Như vậy, những tranh cãi về đơn vị nào mới là chủ nhân của giải này đã chính thức kết thúc.
The Rice Trader chúc mừng Việt Nam
Trong thông cáo báo chí, ông Jeremy Zwinger chúc mừng Việt Nam và những nỗ lực đằng sau chiến thắng lịch sử của toàn thể dân tộc Việt Nam.
Đơn vị tổ chức tuyên bố gạo ST25 đoạt giải nhất gạo ngon nhất thế giới năm 2023
"Giống gạo nhận được giải gạo ngon nhất thế giới năm 2023 là gạo ST25 đến từ Việt Nam, được phát triển bởi doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí.
Ngoài ST25, không giống gạo Việt Nam nào lọt vào top 3 chung cuộc và cũng không giống gạo nào ảnh hưởng đến kết quả hội thi", ông Jeremy Zwinger nhấn mạnh.
Ông Jeremy Zwinger cho biết có nhiều yếu tố đã đưa ngành lúa gạo Việt Nam đạt vị thế mà cả hệ thống cung ứng, trang thiết bị, quy trình kiểm tra, kiểm soát chất lượng... đều đáng khâm phục.
"Với tư cách người đưa ra ý tưởng hội thi gạo ngon nhất thế giới và là người đã bỏ công sức vào việc biến nó thành hiện thực, mục tiêu của tôi luôn là công nhận sự xuất sắc trong lĩnh vực này và thúc đẩy tính trung thực.
Tuy nhiên, trước vấn đề không lường trước được mà chúng tôi phải đối mặt, chúng tôi thấy cần phải can thiệp để bảo vệ sự trong sạch của giải thưởng và khuyến khích sự xuất sắc cá nhân mà chúng tôi rất trân trọng", thông cáo báo chí nhấn mạnh.
Vì lý do trên, ông Jeremy Zwinger nhắc lại hội thi năm 2023 có sự tham dự của 30 mẫu giống đến từ nhiều nước. Một số nước gửi nhiều hơn một mẫu giống. Kết quả, chỉ có ba giống gạo vào được top 3 chung cuộc. Đó là một giống từ Campuchia, một giống từ Ấn Độ và một giống từ Việt Nam.
Ông Jeremy Zwinger cho biết giống gạo thắng giải được nhất trí chọn bởi tất cả đầu bếp tham gia hội thi. Họ được nếm thử sản phẩm từ từng loại gạo mà không biết nó là giống nào và đến từ công ty nào.
"Gia đình tôi như được minh oan"
Khi được hỏi cảm nghĩ sau khi nhận được công bố chính thức từ ban tổ chức hội thi, ông Hồ Quang Cua - nguyên phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng - cho hay rất mệt mỏi vì những tranh cãi lùm xùm mấy ngày qua.
"Giải thưởng này là cho Việt Nam, tôi rất vinh hạnh khi được đóng góp cho xã hội. Tôi chỉ mong Việt Nam có những tiêu chuẩn để sử dụng thương hiệu này một cách hiệu quả, góp phần nâng cao vị thế gạo Việt Nam trên thương trường".
Trong khi đó, một thành viên gia đình ông Cua cho biết những ngày qua rất buồn vì có nhiều tranh cãi, hiểu lầm, thậm chí còn cho rằng ông Cua và gia đình đã giành cúp về mình trong khi ban tổ chức hội thi công bố sáu loại gạo của Việt Nam dự thi đều đoạt giải nhất gạo ngon nhất thế giới.
"Bây giờ đã được minh oan. Gsha tôi và gia đình như trút được gánh nặng", một người con của ông Cua chia sẻ.
ST25 là giống gạo được phát triển bởi đội ngũ do ông Hồ Quang Cua dẫn đầu. Năm 2019, giống ST25 của ông Cua giành giải gạo ngon nhất thế giới đầu tiên cho Việt Nam.
Cần xây dựng thương hiệu gạo Việt trong một chiến lược mới
Thông cáo báo chí của The Rice Trader đã khẳng định rõ, ST25 đoạt giải thưởng gạo ngon nhất thế giới năm 2023.
Các tranh luận về giải thưởng gạo ngon nhất năm nay thuộc về ai đã đến lúc khép lại, cần bắt tay vào việc xây dựng thương hiệu gạo Việt trong một chiến lược mới. Việc tôn vinh bằng các giải thưởng gạo ngon là rất cần truyền thông, quảng bá nhưng quan trọng hơn là làm gì để Việt Nam có thêm nhiều thương hiệu gạo ngon, xứng đáng với một cường quốc xuất khẩu gạo.
Nhìn ra thế giới, các quốc gia phát triển luôn tìm cách để họ có nhiều hơn những thương hiệu nổi tiếng cùng ngành nghề. Điển hình là ngành công nghiệp ô tô Nhật Bản không chỉ có một mà hàng chục nhãn hiệu nổi tiếng thế giới như Toyota, Suzuki, Honda, Mazda, Isuzu, Nissan, Mitsubishi, Subaru...
Việc xây dựng và phát triển các thương hiệu gạo Việt cần được bắt đầu từ doanh nghiệp, sự hợp tác của doanh nghiệp và nông dân cùng với nghiên cứu của các nhà khoa học sẽ tạo ra vùng sản xuất rộng lớn. Doanh nghiệp là "mắt xích" cuối cùng trong chuỗi đầu ra của xuất khẩu gạo, hơn ai hết họ "biết mình, biết ta" trong cuộc cạnh tranh trên trường quốc tế.
Vai trò của Nhà nước có tác động to lớn trong liên kết các tác nhân trong chuỗi giá trị lúa gạo thông qua cơ chế chính sách chỉ đạo tổ chức sản xuất, điều tiết thị trường, điều hành xuất khẩu gạo. Thực tế cho thấy để giải quyết tốt khâu giống, sản xuất, chế biến, xuất khẩu gạo và nông sản trong hành trình xây dựng thương hiệu, Nhà nước đóng vai trò quyết định trong việc điều hòa lợi ích.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận