Hành vi có đầy đủ dấu hiệu cấu thành của tội cưỡng đoạt tài sản - đó là phân tích được các luật sư đưa ra sau khi xem thông tin: "Phòng khám ép người bệnh ký gói phá thai 29 triệu đồng, chuyển khoản ngay trên giường bệnh" đăng trên Tuổi Trẻ Online sáng 21-9.
Có dấu hiệu tội cưỡng đoạt tài sản
Hành vi của nhân viên phòng khám có đầy đủ dấu hiệu cấu thành của tội cưỡng đoạt tài sản (điều 170, Bộ luật Hình sự).
Điều này thể hiện rõ từ việc trước đó phòng khám đa khoa thuộc Công ty TNHH MTV Dịch vụ y tế Y học Sài Gòn (địa chỉ số 153-155 Nguyễn Văn Cừ, phường 2, quận 5) đã thống nhất giá thực hiện thủ thuật là 2 triệu đồng.
Tuy nhiên, khi người bệnh đã nằm trên giường thực hiện thủ thuật, phòng khám lại yêu cầu tăng chi phí (lên 29 triệu đồng) và ép người bệnh phải chuyển tiền ngay.
Khi người bệnh không chuyển đủ tiền (chỉ chuyển được 9 triệu đồng), phòng khám này có hành vi giữ người khiến bệnh nhân kêu cứu.
Đây rõ ràng là hành vi lợi dụng tình trạng lệ thuộc, không thể kháng cự của người bệnh, uy hiếp tinh thần buộc họ phải đưa thêm tiền trái ý muốn, trái thỏa thuận ban đầu.
Hành vi của phòng khám đã thỏa mãn dấu hiệu cấu thành của tội cưỡng đoạt tài sản.
Đặc biệt, hành vi này của phòng khám còn thỏa mãn các tình tiết tăng nặng như phạm tội với phụ nữ có thai, có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp.
Thời gian qua cơ quan chức năng đã phát hiện xử lý nhiều vụ việc các phòng khám tư vi phạm về khám chữa bệnh, vòi tiền, vi phạm y đức, gây thiệt hại cho người bệnh. Với vụ việc cụ thể do Thanh tra Sở Y tế TP.HCM phát hiện này, cần chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra xử lý hình sự để răn đe, phòng ngừa vi phạm.
Luật sư Vũ Quang Đức (Đoàn luật sư TP.HCM)
Án tù cao nhất đến 5 năm, cần xử lý nghiêm
Ngoài dấu hiệu cấu thành của tội cưỡng đoạt tài sản, hành vi hành nghề của phòng khám (giấy phép hoạt động, chứng chỉ hành nghề, phạm vi chuyên môn...), nếu không thỏa đầy đủ các điều kiện cần thiết còn có dấu hiệu vi phạm tội danh "vi phạm quy định về khám chữa bệnh…" (theo điều 315 Bộ luật Hình sự).
Điều kiện để xử lý về tội danh này là làm chết người hoặc tổn hại sức khỏe của người bệnh hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này nhưng chưa được xóa án tích mà tái phạm.
Mức phạt tối đa cho tội danh này đến 5 năm tù. Phòng khám này còn có thể bị phạt tiền và tước giấy phép hành nghề có thời hạn.
Tình trạng các phòng khám vi phạm quy định về khám chữa bệnh diễn biến phức tạp, gây thiệt hại tài sản, sức khỏe và thậm chí tính mạng cho nhiều bệnh nhân, gây bức xúc cho xã hội.
Do đó, đề nghị Thanh tra Sở Y tế chuyển hồ sơ vụ việc vi phạm của phòng khám này cho cơ quan điều tra xử lý nghiêm.
Luật sư Bùi Quốc Tuấn (Đoàn luật sư TP.HCM)
Tôi nhận được cuộc gọi "kêu cứu"
Vụ việc này được người nhà bệnh nhân gọi điện trực tiếp cho tôi khi vừa tan cuộc họp HĐND TP.HCM ngày 19-9. Đó là một giọng rất hớt hải và ngay lập tức Thanh tra Sở Y tế phối hợp với các đơn vị quận 5 đến phòng khám này làm việc, giải cứu bệnh nhân.
Khi nghe thông tin phòng khám này yêu cầu người bệnh ký gói 29 triệu đồng mới làm tiếp, nếu không sẽ làm chảy máu nhiều, cá nhân tôi rất tức giận. Đây không chỉ là hành vi có dấu hiệu "vẽ bệnh, moi tiền", mà còn vi phạm cả về pháp luật và đạo đức hành nghề.
Hiện tôi đã chỉ đạo Thanh tra Sở Y tế làm thật nghiêm vụ việc này. Trước mắt là sẽ nhanh chóng có quyết định xử phạt trong phạm vi của mình, tức với hành vi "vẽ bệnh, moi tiền", cùng một số vi phạm khác, phòng khám này có thể bị xử phạt 120 triệu đồng và tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động khám chữa bệnh trong thời hạn 4 tháng. Chúng tôi cũng sẽ củng cố hồ sơ chuyển cơ quan điều tra xác minh, xử lý.
Ông Tăng Chí Thượng - giám đốc Sở Y tế TP.HCM
Theo Thanh tra Sở Y tế cho biết các quy định hiện hành, các hành vi vi phạm hành chính của Phòng khám Y học Sài Gòn sẽ có mức phạt tiền tối đa là 120 triệu đồng và tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động khám chữa bệnh trong thời hạn 4 tháng.
Về trách nhiệm hình sự, điều 315 Bộ luật Hình sự quy định về tội vi phạm quy định về khám chữa bệnh cũng đã ghi rõ "người nào vi phạm quy định về khám chữa bệnh, gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng trở lên có thể bị phạt tù từ 1 đến 5 năm".
Ngay sau khi Tuổi Trẻ Online thông tin vụ việc, rất nhiều bạn đọc bức xúc cho rằng đây là hành vi cưỡng đoạt tài sản và đề nghị cơ quan điều tra vào cuộc, xử lý nghiêm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận