Chị H.T. (32 tuổi, ở TP.HCM) mang thai bé P.K. đầu năm 2022. Sau khi sinh con được 5 tháng, bác sĩ phát hiện con chị bị xơ gan độ 3 và có chỉ định ghép gan. Gia đình đưa bé đến Bệnh viện Nhi đồng 2 với mong muốn ghép gan.
Tại đây, chị T. được các bác sĩ cho hay bệnh viện không nhận ghép gan cho trẻ từ cuối năm 2022 đến nay. Tìm đến Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, bệnh viện này cũng không nhận ghép gan cho trẻ.
Đưa con ra Bắc ghép gan
"Do không còn đơn vị nào ở phía Nam còn ghép gan, tôi bắt buộc phải đưa bé ra Bệnh viện Nhi trung ương ở Hà Nội ghép. Nhưng ghép gan không phải ra là ghép liền, còn phải chờ đợi kết quả xét nghiệm.
Các chi phí ăn uống, sinh hoạt, khám cho bé là nỗi lo lắng lớn đối với gia đình, gia đình phải tiết kiệm, vay mượn nhiều nơi. Nhiều trẻ không có điều kiện ra tận Hà Nội để ghép gan, rất đáng tiếc", chị T. cho hay.
Tuy nhiên không phải cứ ra Hà Nội là đều được ghép gan hết. Tại Bệnh viện Nhi trung ương từ năm 2005 đã tiến hành những ca ghép gan cho trẻ.
Đại diện bệnh viện cho hay ghép gan là một trong những kỹ thuật rất khó của ghép tạng, đòi hỏi khắt khe về trình độ chuyên môn và kỹ thuật, sự phối hợp giữa các chuyên gia bác sĩ nhiều chuyên ngành.
Hiện Bệnh viện Nhi trung ương đã làm chủ kỹ thuật ghép gan cho bệnh nhi, tuy nhiên khó có thể đáp ứng hết được nhu cầu của bệnh nhân hiện nay.
"Bệnh viện cũng có danh sách bệnh nhân chờ ghép, nhưng không thể đáp ứng hết được. Mặc dù đã làm chủ kỹ thuật ghép gan nhưng mỗi tháng cũng chỉ có thể thực hiện 1-2 trường hợp.
Đây không phải phẫu thuật có thể thực hiện liên tục, bởi việc ghép gan còn phụ thuộc nhiều yếu tố, tùy tình trạng bệnh nhi. Bên cạnh đó, chi phí phẫu thuật tốn kém, chăm sóc sau phẫu thuật cũng là chặng đường dài khó khăn", đại diện Bệnh viện Nhi trung ương thông tin.
TS.BS Phạm Ngọc Thạch, phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2, cũng cho biết dù trước đây bệnh viện có nỗ lực hết sức cũng chưa đáp ứng được hết nhu cầu ghép gan cho bệnh nhi, chứ chưa tính đến sau này "vì một số lý do" bệnh viện chậm ghép gan lại cho bệnh nhi.
TS.BS Trần Thanh Trí, trưởng khoa gan - mật - tụy và ghép gan Bệnh viện Nhi đồng 2, thông tin cụ thể từ tháng 10-2022 đến nay, Bệnh viện Nhi đồng 2 chưa ghép gan cho bệnh nhi nào.
Tháng 10-2022 cũng là thời điểm kết thúc hợp tác ghép gan của Bệnh viện Nhi đồng 2 với Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM.
TS Trí cho biết thêm hiện không còn cơ sở nào ở phía Nam ghép gan cho bệnh nhi, mà các bệnh nhi phải ra miền Bắc.
Không nhanh, mỗi tháng có hai trẻ tử vong
Vậy các bệnh nhi tại phía Nam mong muốn được ghép gan giờ sẽ được điều trị như thế nào? Theo bác sĩ Thạch, ngoài việc bệnh nhi phải ra phía Bắc ghép, những bệnh nhi nào thật cần thiết bệnh viện sẽ liên hệ với chuyên gia nước ngoài về ghép cho bệnh nhi, hoặc tiếp tục đề xuất từng trường hợp cụ thể cần ghép gan với Bệnh viện Đại học Y Dược để phối hợp ghép gan trên từng trường hợp cụ thể.
Ngoài ra, bác sĩ Thạch cho biết "cũng có thể hai bệnh viện sẽ xem lại việc ký kết hợp tác ghép gan cho bệnh nhi".
Nhưng để có thể tự chủ trong ghép gan, có nhiều bệnh nhi được ghép gan hơn, Bệnh viện Nhi đồng 2 vẫn đang chờ đề án thẩm định ghép tạng. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm bệnh viện chậm ghép gan lại trong thời gian vừa qua.
Bệnh viện Nhi đồng 2 vừa xây dựng hai phòng mổ hiện đại để thực hiện ghép tạng, dự kiến cuối tháng này Sở Y tế TP.HCM sẽ thẩm định. Sau khi được Sở Y tế thẩm định, bệnh viện sẽ gửi đề án đến Cục Quản lý khám chữa bệnh để thẩm định. Đề án này được thông qua, Bệnh viện Nhi đồng 2 sẽ tự chủ ghép gan.
Khi đó, các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 sẽ chủ động lấy gan cho từ người lớn và ghép cho trẻ em. Bệnh viện có thể ghép cho ba bệnh nhi/tháng thay vì chỉ được một ca/tháng như trước đó.
Theo đánh giá chung, Bệnh viện Nhi đồng 2 có chi phí ghép gan rẻ nhất tại Việt Nam. Chi phí cho một cặp ghép cả cho gan và nhận gan từ 300-400 triệu đồng, nhưng vấn đề là… phải chờ đề án được thông qua.
Tại Bệnh viện Nhi đồng 2 hiện có 70-80 bệnh nhi suy gan giai đoạn cuối chờ ghép gan. Và nếu không được ghép gan, điều đau đớn là nguy cơ mỗi tháng sẽ có hai bệnh nhi tử vong.
Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ, thời gian đầu Bệnh viện Nhi đồng 2 đã mời Bệnh viện Chợ Rẫy hỗ trợ về ghép gan cho trẻ, sau đó đã chuyển sang nhờ hỗ trợ và hợp tác ghép gan với Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM.
Theo vị này, việc thực hiện ghép tạng trên cơ thể bệnh nhi sẽ khó hơn so với việc ghép tạng ở người lớn. Để bác sĩ có thể ghép tạng trên cơ thể người bắt buộc phải học để lấy chứng chỉ hành nghề phù hợp từ một đơn vị được Bộ Y tế cấp phép trong nước, hoặc có thể học tại nước ngoài.
Bên cạnh đó, hiện nay rất thiếu nguồn tạng để cấy ghép. Theo quy định của luật hiện nay nguồn tạng ghép, đặc biệt là cho trẻ em, rất hạn chế, đa số từ người cho trong gia đình, nhưng không phải ai cũng tìm được nguồn phù hợp. Tuy nhiên nếu tìm được nguồn thì vẫn cần nơi thực hiện ghép, các thủ tục phải làm sao thật nhanh vì bệnh nhi không thể đợi dài.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận