Trong báo cáo phân tích, dự báo tình hình và tư vấn chính sách phát triển kinh tế - xã hội bốn tháng đầu năm 2024 gửi Chính phủ, Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết giá nhà ở đã gia tăng mạnh ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM.
Giá nhà tăng quá cao, vượt khả năng chi trả
Mặc dù hai địa phương là Hà Nội và TP.HCM có giá nhà ở với mức độ trung bình trong khu vực, nhưng lại chênh lệch khá lớn so với thu nhập của người dân.
Dẫn số liệu từ báo cáo chỉ số về khả năng chi trả nhà ở tại châu Á - Thái Bình Dương 2023 của Viện nghiên cứu và giáo dục phi lợi nhuận (ULI, 2023), tại TP.HCM giá nhà trung bình khoảng 296.063 USD (tương đương 7,5 tỉ đồng), trong khi đó thu nhập trung bình của một hộ gia đình chỉ ở mức 9.120 USD/năm (khoảng 231 triệu đồng).
Còn tại Hà Nội, các chỉ số tương ứng là 182.290 USD (tương đương 4,6 tỉ đồng) và 9.967 USD/năm (khoảng 253 triệu đồng).
Điều này dẫn tới chỉ số chênh lệch giữa giá nhà và thu nhập tại TP.HCM đang ở mức 32,5 lần, cao thứ hai trong khu vực, chỉ sau Thâm Quyến là 35 lần. Mức này thậm chí còn cao hơn cả Bắc Kinh (29,3 lần), Thượng Hải (24,1 lần) và Hong Kong - Trung Quốc là 26,5 lần.
Còn tại Hà Nội, chỉ số này là 18,3 lần, cao hơn Seoul là 17,3 lần, Tokyo là 16,1 lần và nhà ở thương mại Singapore là 13,7 lần.
Theo đánh giá của Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, chênh lệch giữa giá nhà và thu nhập của người dân ngày càng lớn, tiềm ẩn nguy cơ là suy giảm năng lực cạnh tranh quốc gia, khi mà người lao động có nhu cầu gia tăng lương liên tục để có cơ hội theo kịp với sự gia tăng của giá nhà ở.
Theo cơ quan này, sự tăng giá trên thị trường bất động sản ở các thành phố lớn sẽ không có lợi cho nền kinh tế thực. Lý do là vì sự tăng giá này không kéo theo những khoản đầu tư, xây dựng nhà cửa mới, để tạo thêm công ăn việc làm, mà chỉ là hành vi mua đi, bán lại mặt hàng đã có trên thị trường.
Cần sớm tăng nguồn cung nhà ở trung cấp, hạn chế đầu cơ
Đáng chú ý, thị trường dường như vẫn dư cung ở những phân khúc cao cấp trong khi phân khúc trung cấp vẫn thiếu hụt trầm trọng. Vì vậy, giải pháp xử lý điểm nghẽn của thị trường bất động sản là sớm tăng nguồn cung nhà ở phân khúc trung cấp, hạn chế đầu cơ vào phân khúc cao cấp.
Giải pháp này cũng giúp giảm thiểu những tác hại về gia tăng bất bình đẳng do tình trạng tăng giá nhà đất gây ra vừa qua. Lý do là vì giá nhà chủ yếu tăng ở phân khúc cao cấp, là tài sản của những người giàu trong xã hội, là những người thậm chí còn sở hữu nhiều hơn 1 ngôi nhà.
Trong khi đó, người có thu nhập trung bình và thấp khó có cơ hội sở hữu nhà, khả năng mua nhà của họ lại càng xa vời khi giá nhà tăng cao như hiện nay.
Có biện pháp ổn định cung cầu vàng, xử lý hành vi đầu cơ
Cùng với thị trường nhà ở, biến động giá trên thị trường tài sản đối với mặt hàng vàng trong các tháng đầu năm cũng được đánh giá là diễn biến khó lường.
Bình quân 4 tháng đầu năm giá vàng đã tăng trên 20,75%, khiến cho chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế duy trì ở mức cao. Thậm chí có thời điểm giá vàng tăng mạnh, biến động lên tới 1 triệu đồng/lượng chỉ sau một đêm.
Theo Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, thực trạng trên sẽ tạo môi trường cho hoạt động đầu cơ, kiếm lời, buôn lậu vàng qua biên giới, tạo nên tâm lý mua vàng dự phòng của người dân.
Vì vậy, trong quản lý thị trường vàng, bên cạnh việc giảm chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới, cần giảm biến động giá vàng. Giải pháp tập trung là nhanh chóng ổn định cung cầu thị trường vàng, từ bảo đảm giao dịch thực tế cho đến xử lý hành vi đầu cơ, gây rối loạn thị trường.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận