Theo các chuyên gia, cơ chế giá điện hai thành phần được hiểu là bao gồm giá "công suất" và "điện năng". Có nghĩa, trong hóa đơn tiền điện sẽ hiển thị hai thành phần tính giá điện gồm giá công suất, được khách hàng đăng ký theo "gói công suất" gắn với nhu cầu sử dụng.
Thành phần thứ hai là giá điện năng gắn với lượng điện thực tế sử dụng. Cơ chế giá điện hai thành phần vì thế được ví giống với gói cước viễn thông mà hiện các nhà mạng đang áp dụng.
Lợi cho ngành điện, người dùng tiết kiệm được hóa đơn phải trả
Trả lời riêng Tuổi Trẻ Online, lãnh đạo Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho hay cơ chế giá điện hiện chỉ áp dụng một thành phần điện năng (đồng/kWh). Vì vậy chưa tạo ra giá bán điện phản ánh đúng chi phí mà người sử dụng điện gây ra cho hệ thống điện.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy hầu hết các nước trong khu vực và trên thế gới đều áp dụng giá điện hai thành phần. Vì vậy, việc áp dụng thêm giá công suất (đồng/kW hoặc đồng/kVA) sẽ làm cho khách hàng phải luôn quan tâm đến chế độ sử dụng điện để giảm hóa đơn tiền điện mà họ phải trả.
Việc áp dụng cơ chế này cũng giúp tăng hiệu quả huy động các nguồn điện, khuyến khích khách hàng sử dụng điện, tiết kiệm được hóa đơn tiền điện. Cơ chế này cũng giúp giảm việc đầu tư công suất nguồn và mở rộng lưới điện. Điều này đem lại lợi ích cho cả khách hàng và đảm bảo thu hồi được chi phí đầu tư của ngành điện.
Tính toán từ biểu thức định giá điện hai thành phần chỉ ra, nếu hệ số sử dụng nguồn điện, hệ số phụ tải (mức độ sử dụng, mức độ khai thác thiết bị điện trong thời gian nhất định) càng lớn thì giá điện bình quân mà người tiêu dùng phải trả sẽ càng giảm và ngược lại.
Ví dụ từ khách hàng sử dụng cấp điện áp từ 110kV cho thấy với khách hàng A có tổng điện năng tiêu thụ 2,7 MWh, khách hàng B tổng tiêu thụ 7,5 MWh. Cả hai khách hàng này cùng áp dụng mức giá điện bình quân 1.364 đồng/kWh và sử dụng Pmax (công suất sử dụng lớn nhất) là 2MW.
Kết quả, khách hàng B có tổng thời gian sử dụng lớn hơn thể hiện qua hệ số phụ tải cao hơn. Dẫn tới giá bình quân sử dụng điện của khách hàng B thấp hơn khách hàng A.
Vì vậy, theo lãnh đạo Cục Điều tiết điện lực, việc bổ sung thành phần giá công suất (đồng/kW cao nhất mỗi tháng hoặc chu kỳ), áp dụng cho những khách hàng lớn để khuyến khích họ giảm thiểu việc tiêu dùng điện và đầu tư của ngành điện vào giờ cao điểm.
Thí điểm cho khách hàng sản xuất, kinh doanh
Đánh giá cơ chế giá hai thành phần có "ưu thế vượt trội", nhưng để áp dụng được đòi hỏi hệ thống phải đo đếm được hai thành phần điện năng (kWh) và công suất. Như vậy cần có sự sẵn sàng của hạ tầng điện lực gồm công tơ đo đếm và truyền dữ liệu.
Theo đó, hiện các tổng công ty điện lực đã triển khai áp dụng công tơ điện tử có khả năng đo công suất và điện năng đối với hầu hết các khách hàng sử dụng điện cho mục đích sản xuất, kinh doanh (khách hàng thuộc đối tượng áp dụng giá điện theo thời gian sử dụng điện trong ngày - TOU).
Hiện cả nước đã lắp đặt hơn 523.000 công tơ TOU cho tất cả các khách hàng đủ điều kiện áp dụng biểu giá TOU như khách hàng sản xuất và kinh doanh dịch vụ. Có nghĩa, hạ tầng ngành điện đã sẵn sàng cho phép việc áp dụng biểu giá hai thành phần.
Tuy nhiên, việc áp dụng biểu giá này sẽ làm thay đổi hành vi cơ bản về tính chất sử dụng điện, tác động trực tiếp đến chế độ sử dụng điện của khách hàng, hóa đơn tiền điện và cả hệ thống điện.
Do đó, cần phải có lộ trình thử nghiệm trên giấy, công tác tuyên truyền để khách hàng hiểu rõ áp dụng và giai đoạn thí điểm thật. Việc này nhằm tổng kết đánh giá ưu nhược điểm, rút ra bài học của cơ chế mới trước khi áp dụng cơ chế/chính sách mới rộng rãi vào cuộc sống.
Bộ Công Thương khẳng định việc áp dụng thí điểm cơ chế này tới đây chỉ mang tính nghiên cứu, không ảnh hưởng đến tiền điện của khách hàng do vẫn đang áp dụng biểu giá hiện tại.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận