29/02/2024 11:50 GMT+7

G7 tranh cãi về tài sản 300 tỉ USD bị đóng băng của Nga

Bộ trưởng Tài chính và Kinh tế Pháp Bruno Le Maire cho rằng không có đủ cơ sở trong luật pháp quốc tế để tịch thu khối tài sản 300 tỉ USD bị phong tỏa của Nga.

Bộ trưởng Tài chính và Kinh tế Pháp Bruno Le Maire - Ảnh: REUTERS

Bộ trưởng Tài chính và Kinh tế Pháp Bruno Le Maire - Ảnh: REUTERS

Các quan chức G7 đã có nhiều tranh cãi trong một năm qua để thống nhất hướng xử lý với khối tài sản bị phong tỏa của Nga ở phương Tây. Các nhà lãnh đạo G7 đặt yêu cầu đưa ra các biện pháp khả thi trước tháng 6.

Theo Hãng tin Reuters, tranh luận của các bộ trưởng tài chính G7 bên lề cuộc họp của các bộ trưởng tài chính G20 ở Sao Paulo, Brazil cho thấy vẫn còn nhiều bất đồng quan điểm cần được giải quyết.

Mỹ đưa ra ý tưởng tịch thu hoàn toàn tài sản này, nhưng các quan chức châu Âu cho rằng điều đó có rủi ro về mặt pháp lý.

Hôm 27-2, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen nói với báo giới rằng có "lý do luật pháp quốc tế, kinh tế và đạo đức mạnh mẽ" về việc thu giá trị từ tài sản của Nga.

"G7 nên hợp tác cùng nhau để nghiên cứu một số cách tiếp cận: tự mình tịch thu tài sản (của Nga), sử dụng làm tài sản thế chấp để vay từ thị trường toàn cầu", bà nói.

Tuy nhiên Bộ trưởng Tài chính và Kinh tế Pháp Bruno Le Maire ngày 28-2 bác quan điểm của Mỹ, và cho rằng không có đủ cơ sở luật pháp quốc tế để tiến hành các hành động đó. Ông cho rằng các động thái như vậy cần có sự củng cố từ luật pháp quốc tế và phải được chấp nhận bởi tất cả các thành viên của nhóm G20.

"Chúng ta không nên gia tăng bất kỳ sự chia rẽ nào giữa các nước G20", ông nói.

Ông Le Maire cho rằng riêng việc Liên minh châu Âu sử dụng lợi nhuận bất ngờ từ tài sản bị đóng băng đã đánh dấu một bước tiến đáng kể.

Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner cũng đồng tình với quan điểm của Pháp, ủng hộ việc sử dụng tiền lãi tích lũy từ các tài sản bị phong tỏa của Nga để hỗ trợ Ukraine trong xung đột. Theo ông, đây là bước đi "thực tế, an toàn về mặt pháp lý và có thể thực hiện nhanh chóng".

Washington cũng ủng hộ ý tưởng đánh thuế lợi tức phụ thu (windfall tax), nhưng cho rằng cần thực hiện các hành động quan trọng hơn do bản chất nghiêm trọng của "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Nga ở Ukraine.

Song quan điểm của bà Yellen cũng nhận được sự ủng hộ "100%" từ Canada, khi Bộ trưởng Tài chính Chrystia Freeland nhất trí về nhu cầu cấp thiết tiến tới việc tịch thu tài sản bị phong tỏa của Nga để giúp đỡ Ukraine.

Khoảng 300 tỉ USD tài sản của Nga đang bị "đóng băng" ở phương Tây, do Mỹ và các đồng minh đã áp lệnh cấm giao dịch với Ngân hàng Trung ương và Bộ Tài chính Nga, sau khi Matxcơva tiến hành "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine vào tháng 2-2022.

Nga đã nhiều lần cảnh báo sẽ "đáp trả tương xứng" nếu phương Tây tịch thu tài sản của nước này.

Nga nói cam kết của ông Macron cũng không giúp được UkraineNga nói cam kết của ông Macron cũng không giúp được Ukraine

Bộ Ngoại giao Nga nói tình hình chiến trường hiện là thảm họa với Ukraine và cam kết gửi quân của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chỉ mang ý nghĩa động viên.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên