Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Nguyễn Kim Sơn - Ảnh: GIA HÂN
Theo kết quả được các đại biểu Quốc hội lựa chọn, 4 thành viên Chính phủ gồm Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng sẽ "đăng đàn" trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3.
Một vấn đề được đặt ra là trước và trong kỳ họp, vấn đề giá sách giáo khoa, học phí tăng hay liên quan môn lịch sử nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận xã hội cũng như phát biểu của đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên, tại sao Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Nguyễn Kim Sơn lại không được vào danh sách chọn "đăng đàn" trả lời chất vấn?
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đại biểu Phan Viết Lượng - phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội - cho hay các nhóm vấn đề được lựa chọn xin ý kiến để chất vấn, trả lời chất vấn tại kỳ họp của Quốc hội dựa trên một số tiêu chí như nóng, bức thiết nổi lên, cử tri, đại biểu Quốc hội quan tâm và phải cân đối các lĩnh vực.
Đồng thời, phải xem xét những nội dung nào đã được chất vấn, thành viên Chính phủ nào đã giải trình rồi, thành viên nào chưa...
"Việc chất vấn nội dung nào sẽ do các đại biểu Quốc hội quyết định và theo thông lệ, các kỳ họp sẽ có 4 vấn đề được chất vấn.
Đối với vấn đề giáo dục - đào tạo có thể các đại biểu đã quan tâm phát biểu tại buổi thảo luận về kinh tế - xã hội rồi và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo đã có giải trình khá rõ nên không cần xem xét để chất vấn thêm", ông Lượng nói và cho hay một lý do khác là Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV hồi tháng 11-2021.
Đánh giá thêm về giải trình của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn về giá sách giáo khoa tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội, ông Lượng cho rằng bộ trưởng đã trả lời khá rõ, còn việc thực hiện để quản lý tốt giá sách cũng như trợ giá, bộ đã đề xuất.
"Bộ trưởng đã tha thiết đề nghị nên những vấn đề nào thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ cần đẩy nhanh, làm nhanh hơn", ông Lượng đề nghị.
Đại biểu Quốc hội Phan Viết Lượng - Ảnh: THÀNH CHUNG
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cũng chỉ rõ các vấn đề "nóng" liên quan ngành giáo dục như với bộ môn lịch sử thì Thủ tướng Chính phủ đã đích thân chỉ đạo, yêu cầu bộ khẩn trương tổ chức hội thảo, lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học đánh giá, tính toán, báo cáo sẽ xử lý ra sao khi có nhiều ý kiến.
"Các đại biểu Quốc hội rất yên tâm với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng thì sắp tới đây Bộ Giáo dục và đào tạo sẽ có đánh giá rất kỹ trước khi quyết định bộ môn này", bà Nga nêu.
Đối với tăng giá sách giáo khoa mới, trong thảo luận về kinh tế - xã hội, nhiều đại biểu đã đề cập và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã có giải trình, cam đoan việc có đề xuất với Chính phủ có biện pháp để quản lý, bình ổn giá sách, tránh tình trạng tăng giá.
Bên cạnh đó, bộ trưởng cũng đưa ra một số giải pháp khá cơ bản, khả thi để các nhà xuất bản, đặc biệt là Nhà xuất bản Giáo Dục hạ giá thành sách giáo khoa trong thời gian tới.
Với những cam đoan của bộ trưởng thì các đại biểu thấy khá khả thi và qua các diễn đàn, vấn đề này đã được đề cập nhiều.
"Trong khi các vấn đề còn lại là nông nghiệp, tài chính, giao thông vận tải, ngân hàng có liên quan trực tiếp đến nền kinh tế vĩ mô cũng như sự phát triển của nền kinh tế trong cả một giai đoạn. Do đó, các đại biểu lựa chọn chất vấn", bà Nga nói thêm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận