bán được cho ai.
“Lúc đầu tui cũng hơi bất ngờ, nhưng nhiều chủ hàng tìm vô đây, họ nói mua mắm dự trữ bán dần. Vì cá mắm ngoài đó bán không ai mua nữa”.
“Chú nhà báo! Nếu một ngày Cà Ná cũng xảy ra chuyện như Formosa thì cá, mắm Cà Ná còn bán chạy không?” - bà Phương bỗng dưng buột miệng hỏi chúng tôi, rồi cũng chính bà tự trả lời: “Tui nghĩ không chờ đến lúc đó đâu, chỉ cần có một cái nhà máy cỡ như Formosa về đây thì khắp nơi người ta không còn ăn cá, ăn nước mắm Cà Ná nữa...”.
Những chủ vựa nước mắm và cá khô ở Cà Ná này không nhiều chữ nghĩa, không đọc báo mỗi ngày, nhưng nhìn những bạn hàng mua cá, nước mắm Cà Ná đến từ các làng biển quanh Formosa, họ đủ nhạy cảm để âu lo cho làng biển của mình...
Sau nhiều ngày rong ruổi khắp làng biển, chúng tôi tạm biệt Cà Ná theo lối dốc Hầm. Đó là con đường ven núi Bàn Than mà trăm năm xưa những lưu dân Nam - Ngãi - Bình - Phú đặt chân đầu tiên khi đến Cà Ná bằng ghe bầu.
Ở đó vẫn còn dấu tích cũ của những ngày khai thôn lập ấp là chiếc giếng cổ xếp bằng đá hộc.
Dốc Hầm cũng là nơi mà tám năm trước, dự án liên hợp thép Cà Ná do Tập đoàn Lion Group (Malaysia) và Vinashin làm chủ đầu tư, với tổng vốn đăng ký 9,8 tỉ USD đã được khởi công nhưng rồi không thể tiến hành.
Trên lối về qua dốc Hầm ấy, một phần quá khứ của Cà Ná hiện lên thật tương phản: chiếc giếng đào bằng đá hộc trăm năm trước vẫn được người Cà Ná tôn tạo, vẫn tuôn chảy những mạch nước mát lành.
Còn dự án thép dang dở mới tám năm giờ chỉ còn những mảng rào sắt và tấm bảng thông tin đổ nát hoen gỉ, tự chôn mình vào cát bỏng như một điều đáng lãng quên.
Xem các kỳ trước: >> Kỳ 1: Lời thề giữ làng >> Kỳ 2: Khởi nguồn từ chiếc ghe bầu >> Kỳ 3: Biển Cà Ná sạch, con cá sạch >> Kỳ 4: Lời cảnh báo |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận