Kỳ 1: Mua đất nuôi cò
Phóng to |
Bà Láng có chiều cao vượt trội so với chồng và con trai - Ảnh: V.Tr. |
Con đường đê ven biển Bạc Liêu dẫn về xã Vĩnh Hậu A mùa này nắng như thiêu đốt. Những đầm nuôi tôm bên đường cạn trơ đáy, nứt nẻ. Một trong số cả trăm căn nhà lụp xụp nhỏ xíu ven đường là nơi vợ chồng ông Lê Văn Sụa (63 tuổi), bà Trần Thị Láng (60 tuổi) và bốn người con trai tá túc.
Mẹ và 4 đứa con 2m
Vợ chồng ông Sụa có tới tám người con, bốn trai và bốn gái. Hai người con trai và hai người con gái giống ông Sụa, chỉ cao khoảng 1,6m. Số còn lại thì đều có chiều cao “khủng” trên 2m.
Hỏi tên những đứa con “khổng lồ”, bà Láng kể vanh vách: “Hai đứa con gái là Lê Thị Ánh Hồng (40 tuổi) và Lê Thị Bé Thu (24 tuổi), hai thằng con trai là Lê Văn Lắm (34 tuổi) và Lê Văn Lem (32 tuổi)”.
Hai người con gái lớn của họ có chồng cất nhà ở ven đê gần đó. Căn nhà ông Sụa đang ở là nhà tình thương được địa phương cấp đất, còn phần nhà do một nhà hảo tâm hỗ trợ.
Mái nhà lợp bằng fibrô ximăng, hai bên vách lại làm bằng tôn nên lúc nào cũng nóng hầm hập như lò bánh mì. Nhà chỉ có một bộ ván nhỏ bằng gỗ tạp, không có cái ghế nào để ngồi. Bà Láng bị bệnh nằm co ro, ho sù sụ. Ông Sụa và đứa con trai thứ sáu húp xì xụp tô mì ăn liền.
Chúng tôi cảm thấy nhói lòng khi nghe bà Láng bảo đang mang trong người cả chục loại bệnh mà người giàu cũng sợ như: thiếu máu cơ tim, cao huyết áp, đau khớp, tim, thận... Ông Châu Thanh Sang, chủ tịch UBND xã Vĩnh Hậu A, cho biết do ông mới được chuyển về xã nên chỉ biết hộ ông Sụa và bà Láng thuộc diện hộ nghèo chứ không biết tường tận hoàn cảnh sống của họ. Mấy lần huyện về tư vấn, tập huấn cho hộ nghèo học nghề, giải quyết việc làm thì ông không thấy gia đình “người khổng lồ” này tham dự. “Tới đây chúng tôi sẽ tìm hiểu kỹ để có kế hoạch hỗ trợ gia đình ông Sụa” - ông Sang nói. |
Lúc ông Sụa dìu bà Láng trở lại bộ ván sau trận ho dữ dội, chúng tôi mới có dịp chứng kiến bà cao hơn ông nhiều.
Nghỉ một lúc, bà Láng vừa thở dốc vừa kể cho chúng tôi nghe mối lương duyên của hai vợ chồng bà cách đây hơn 40 năm.
Từ nhỏ bà Láng đã thừa hưởng gen của ông nội nên càng lớn càng cao như cây sào. Năm lên 18 tuổi bà đã cao trên 2,1m.
Với chiều cao quá khổ này, bà không nghĩ là mình sẽ lấy được chồng vì ở địa phương không có người con trai nào cao tới 1,8m.
Cuộc sống của gia đình bà Láng vốn nghèo khổ nên hơn 10 tuổi đã phải tập tành làm thuê, làm mướn kiếm sống chứ không được đến trường ngày nào.
Năm bà Láng 21 tuổi thì cha mẹ thông báo có người làm mai mối gả bà cho ông Sụa ở cùng xã.
“Ngày xưa lấy vợ gả chồng đều do mai mối. Cha mẹ bảo sao thì cứ gật đầu như vậy. Đến khi gặp thì thấy ổng nhỏ xíu con hà. Thấy ngại nhưng tui cũng không phản đối bởi nghĩ đó là duyên phận” - bà Láng kể.
Còn ông Sụa kể ban đầu thấy vợ quá cao nên cũng giật mình, tự ti một chút, nhưng về sau thấy cũng bình thường, không còn mặc cảm nữa.
Bà Láng kể: “Hai vợ chồng lấy nhau chẳng có tấc đất làm ăn, không có nghề ngỗng gì, cứ đi làm mướn kiếm tiền mua gạo như hồi chưa gặp nhau. Vậy mà những đứa con cứ lần lượt ra đời”.
Cũng vì vợ chồng ông Sụa quá nghèo mà cứ sinh con hoài nên khi đứa thứ tư ra đời thì họ thật sự kiệt quệ, đến gạo cũng không có mà ăn.
Bôn ba mua gánh bán bưng, làm mướn khắp xóm vẫn không đủ nuôi con nên bà Láng đề nghị hai vợ chồng đi... bán máu kiếm thêm tiền.
Bà Láng rơm rớm nước mắt: “Hồi đi bán máu thì tui chỉ mới hai mươi mấy tuổi. Coi khỏe như trâu nhưng bác sĩ bảo phải hai tháng mới được bán một lần. Chỉ mình ổng làm đúng vì sức khỏe không tốt. Còn tui tháng nào cũng phải đi bán máu mới có thêm ít tiền. Để qua mặt bác sĩ, tui mượn cái đuôi giấy căn cước của đứa em gái nộp cho bệnh viện”.
Cũng vì bán máu quá nhiều nên không ít lần bà Láng ngất xỉu trên đường về nhà. Sau khi bán máu xong, bệnh viện ở Bạc Liêu trả tiền mặt và cấp tem phiếu mua thịt, sữa, đường... để bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe.
Thế nhưng họ đều đem bán hết để lấy tiền mua gạo. Mãi tới năm 40 tuổi bà Láng mới bỏ “nghề” đi bán máu nuôi con vì lúc này sức khỏe đã suy giảm rất nhiều.
Chị Lê Thị Ánh Hồng (con gái ông Sụa) và anh Lê Văn Lem (bìa trái) cao hơn rất nhiều so với đám bạn cùng xóm - Ảnh: V.Tr. - tư liệu gia đình |
Cơm ngày hai bữa không đủ
Hiện cả bốn người con gái của họ đều có gia đình, sống riêng. Điều đặc biệt là chồng của chị Hồng và Thu cũng chỉ cao chừng 1,6m.
Bốn người con trai của họ vẫn còn độc thân, riêng anh Lê Văn Lắm bị bệnh về sức khỏe tâm thần nên cứ bỏ nhà đi biệt tăm. Có khi một tuần về nhà một lần, nhưng có khi 2-3 tháng mới thấy mặt.
Nhắc tới con, ông Sụa thở dài: “Riết rồi cũng không còn ai quan tâm nó đi đâu, sống thế nào. Nhà không có nước xài, phải đi đổi 10.000 đồng/đôi. Ba thằng con trai đi làm mướn ngoài biển, hôm nào nhiều cá thì được chia nhiều. Họ được 1 triệu đồng thì con tui được chia 100.000 đồng. Hôm nào thất thì trắng tay”.
Do bà Láng thường bị bệnh, các con trai làm không có tiền nên vợ chồng ông Sụa phải thường xuyên đi mượn nợ mua gạo, mua thuốc chữa bệnh. Đến năm 2013, số nợ của gia đình này đã vượt qua con số 20 triệu đồng và ngày càng tăng thêm do “lãi mẹ đẻ lãi con”.
Bà Láng nhìn ra cửa nói giọng buồn buồn: “Năm rồi có người quen giới thiệu, bảo vợ chồng tui gả con gái út Lê Thị Bé Thu lấy chồng Trung Quốc thì sẽ được 20 triệu đồng trả nợ. Tui nghĩ con gái lớn lên phải lấy chồng. Nếu nó có chồng mà giúp được cha mẹ phần nào thì tốt quá nên đã đồng ý gả”.
Ông Sụa lục lọi trong tủ lấy ra tấm hình anh Lê Văn Lem chụp chung với đám bạn ra để diễn tả chiều cao chị Bé Thu: “Con tui cao ngang ngửa với thằng Lem, tức cỡ 2,2m. Còn chồng nó chỉ cao chừng 1,6m giống như tui vậy đó. Họ đồng ý đưa 20 triệu đồng mà phải đưa mấy lần mới đủ. Giờ chỉ còn nợ có mấy triệu tiền lãi thôi”.
Ông Sụa thở dài: “Lâu lâu con gái gọi về thăm thì biết là con mình còn sống. Vậy thôi”. Cả ông Sụa và bà Láng đều rất buồn nhưng vì cuộc sống khó khăn đành phải chấp nhận xa con.
Khi chúng tôi đến thăm gia đình chị Lê Thị Ánh Hồng (cao trên 2m) ở cạnh đê biển thì chị liền tất tả rời khỏi nhà, không chịu nói gì.
Anh Lê Văn Sáu giải thích chị Hồng mặc cảm với chiều cao của mình, ít tiếp xúc với người lạ. Anh Sáu hiện đã bước sang tuổi 30 nhưng chưa dám mơ ước riêng cho mình điều gì.
Hỏi chuyện này, anh gãi đầu rồi đáp lí nhí: “Cũng không biết nữa” rồi vụt chạy ra biển tiếp tục công việc làm mướn buổi chiều.
Ông Sụa bảo anh Lê Văn Lem và Lê Văn Bảy thì ở luôn ngoài biển đến tối mới về. Ba đứa con trai thương cha mẹ già yếu, cố gắng làm thuê quần quật nhưng cũng chẳng đủ để cả nhà được ăn cơm ngày hai bữa, không đủ để nghĩ đến chuyện đưa mẹ đến bệnh viện. Bốn người con gái của họ đã lập gia đình riêng nhưng cuộc sống rất khó khăn, không thể lo cho cha mẹ được.
_________________
Bị thương mất cánh tay phải, thế nhưng chỉ với một tay còn lại ông cũng đủ khả năng làm cây đàn ghita phím lõm cất lên những tiếng nhạc mùi mẫn.
Kỳ tới: Thầy đờn một tay
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận