13/07/2014 05:43 GMT+7

Eilen Vo - cầu nối Việt - Mỹ

TRẦN MAI
TRẦN MAI

TT - Quê hương, hai tiếng thiêng liêng ấy là khởi nguồn để cô gái trẻ 25 tuổi thành “người kết nối” đưa những đoàn học sinh, sinh viên Mỹ đến với Việt Nam.

Cô là Eilen Vo, đang là nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành châu Á học tại Đại học Cornell, lthaca, New York, Mỹ.

wiGJhKWK.jpgPhóng to
Eilen trên chiếc xe đạp đi như con thoi mỗi dịp về Việt Nam làm từ thiện - Ảnh: Trần Mai

Sáu năm trôi qua kể từ lần đầu tiên Eilen Vo dẫn đoàn sinh viên Mỹ đến Việt Nam, và giờ đã 31 tuổi, cô vẫn miệt mài kết nối những tấm lòng Mỹ đến Việt Nam.

“Vì đó là quê hương”

"Việt Nam mới đầu là một khái niệm mơ hồ trong các bạn trẻ ở Mỹ. Họ chỉ biết mảnh đất hình chữ S rất kiên cường và từng chiến thắng các cường quốc trong chiến tranh vệ quốc, ngoài ra họ chẳng biết gì nhiều"

EILEN VO

Giữa tháng 7 nóng bức, gặp Eilen đang cùng những học sinh Mỹ bê đá xây nhà cho người dân nghèo huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi). Eilen nói tiếng Anh và tiếng Việt đều sõi như nhau nên rất dễ nhầm lẫn cô là người Việt Nam 100%. Sau một ngày mệt nhoài công việc, liên tục chạy đi chạy lại như con thoi để cùng làm và quản lý hai nhóm học sinh Mỹ đang làm nhà cho người nghèo tại hai xã Phổ Thạnh và Phổ Châu, Eilen gần như hết hơi. Eilen lại lo chỗ tắm cho các bạn học sinh Mỹ, rồi cô xuống bếp nấu ăn. “Thức ăn Việt Nam không hợp với khẩu vị các bạn, mình phải nếm trước và chế biến lại cho phù hợp” - Eilen nói. Gần như không có thời gian nghỉ, 19g mà trán cô vẫn còn lấm tấm mồ hôi.

Eilen kể cô sinh ra tại xã Phổ Quang, huyện Đức Phổ, quê hương là những gì đó rất mơ hồ trong trí nhớ mỏng manh của một đứa trẻ. Cô chỉ nhớ quê hương có hàng cây dài chạy dọc bờ cát trắng, buổi chiều cô hay ra biển xem cha mẹ kéo lưới. Năm 1987 cô theo gia đình sang định cư tại Canada. Đến năm 21 tuổi, Eilen cùng gia đình về quê ăn tết. Lần trở lại quê hương ấy đã để lại trong cô nhiều suy nghĩ. Mảnh đất Phổ Quang sau 17 năm vẫn còn quá nghèo, thiếu thốn đủ bề. Và cô ấp ủ ý định trở lại Việt Nam để làm một điều gì đó cho quê hương còn lắm gian lao. “Từ đó, nhiều ý định nung nấu cho chuyến trở về “vùng trời tuổi thơ” để giúp người nghèo” - Eilen nói.

“Cầu nối” Mỹ - Việt sẽ liên tục

Cô gái đa năng

“Eilen Vo là một cô gái đặc biệt, không chỉ là người dẫn các đoàn tình nguyện Mỹ về Quảng Ngãi xây nhà, dạy học. Sáu năm qua, cô đã góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam đến với bạn bè khắp thế giới. Thông qua những trang mạng cộng đồng, những tổ chức từ thiện cô ấy tham gia, hình ảnh của Việt Nam đã được nhiều người biết đến”.

Anh ĐẶNG MINH THẢO (phó bí thư Tỉnh đoàn Quảng Ngãi)

Năm 2008, tâm nguyện của Eilen Vo được thực hiện. Những tổ chức từ thiện tại Mỹ thu hút nhiều học sinh, sinh viên tham gia, là nơi để cô giới thiệu quê hương mình. Eilen tâm sự: “Việt Nam mới đầu là một khái niệm mơ hồ trong các bạn trẻ ở Mỹ. Họ chỉ biết mảnh đất hình chữ S rất kiên cường và từng chiến thắng các cường quốc trong chiến tranh vệ quốc, ngoài ra họ chẳng biết gì nhiều”. Cô tập hợp mọi hình ảnh, thông tin về người Việt Nam thân thiện, mến khách, hiền lành, chất phác, đất nước an toàn, chân tình để giới thiệu đến các học sinh, sinh viên Mỹ.

Hè năm 2008, cô làm trưởng đoàn cùng 14 sinh viên Mỹ đến Việt Nam. Eilen hồ hởi kể tiếp: “Mình phải viết giấy cam kết chuyến đi và liên hệ với những người bạn Việt Nam học cùng Trường Cornell về quê hương. Đó là chuyến đi của cuộc đời, bởi sự thành công sẽ có cơ hội đưa nhiều đoàn nữa về Việt Nam”. Sau chuyến đi, những ngôi nhà mới được xây, hình ảnh các sinh viên Mỹ ở Việt Nam được đăng tải lên mạng, đưa lên các diễn đàn. Nhiều sinh viên Mỹ liên hệ với Eilen để đến Việt Nam và thành điểm đến lý tưởng của các học sinh, sinh viên Mỹ. Sáu năm trôi qua, Eilen đã đồng hành đưa hơn 10 đoàn học sinh, sinh viên Mỹ đến quê hương làm từ thiện vào kỳ nghỉ hè. Eilen nói cùng lúc hai thứ tiếng. Nhờ đó, các sinh viên Mỹ cùng người dân địa phương không có khoảng cách về ngôn ngữ, bởi họ đã có “cầu nối” mang tên Eilen.

Vừa mới đưa 30 học sinh Mỹ trở về nước sau một tháng xây nhà từ thiện ở huyện Đức Phổ, Eilen lại đón thêm một đoàn nữa đến Việt Nam với 30 học sinh Mỹ. Jon Haines (Chicago) vừa đón sinh nhật tuổi 17 tại Việt Nam cười rất tươi, hồ hởi nói: “Nhờ có chị Eilen mà mình mới có chuyến đi thú vị này. Mình rất thích thú vùng đất này, mệt nhưng vui. Nhất định mình sẽ trở lại đất nước các bạn”.

Từ một lời giới thiệu, Việt Nam giờ trở thành điểm đến thường niên của học sinh, sinh viên Mỹ. Có những sinh viên sau khi đến Việt Nam đã mến yêu, trở lại lần nữa. Andy Melo, người có mặt trong chuyến đi đầu tiên cùng Eilen đến Việt Nam, giờ là bạn đồng hành của cô mỗi dịp hè. Andy tâm sự từng đến nhiều quốc gia làm từ thiện, tuy nhiên rất ít khi trở lại những nơi đó. “Nhưng Việt Nam là đất nước kỳ lạ bởi mình không thể quên được những đôi mắt trẻ em ở đây. Mình bị ám ảnh và phải trở lại” - Andy cười tươi.

Sáu năm, gần 50 ngôi nhà cho những hộ dân nghèo Quảng Ngãi đã được xây dựng, hàng trăm đứa trẻ được học tiếng Anh, với Eilen đó là niềm hạnh phúc lớn nhất. Eilen cười tươi: “Dự định nhiều lắm, trước tiên phải hoàn thành luận án tiến sĩ rồi tính tiếp. Nhưng nhất định hè năm sau sẽ trở về quê hương”.

TRẦN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên