08/10/2016 14:04 GMT+7

Thao thức Cà Ná - Kỳ 4: Lời cảnh báo

VIỄN SỰ - SƠN LÂM, viensu@tuoitre.com.vn
VIỄN SỰ - SƠN LÂM, viensu@tuoitre.com.vn

TTO - Người dân Cà Ná đã giàu lên nhờ một vùng biển sạch, cuộc sống ấm êm nhờ biết cách thuận theo tự nhiên. Nhưng Cà Ná cũng đang nhận lời cảnh báo khi những vùng đất bên cạnh nó đang phải trả giá đắt về môi trường.

Dự án muối đã làm cho vùng đất Quán Thẻ xơ xác, bạc màu - Ảnh: VIỄN SỰ
Dự án muối đã làm cho vùng đất Quán Thẻ xơ xác, bạc màu - Ảnh: VIỄN SỰ
“Sai lầm này đã dẫn tới sai lầm khác ở Quán Thẻ. Bất kỳ dự án nào làm trái với tự nhiên đều phải trả giá rất đắt. Và Quán Thẻ là bài học ngay trước mắt để Cà Ná tránh xa
Ông Dương Tấn Ngọc

Ở nơi đó, cuộc sống người dân điêu đứng khi những dự án trái với quy luật của tự nhiên được triển khai.

Nước không thể về Cà Ná

Những ngày này, người dân Cà Ná đang nghe xôn xao về một dự án dẫn hàng triệu mét khối nước từ đập Nha Trinh trên sông Dinh, cách đó hơn 50km để phục vụ cho một dự án. Không chỉ người dân Cà Ná mà những ai sống lâu năm ở Ninh Thuận đều lắc đầu cho đây là chuyện “đội đá vá trời”.

Vì sao? Kỹ sư thủy nông Dương Tấn Ngọc - nguyên trạm trưởng thủy nông huyện Ninh Phước cũ (gồm Ninh Phước và Thuận Nam bây giờ), người có gần 40 năm làm thủy nông, dự phần vào tất cả các công trình thủy lợi lớn nhỏ ở vùng đất này - cho rằng đó là một kế hoạch không tưởng.

Bởi sông Dinh dù là con sông lớn nhất tỉnh Ninh Thuận nhưng lượng nước chặn dòng từ đập Nha Trinh chỉ đủ tưới cho một phần đồng bằng phía bắc huyện Ninh Phước và Ninh Hải. Còn đất Cà Ná có cao trình mà tất cả các hồ thủy lợi trong tỉnh không thể dẫn nước về.

“Hai hồ nước lớn nhất cách Cà Ná 30km là hồ Tân Giang có cao trình 60, hồ Sông Biêu có cao trình 53, trong khi Cà Ná có cao trình trên 50. Nhưng nước muốn về được từ Tân Giang phải chảy qua một vùng trũng ở Nhị Hà có cao trình thấp hơn Cà Ná rất nhiều. Tôi làm thủy lợi gần 40 năm, chưa thấy ở đâu dẫn nước chảy từ thấp lên cao cả” - ông Dương Tấn Ngọc phân tích.

Ngược dòng thời gian, ông Dương Tấn Ngọc kể sau năm 1975, ông đã cùng các chuyên gia thủy lợi đi khảo sát tìm nguồn nước cho Cà Ná và vùng phụ cận nhưng đều thất bại.

Cà Ná nằm sát núi và có độ cao lớn nên khoan đến 18m mới thấy nước, nhưng lại nhiễm mặn. Trong khi đó, do có những dãy núi vòng cung án ngữ, một phần đất Cà Ná lại nhô cao nên không thể dẫn nước từ nơi khác về.

Hai công trình thủy lợi ở gần Cà Ná nhất từng được xây dựng chính là hồ Suối Lớn và ao số 7, do Bộ Nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm chủ trì xây dựng từ những năm 1980. Nhưng hồ Suối Lớn với công suất chỉ 1,5 triệu m3 hầu như chưa bao giờ đủ nước, đầu mùa khô là cạn trơ đáy.

Trong khi đó, ao số 7 từng được bộ này bàn giao lại cho thủy nông Ninh Phước năm 1994 để tưới cho khoảng 20ha rẫy. Nhưng đến năm 1998 thì cũng bỏ hoang vì không có nước để trữ.

“Ai đó nói đưa hàng trăm triệu mét khối nước về Cà Ná là chuyện không tưởng” - ông Dương Tấn Ngọc khẳng định.

Ông Dương Tấn Ngọc - Ảnh: VIỄN SỰ
Ông Dương Tấn Ngọc - Ảnh: VIỄN SỰ

Những sai lầm đang trả giá

Nhắc đến Cà Ná, ông Dương Tấn Ngọc nói: “Cà Ná phồn thịnh như ngày hôm nay là bởi người dân sống thuận theo tự nhiên. Chúng tôi từng ngậm ngùi nhìn vùng Quán Thẻ, giáp với Cà Ná, đang trả giá rất đắt vì những dự án xáo trộn môi trường trong quá khứ”.

Quán Thẻ - vùng đất mà ông Ngọc vừa nhắc thuộc xã Phước Minh, giáp Cà Ná ở phía bắc. Đó là một vùng đồng hoang, từng là thánh địa của những bầy gia súc ở Ninh Thuận, nay đã thành vùng đất mặn với “dự án muối Cà Ná”, khi nước biển được bơm vào sâu hơn 10km trong đất liền.

Đó là một dự án nhức nhối với người dân nơi đây, bởi việc bơm nước biển vào sâu trong đất liền hàng chục kilômet đã làm cho đất đai nhiễm mặn, nhiều diện tích nằm ngoài dự án muối cũng phải bỏ hoang.

Nhưng sai lầm đầu tiên ở Quán Thẻ mà ông Ngọc muốn nhắc không phải là dự án muối Cà Ná mà là một dự án khác từ 30 năm trước. Vào những năm 1980, Bộ Nông nghiệp lúc đó đã thực hiện quyết định khai phá một vùng rừng cây tạp và tre trúc ở Quán Thẻ để lập nên Nông trường bông Quán Thẻ và Nông trường thơm Tàu Đào.

Đây là hai nông trường trồng bông, bắp, điều và cây thơm tàu (một loại cây lấy sợi). Đồng thời thực hiện một dự án di dân khá lớn từ phía bắc, chủ yếu là Thanh Hóa và Thái Bình, vào hai nông trường này lập nghiệp.

Ông Ngọc kể khi đó không ít người đã phản ứng rất quyết liệt dự án này. Vì vùng rừng Quán Thẻ tuy ít mưa nhưng là vùng đệm giữ nước rất quan trọng cho Cà Ná và vùng phụ cận.

Nhưng hai nông trường vẫn được thành lập, hồ Suối Lớn và ao số 7 được đào để phục vụ cho hai nông trường nhưng rừng bị phá trơ trọi nên không tích đủ nước.

Kết quả chỉ sau vài năm hoạt động, hai nông trường phải giải thể, bỏ lại những xóm làng người Thái Bình, Thanh Hóa chơ vơ và một vùng đồng hoang ngày càng khô kiệt.

Dự án nông trường thất bại nhưng lại “thành công” trong việc phá sạch rừng, đưa Quán Thẻ thành một vùng hoang mạc.

Và đó là cái cớ để gần 20 năm sau, toàn bộ vùng đất này (gần 2.500ha) được biến thành dự án muối Cà Ná.

Nước biển được bơm vào đất ruộng để làm muối đã khiến không chỉ diện tích dự án làm muối mà cả các cánh đồng và vùng đất rẫy lân cận nhiễm mặn, giếng nước ngọt của người dân quanh dự án muối trở thành nước mặn, nhà cửa ngày mỗi hư hỏng vì bị muối bám bạc thếch, ăn mòn.

Chỉ trong 30 năm, Quán Thẻ từ một vùng đất tươi tốt, được những cánh rừng giữ nước đã trở thành một vùng đất mặn, vĩnh viễn không thể khôi phục.

Ông Trần Tấn Dẫm, một người dân Quán Thẻ gốc Thanh Hóa, ngậm ngùi: “Cũng bỏ xứ vào đây lập nghiệp nhưng người Cà Ná ngày càng giàu lên. Còn Quán Thẻ chỉ mới mấy chục năm mà đã trở thành vùng đất chết”.

Nỗi ngậm ngùi về sự tương phản giữa Cà Ná và Quán Thẻ cũng là nỗi lo lắng của ông Dương Tấn Ngọc.

“Sai lầm này đã dẫn tới sai lầm khác ở Quán Thẻ. Bất kỳ dự án nào làm trái với tự nhiên đều phải trả giá rất đắt. Và Quán Thẻ là bài học ngay trước mắt để Cà Ná tránh xa” - ông Dương Tấn Ngọc nói.

Đến vua Chăm cũng từ bỏ

Ông Hán Dậm, một chức sắc người Chăm Bà la môn ở Ninh Phước (Ninh Thuận), nói hai con đập lớn ở Ninh Thuận do các vua Chăm xây dựng là đập Nha Trinh (vua Pokalongirai xây vào thế kỷ XII) và đập Mư Rên (vua Po Rome xây vào thế kỷ XVII) đều không dẫn nước về Cà Ná.

Đập Nha Trinh, dẫn nước về đồng bằng theo kênh Chàm, khi chảy đến làng Phước An, xã Phước Sơn (Ninh Phước) thì được tẻ nhánh về hướng bắc.

Đến năm 1964, người Nhật nối tiếp công trình xây dang dở của vua Chăm xưa, xây thêm dòng kênh nam để dẫn nước về các làng phía nam đập Nha Trinh nhưng cũng chỉ cho con kênh này chảy vòng qua Hữu Đức, Bàu Trúc... (những làng xóm cách Cà Ná 30km) vì không thể dẫn nước về phía Cà Ná.

Tương tự, đập Mư Rên trên thượng nguồn sông Lu cũng nắn dòng cho nước chảy về đông đông bắc, ngược hướng với Cà Ná.

“Trong lịch sử hàng ngàn năm của người Chăm cũng như quá trình xây dựng các công trình thủy lợi sau này, chưa từng có một đập nước, một dòng kênh nào được xây dựng để đưa nước về Cà Ná vì không đủ nước và độ cao” - ông Hán Dậm nói.

Kỳ cuối: Lằn ranh Cà Ná

VIỄN SỰ - SƠN LÂM, viensu@tuoitre.com.vn
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên