Nếu so với vi phạm vượt trần đã bị phát hiện và xử lý mà ở đó cán bộ ngân hàng (NH) dùng “tiền túi” để trả cho người gửi tiền thì cách làm trong nghi vấn vượt trần này khá bài bản.
Nghi vấn vượt trần này như thế nào? Các NH đã huy động vốn kỳ hạn một ngày, gửi hôm trước hôm sau đáo hạn, lãi suất 14%/năm đúng theo trần, hôm sau tiền lãi được nhập vào vốn để gửi kỳ hạn mới. Với cách trả lãi hằng ngày và nhập vào vốn để gửi tiếp, tiền lãi thực trả cho số tiền gửi ban đầu cao hơn trần lãi suất.
Thế nhưng, ý kiến khác lại cho rằng đó là suy diễn. Bởi nếu tính như những người cho là có vi phạm thì đâu chỉ huy động một ngày mới vi phạm mà các kỳ hạn gửi ngắn hạn cũng đều dẫn đến vượt trần lãi suất. Ví dụ huy động kỳ hạn một tuần, hết một tuần được trả lãi, lấy lãi nhập vốn gửi tiếp tuần mới... Tương tự, kỳ hạn 1 tháng, 2 tháng, 3 tháng..., thậm chí 6 tháng, nếu đáo hạn nhập tiền lãi vào vốn để gửi kỳ hạn mới thì lãi suất thực nhận cả năm cũng vượt trần lãi suất.
Những NH huy động kỳ hạn một ngày nói rằng họ sẽ sai nếu NH Nhà nước quy định nhiều trần lãi suất. Ví dụ kỳ hạn dưới 1 tháng trần lãi suất là 13%/năm, 3 tháng trở lại là 13,5%/năm, 12 tháng là 14%/năm... Nay NH Nhà nước chỉ quy định một trần lãi suất 14%/năm cho tất cả các kỳ hạn thì họ có quyền áp dụng trong khung này.
Chưa rõ NH Nhà nước xử lý tình huống này thế nào nhưng từ đây tiếp tục lộ ra những hạn chế của giải pháp hành chính về trần lãi suất. Nhìn lại ba năm áp dụng trần lãi suất thì đây chỉ là một trong nhiều chiêu lắm cách mà NH nghĩ ra để trả lãi cao hơn cho người gửi tiền nhằm thu hút vốn. NH Nhà nước đã bao lần phải rào chắn, bịt các kẽ hở để ngăn chặn tình trạng vượt trần lãi suất huy động. Cuộc đuổi bắt này chưa có hồi kết, cứ như yêu tinh, chặt đầu này mọc đầu khác.
Chẳng phải quy định của NH Nhà nước không chặt mà do thị trường đang vận động nhưng bị gò ép bằng quy định hành chính, vì thế những thành viên tham gia thị trường phải linh hoạt, sáng tạo để thích nghi. Nhưng sao cứ phải bắt nhau “sáng tạo” bất đắc dĩ, như thế chỉ làm khổ nhau. NH Nhà nước và NH thương mại mệt mỏi nhưng người đi vay tiền mới là nạn nhân của cuộc đuổi bắt này. Sao không thử áp dụng giải pháp khác hoặc kết hợp với nhiều giải pháp, đặc biệt chú trọng giải pháp thị trường mà NH Nhà nước có sẵn công cụ trong tay.
Chẳng ai muốn NH Nhà nước có thêm quyết định đình chỉ, miễn nhiệm chức vụ giám đốc của cá nhân, hoặc không cho NH mở mới điểm giao dịch. Điều mà cộng đồng doanh nghiệp mong mỏi đó là NH thôi “sáng tạo bất đắc dĩ”, chấm dứt đuổi bắt để có thể giảm nhanh lãi suất cho vay. Nơi có thể chấm dứt cuộc đuổi bắt này là NH Nhà nước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận