Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí đã gửi đơn đến Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) đề nghị hỗ trợ bảo vệ thương hiệu giống lúa và gạo ST24, ST25 tại thị trường Việt Nam.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Hữu Linh - tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường - cho hay tình trạng giả mạo gạo ST25 đã diễn ra tại thị trường nội địa từ cuối năm 2021.
* Thực trạng giả mạo nhãn hiệu gạo ST25 và các thương hiệu gạo của Việt Nam nói chung đang diễn ra như thế nào, thưa ông?
- Sản phẩm "Gạo Ông Cua" sau khi ra mắt thị trường đã nhận được nhiều sự chú ý, quan tâm của người tiêu dùng. Chính vì vậy, nhiều đối tượng đã và đang làm giả sản phẩm này nhằm trục lợi.
Tháng 4 vừa qua, ba đoàn kiểm tra Đội quản lý thị trường số 1, số 5 và số 15 thuộc Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội đã kiểm tra đột xuất 6 cơ sở kinh doanh gạo nằm rải rác trên địa bàn các quận Hoàng Mai, Hai Bà Trưng và huyện Hoài Đức.
Qua kiểm tra đã phát hiện và thu giữ 266 bao gạo, 3.810 tem chống hàng giả, 1.896 bao bì giả mạo nhãn hiệu "Gạo Ông Cua" và nhiều phương tiện, máy móc dùng cho việc sản xuất hàng giả.
Đây là vụ việc đầu tiên lực lượng quản lý thị trường phát hiện, xử lý đối với thương hiệu "Gạo Ông Cua". Tuy nhiên, đây không phải là vụ việc đầu tiên liên quan đến mặt hàng gạo mà lực lượng quản lý thị trường tiến hành kiểm tra và xử lý.
* Vậy cách thức, phương thức giả thương hiệu gạo hiện nay ra sao?
- Có thể khẳng định phương thức giả mạo thương hiệu các mặt hàng nổi tiếng nói chung và sản phẩm gạo nói riêng rất tinh vi và phức tạp.
Ví dụ như vụ việc vừa phát hiện trên địa bàn TP Hà Nội đối với thương hiệu "Gạo Ông Cua", nếu như không để ý người tiêu dùng rất khó có thể phát hiện và phân biệt đâu là gạo thật và đâu là gạo giả.
Bởi không chỉ giống nhau về nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam mà trên bao bì hàng hóa các chỉ dẫn về tên, địa chỉ tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa; mã số mã vạch của hàng hóa, bao bì hàng hóa của tổ chức, cá nhân; nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa hoặc nơi sản xuất, đóng gói hàng hóa giữa hai sản phẩm thật và giả bị phát hiện đều giống nhau.
Ví dụ, trên bao bì sản phẩm giả "Gạo Ông Cua" có ghi mã số mã vạch: 8938536323039, thực tế mã số được quyền sử dụng của Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí theo giấy chứng nhận số B049414 ngày 21-8-2023 là: 8938536323.
* Liệu có hay không những đường dây làm giả quy mô lớn đối với sản phẩm gạo của Việt Nam?
- Tổng cục Quản lý thị trường đang đẩy mạnh công tác rà soát, quản lý địa bàn để phát hiện, xử lý các vi phạm đối với mặt hàng gạo nói chung, đối với sản phẩm mang nhãn hiệu của gia đình ông Hồ Quang Cua nói riêng.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, tổng cục chưa phát hiện được đường dây làm giả đối với sản phẩm "Gạo Ông Cua" của Việt Nam. Đối với những vi phạm lực lượng quản lý thị trường phát hiện tại các cơ sở kinh doanh, cửa hàng có dấu hiệu nhỏ lẻ và tự phát.
Tuy nhiên, tổng cục thường xuyên có chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường trên toàn quốc chủ động rà soát địa bàn, tăng cường kiểm tra, xử lý đối với các loại hàng hóa vi phạm, nhất là trên các nền tảng thương mại điện tử.
* Ông có thể đưa ra lời khuyên về dấu hiệu nhận biết sản phẩm gạo giả nhãn hiệu, thương hiệu lớn ra sao?
- Hiện nay, một số doanh nghiệp, thương hiệu lớn tại Việt Nam đã đầu tư nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ để giúp người tiêu dùng có thể nhận diện, phân biệt các sản phẩm chính hãng trên thị trường.
Như với sản phẩm "Gạo Ông Cua" giả mạo nhãn hiệu, khi quét tem chống hàng giả bằng ứng dụng iCheck sẽ cho ra kết quả "nghi ngờ là hàng giả"; hoặc đơn vị tư nhân khác không phải là Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí.
Nếu là sản phẩm "Gạo Ông Cua" chính hãng, khi quét mã sẽ hiển thị thông tin chính hãng về sản phẩm, số lượt quét, số serial, quốc gia sản xuất và dấu hiệu xác thực.
Tổng cục Quản lý thị trường khuyến cáo các doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt các quy định pháp luật, xây dựng các biện pháp bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nhằm bảo hộ thương hiệu tại nước ngoài.
Ở trong nước cần phải đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ và hoàn thiện hồ sơ tự công bố chất lượng sản phẩm của chính mình nhằm tránh những tranh chấp không đáng có rất phổ biến hiện nay.
* Giải pháp bảo vệ các sản phẩm gạo thương hiệu riêng tại Việt Nam và ngăn chặn có hiệu quả hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng giả với mặt hàng gạo trên thị trường?
- Tổng cục sẽ tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường. Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục chính sách pháp luật cho mọi đối tượng. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp để hỗ trợ, hướng dẫn các quy trình thực hiện bảo hộ nhãn hiệu, chất lượng sản phẩm hàng hóa nhằm bảo vệ doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Theo quy định các hành vi về buôn bán hàng giả là thực phẩm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Chính vì vậy, các bên liên quan cần phối hợp tiếp nhận hồ sơ bàn giao để điều tra, làm rõ các hành vi vi phạm đối với lĩnh vực này nhằm răn đe các đối tượng vi phạm.
Trong thời gian qua, lực lượng quản lý thị trường đã tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý hàng loạt vi phạm liên quan đến mặt hàng gạo. Điển hình, tháng 7-2023, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bến Tre kiểm tra cơ sở kinh doanh gạo tại huyện Ba Tri, phát hiện, tạm giữ 52 tấn gạo trắng nhập khẩu từ Ấn Độ không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam với tổng trị giá hàng hóa 624 triệu đồng.
Cũng tại địa bàn này vào cuối năm 2022, lực lượng chức năng cũng phát hiện và thu giữ 29,5 tấn gạo nghi nhập lậu tại Ấn Độ tại huyện Mỏ Cày Nam.
Tại An Giang, Bạc Liêu, Lào Cai... lực lượng chức năng cũng đã tiến hành kiểm tra và thu giữ lượng lớn gạo không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận