Cần làm gì để ngăn chặn ngoài chuyện xử phạt hành chính?
Muôn kiểu chiếm dụng đường sá
Khi xem những clip trải thảm tập yoga, nhảy thể dục nhịp điệu giữa đường chúng ta rất dễ bức xúc vì những hình ảnh này… quá nổi bật. Nhưng trên thực tế có vô số kiểu chiếm dụng lòng lề đường cũng phản cảm không kém.
Đã xác định danh tính 5 phụ nữ nhảy múa trước đầu ô tô ở Đà Lạt
Có thể thấy ở phố phường khắp nơi dựng rạp đám tiệc ở lòng đường, hè phố, đậu xe chắn lối ra vào của người khác, bán hàng rong, người chạy bộ và đạp xe đôi khi cũng dàn hàng ngang cản trở giao thông…
Phụ huynh thản nhiên dừng xe giữa đường để vào trường đón con hoặc dừng xe trên đường trò chuyện với người quen cũng gây cản trở trên đường.
Còn ở nông thôn như quê tôi, mùa lúa này đường sá trở thành nơi phơi lúa, phơi rơm. Điều đáng nói, để tránh người khác chạy xe vào chỗ phơi họ còn dùng gạch, gỗ, đá... chắn lối rất nguy hiểm cho người đi đường.
Trên các cung đường đẹp, chúng ta cũng dễ dàng bắt gặp những hình ảnh nhiều người dừng xe giữa đường để chụp ảnh, lại có những vụ trải chiếu hoặc dừng xe nghỉ trên làn khẩn cấp ở đường cao tốc…
Có thể thấy rằng rất nhiều người biến đường giao thông thành sân nhà mình. Càng về sau sẽ càng biến tướng khi đường sá trở thành "sân diễn" để quay clip.
Xử phạt hành chính: quá nhẹ!
Vì sao ngày càng nhiều những clip kiểu đổ ra đường nhảy nhót, múa hát, tập yoga, chụp ảnh? Có phải những người này không hiểu luật hay vì lý do nào khác?
Trước hết có thể thấy đây là cách "câu like" tăng tương tác, lượt theo dõi, đánh bóng tên tuổi trên mạng xã hội để bán hàng, bán khóa học... Ví dụ trong trường hợp của phòng tập yoga, chụp ảnh cưới của một TikToker…
Từ người lớn tuổi đến trẻ em, những người thích thể hiện chọn cách "ăn theo" các trào lưu đang được "khích lệ" trên mạng xã hội.
Ví dụ, trong clip các phụ nữ trung niên nhảy dân vũ giữa đường hay clip trẻ em nhún nhảy ở ngã tư… những kiểu ham vui với chuyện dị thường đang cổ xúy, trầm trồ chuyện này.
Những người biểu diễn ngoài đường kia họ hiểu Luật Giao thông không? Tôi tin là hiểu nhưng họ phớt lờ có lẽ vì thấy nhiều kiểu chiếm đường chưa bị phạt hoặc phạt hành chính mức nhẹ.
Việc quay lại clip, chụp hình ảnh để đăng lên các nền tảng mạng xã hội hiện nay quá dễ dàng, ai cũng có thể làm được. Có lẽ vì thế mà hết clip này đến clip khác xuất hiện.
Những vụ tập yoga, nhảy múa giữa đường như "giọt nước tràn ly" cảnh báo mức độ gây hại từ những hành vi trên là chiếm dụng đường giao thông làm việc riêng. Việc này có thể gây ra nhiều hậu quả đáng tiếc nếu tiếp tục tái diễn.
Sớm ngăn chặn trào lưu lập dị
Vụ việc ở Hải Dương bị khởi tố, bốn người liên quan đến clip đoàn xe sang đón dâu, dừng lại giữa đường chụp hình bị bắt tạm giam. Cái giá phải trả, một kết cục đắng nghét cho những ai xem thường pháp luật.
Vừa rồi dư luận cũng bức xúc với câu chuyện nhóm người dừng xe để chụp ảnh trên cầu Thanh Trì (Hà Nội). Và nhiều video clip ghi hình những tiết mục "biểu diễn" giữa đường bất chấp pháp luật và nguy hiểm.
Bất cứ hành vi nào "lệch chuẩn", tạo nên nguy cơ tai nạn cho người đi đường và chính chủ thể cần phải xử lý đến nơi đến chốn. Từ đó ngăn chặn tình trạng bắt chước, hùa theo.
Đời sống xã hội ở bất kỳ quốc gia nào cũng khó tránh khỏi vấn nạn thích làm nổi, cố tình gây sự chú ý bằng những cách làm lập dị, không giống ai. Thế nhưng, trong muôn ngàn phương pháp để tự đưa mình lên sẽ không có chỗ cho thói ích kỷ buộc nhiều người phải đứng chờ mình thể hiện.
Người đi đường đã nhường nhịn nhưng luật pháp cần xử nghiêm. Thói xấu, dị hợm dù mới manh nha hình thành cần kiên quyết loại trừ, không để lây lan thành dịch.
Trước pháp luật mọi người đều bình đẳng. Những hình ảnh chướng tai gai mắt phải bị xóa sạch cả ngoài đời lẫn trên không gian mạng, không thể chấp nhận chuyện dị trong thời đại "sống, làm việc theo hiến pháp, pháp luật".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận