Đã gần 21h ngày 15-10, vẫn còn rất đông phụ huynh bế con chờ đợi được tiêm thuốc, lấy ven nhưng chỉ có một điều dưỡng. Quá tải, một số phụ huynh đưa con vào phòng cấp cứu nhờ điều dưỡng phụ trách tại đây lấy ven thay
Lúc 20h ngày 15-10, khoa hô hấp 1 Bệnh viện Nhi đồng 2 chật kín phụ huynh bế con xếp hàng chờ lấy ven, tiêm thuốc.
Bên trong phòng cấp cứu, không khí càng căng thẳng hơn khi 20 bệnh nhi mắc bệnh ở mức độ nặng đến rất nặng đang được bác sĩ, điều dưỡng "căng mình" cứu chữa, điều trị.
Vội vã bế con 11 tháng tuổi vào phòng cấp cứu, đôi mắt người mẹ trẻ đỏ hoe, thất thần trước bệnh tình của con chuyển biến quá nhanh dù đã điều trị trước đó 7 ngày. Phòng cấp cứu lúc này không còn giường trống, đứa con của chị được xếp nằm chung với một bệnh nhi khác.
Bé được chẩn đoán bị viêm phổi tái phát. Chị khóc. Một phụ huynh bên cạnh động viên rồi cả hai cùng với hàng trăm phụ huynh khác tiếp tục trông nom, chăm sóc con em mình. Có phụ huynh đôi mắt thâm quầng vì nhiều đêm thức trắng. Có phụ huynh đã kiệt sức, ngủ thiếp trên thành giường.
"Các giường bệnh được đánh số từ 1 đến 4 là những bệnh nhi mắc bệnh rất nặng", điều dưỡng Huỳnh Phước Vĩnh chỉ tay về hướng các giường bệnh này nói rồi nhanh chóng đẩy máy siêu âm đến giường bệnh số 3 - một bệnh nhi gần 2 tuổi đang rất nguy kịch, cần siêu âm phổi đánh giá.
"Dâu, Dâu ngoan, đừng quấy", người mẹ vỗ nhẹ liên tục vào lưng con. Nghe bác sĩ giải thích bệnh tình của con chuyển xấu dần, chị rất lo lắng. Bác sĩ Nguyễn Quỳnh Anh trấn an và yêu cầu chị ký cam kết trước khi đồng ý cho bé thực hiện phương pháp chọc, hút dịch màng phổi. Nếu không, tình trạng của bé càng nguy kịch.
Hơn 21h, khoa hô hấp Bệnh viện Nhi đồng 2 vẫn sáng đèn. Tiếng trẻ khóc, tiếng tít tít từ các thiết bị y tế vẫn không ngừng vang. Kíp trực gồm 2 bác sĩ, 7 điều dưỡng và 1 hộ lý vẫn miệt mài làm việc quên thời gian. Ca trực của họ kéo dài 24 tiếng đồng hồ (từ 7h sáng 15-10 đến 7h sáng ngày 16-10). Dù đã thấm mệt nhưng kíp trực vẫn cố gắng chăm sóc, điều trị bệnh nhi tốt nhất có thể.
Bị sốt lúc chiều 15-10, điều dưỡng Cao Thị Tươi kịp uống thuốc hạ sốt rồi tiếp tục làm việc. Chị chia sẻ chỉ là sốt nhẹ, đang trong ca trực có số lượng bệnh nhi rất đông nên chị không thể ngừng việc. "Chị không sao. Sốt lúc chiều mà đã uống thuốc. Chị khỏi rồi", điều dưỡng Tươi nói vội rồi nhanh chóng đến một giường bệnh để thực hiện lấy đờm cho trẻ.
Điều dưỡng Huỳnh Phước Vĩnh cho hay hiện cả khoa hô hấp đang điều trị khoảng 330 bệnh nhi, trong khi công suất giường bệnh tại khoa là 217 giường, do đó có nhiều bệnh nhi phải nằm ghép hai bé trên một giường.
"Chỉ trong 2 tiếng đồng hồ mà đã có 5 trẻ cấp cứu. Tất cả đều thở oxy, NCPAP (thở áp lực dương liên tục qua mũi - PV). Nhân viên y tế chúng tôi làm việc hết công suất rồi. Mong sao các bé sớm có sức khỏe tốt nhất", điều dưỡng Vĩnh tâm sự.
Điều dưỡng Huỳnh Phước Vĩnh cùng phụ huynh giữ bé cố định để điều dưỡng Cao Thị Tươi lấy ven cho trẻ
Bệnh nhi giường số 3 mắc bệnh hô hấp nguy kịch. Các bác sĩ phải siêu âm phổi ngay trong đêm để đánh giá lượng dịch và tiến hành chọc, hút dịch màng phổi ngay sau đó
Bác sĩ Nguyễn Quỳnh Anh trấn an và giải thích cho phụ huynh về tình trạng bệnh của con em họ, trước khi đồng ý thực hiện chọc hút dịch màng phổi
Một phụ huynh bật khóc khi con bị viêm phổi tái phát dù đã điều trị 7 ngày trước đó và được xuất viện về nhà. Chị đưa con nhập viện giữa đêm. Phòng cấp cứu không còn giường trống, đứa con của chị phải nằm ghép
Nhiều phụ huynh kiệt sức đã ngủ thiếp bên cạnh giường. Có phụ huynh đôi mắt thâm quầng vì phải thức trắng đêm cùng con nhiều đêm liền
Phòng cấp cứu khoa hô hấp 1 (Bệnh viện Nhi đồng 2, TP.HCM) - nơi tiếp nhận, điều trị bệnh nhi mắc bệnh ở mức độ nặng đến rất nặng - những ngày qua luôn trong tình trạng bệnh nhi nằm kín giường bệnh. Có thời điểm quá tải, hai bệnh nhi phải nằm ghép một giường.
Đã hơn 21h ngày 15-10, nhân viên y tế khoa hô hấp 1 vẫn miệt mài xử lý hồ sơ bệnh án
Thời gian gần đây, số trẻ mắc các bệnh đường hô hấp tại TP.HCM tăng nhanh. Các bác sĩ khuyến cáo cha mẹ và người thân cần biết cách chăm sóc đúng cách để phòng bệnh hô hấp cho trẻ trong giai đoạn này như tránh tiếp xúc nguồn lây bệnh, giữ ấm đường thở cho trẻ, chú ý bổ sung dinh dưỡng để tăng cường đề kháng, vệ sinh thân thể đúng cách, đảm bảo ngủ đủ giấc...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận