Muốn mua cát nhanh phải qua "cò", phải tốn "tiền cà phê", rao bán cát không hóa đơn. Thậm chí, đất bùn sình cũng tính bằng giá như cát sạch.
Tháng 6-2023, phóng viên Tuổi Trẻ đến khu vực những mỏ cát nằm ở thượng nguồn sông Hậu và sông Tiền, thuộc tỉnh An Giang. Sà lan đậu dày đặc một khu vực rộng lớn chực chờ lấy cát.
Muốn mua được cát phải chi thêm "tiền cà phê"
Đầu tiên, chúng tôi đến chợ cát nằm ven bờ sông Hậu (đoạn qua xã Phú Hiệp, huyện Phú Tân và xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang). Gọi là chợ vì nơi này luôn huyên náo cả ngày. Bên dưới sông hàng chục sà lan neo đậu, còn trên bờ giới "cò" cát cũng ra sức chào mời kiếm "tiền cà phê".
Tại khu vực này có hai mỏ cát của hai công ty T.H. và T.T., với sáu xáng cạp được cấp phép khai thác cát.
Cát tại mỏ của Công ty T.H. được chào với giá từ 90.000 - 95.000 đồng/m3, còn cát tại mỏ Công ty T.T. được chào với giá từ 100.000 - 110.000 đồng/m3...trong khi giá UBND tỉnh An Giang phê duyệt tại hai mỏ này chỉ 79.200 đồng/m3.
Trong vai người tìm mua cát san lấp công trình, chúng tôi được ông Q. (ngụ xã Phú Hiệp, huyện Phú Tân) đón tiếp.
"Giá cát mỏ này chênh lệch mỏ kia là do một bên chất lượng tốt hơn, một bên xấu hơn. Anh có bao nhiêu sà lan, cần bao nhiêu cát tôi mới giới thiệu được. Tôi kết nối giúp anh rồi anh đưa vài trăm "tiền cà phê".
Tôi không phải "cò", nếu "cò" tôi sẽ ăn theo khối lượng cát anh cần lấy. Ví dụ mỗi khối sẽ lấy của anh từ 5.000 - 10.000 đồng/m3", ông Q. nói.
Ông Q. chào thêm dịch vụ: nếu người mua cát không có sà lan, không có người bơm thì sẵn sàng giới thiệu cho Công ty N.T. ở huyện An Phú. Bởi công ty này có nhiều sà lan và đội chuyên bơm cát tận công trình.
"Giá cả có thể nhích hơn 10% so với mua cát tại mỏ này. Vì công ty sẽ bao trọn gói, từ việc mua cát đến việc lo hóa đơn", ông giới thiệu.
Tiếp tục ngược về hạ lưu sông Hậu, đoạn chảy qua TP Long Xuyên và huyện Chợ Mới (tỉnh An Giang). Khu vực này còn nhộn nhịp gấp nhiều lần, bên dưới sông có hàng trăm sà lan đậu chi chít chờ lấy cát.
Nơi này được cấp phép cho các công ty Vạn Hưng Tùng, Tấn Thắng và Xây lắp An Giang thực hiện dự án chỉnh trị dòng chảy và tận thu khoáng sản.
Không hóa đơn, được thì mua, không thì thôi!
Ông C. (ngụ TP Long Xuyên) cho biết mình là đơn vị vận chuyển, cung cấp cát đi Cà Mau phục vụ thi công cao tốc. Nhưng nhiều ngày qua giá cát biến động liên tục, từ 100.000 - 150.000 đồng/m3, tùy cát đẹp hay xấu.
"Mỏ cát nào cũng bán ra ngoài chứ không chỉ phục vụ công trình trọng điểm. Anh muốn mua cát phải thông qua quản lý mỏ để họ xếp tài. Người này sẽ điều hành sà lan lấy cát nhanh hay chậm. Đôi lúc thiếu cát, một số nhà thầu phải mua cát thêm của các anh em với giá cao gấp nhiều lần trong mỏ, khoảng 180.000 đồng/m3. Vì phải làm cho kịp tiến độ nên nhà thầu phải bấm bụng mua", ông C. cho biết.
Còn theo chủ một doanh nghiệp đang thi công đường tỉnh 948 tại An Giang, vài ngày qua buộc phải mua cát thông qua "cò" tại Tân Châu với giá 150.000 đồng/m3. Dù UBND tỉnh An Giang đã có phương án cho đơn vị được tiếp cận nguồn cát từ các mỏ, dự án nạo vét nhưng đến nay chưa có.
"Nếu không khẩn trương làm thì tiến độ đầu tư công sẽ chậm. Còn mua cát trực tiếp tại các mỏ cát thì biết bao giờ mới có. Nhiều sà lan nằm chờ, nhanh nhất cũng phải ba ngày, có khi mất cả tuần. Mua cát qua "cò" là nhanh nhất để đảm bảo tiến độ công trình" - ông T., chủ doanh nghiệp, than.
Gọi cho ông Lâm H., người quản lý mỏ cát của Công ty T.H., chúng tôi đặt vấn đề cần mua 100.000m3 cát chuyển về huyện Tri Tôn để làm công trình. Ông H. nói: "Số lượng cát không thành vấn đề. Tôi chỉ bán với giá 95.000 đồng/m3, không có hóa đơn đỏ. Được thì mua, còn không thì thôi. Anh cứ suy nghĩ đi, có gì anh gọi lại tôi".
Một doanh nghiệp chuyên xây dựng cầu đường tại TP Long Xuyên cho biết giá cát san lấp hiện nay biến động cao hơn rất nhiều so với giá được UBND tỉnh An Giang quy định. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp muốn đẩy nhanh tiến độ thi công buộc phải chấp nhận mua với giá cao.
"Trong khi hóa đơn đỏ thì ghi giá thấp. Giá cát san lấp tại các mỏ mua vào từ 100.000 - 125.000 đồng/m3 là chưa tính "tiền cà phê" này nọ cho người giới thiệu và người quản lý mỏ. Được mua cát là may mắn rồi, có người đợi cả chục ngày còn chưa có cát", vị này nói.
Bùn sình san lấp cũng có giá "cắt cổ"
Qua khảo sát, hiện nay tại các khu vực hạ lưu sông Tiền, sông Hậu như Vĩnh Long, Cần Thơ, Sóc Trăng..., giá cát xây dựng khoảng 300.000 đồng/m3. Còn cát san lấp mặt bằng có lẫn lộn bùn sình cũng có giá ngang với cát sạch.
Nhiều hộ dân đang xây dựng công trình dân dụng tại Vĩnh Long đang gặp nhiều khó khăn trong việc tìm nguồn cát san lấp. Mất gần 20 ngày mới bơm được 200m3 cát nền nhà, bà Thia (ở thị xã Bình Minh) cho biết mỗi khối cát bà phải trả đến 300.000 đồng.
Cách nhà bà Thia không xa, một hộ dân khác đã mất gần một tháng trời nhưng vẫn chưa tìm được người cung cấp 80m3 cát san lấp. Giới sà lan nhận san lấp mặt bằng cũng ra giá loạn xạ, từ 24 - 28 triệu đồng, tương đương từ 300.000 - 350.000 đồng/m3.
Ông S., chủ một sà lan chuyên bơm cát tại quận Ô Môn (TP Cần Thơ), cho biết: "Bây giờ, chỉ có cát ở An Giang, Đồng Tháp là đẹp thôi, chứ ngược xuống hạ lưu giờ làm gì còn cát. Chỉ toàn đất với bùn, bơm 100m3 thì bùn trôi hết chỉ còn 60m3".
Gian lận hóa đơn cát
Một cán bộ PC08B Công an tỉnh An Giang cho hay từ đầu năm đến nay đơn vị đã phát hiện hai trường hợp hút cát trái phép và một trường hợp vận chuyển cát có hóa đơn không hợp pháp.
"Chúng tôi phát hiện có một sà lan cát có hóa đơn, nhưng hóa đơn này do công ty không còn hoạt động xuất cấp. Trước tình trạng gian lận hóa đơn cát hiện nay, đơn vị đang tăng cường lực lượng tuần tra trên các nhánh sông Tiền, sông Hậu", vị cán bộ này nói.
Trong khi đó nói về vấn đề này, một lãnh đạo Sở Tài chính tỉnh An Giang thừa nhận việc doanh nghiệp xuất hóa đơn thấp hơn so với giá bán thực tế xảy ra rất nhiều.
"Doanh nghiệp xuất hóa đơn thấp hơn thực tế hoặc không xuất hóa đơn là hành vi gian lận. Rất khó phát hiện xử lý, trừ trường hợp thành lập đoàn thanh tra phát hiện cụ thể mới xử lý được. Sở Tài chính chỉ yêu cầu kê khai giá, còn đơn vị kiểm tra xử lý là công an và thuế", vị này nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận