12/02/2023 11:59 GMT+7

Đừng nóng khi trẻ hiếu động

Con trẻ hiếu động, nghịch quá đà ở chốn công cộng hay trong lớp học có thể khiến phụ huynh đau đầu.

Minh họa ĐẶNG HỒNG QUÂN

Minh họa ĐẶNG HỒNG QUÂN

Và sẽ không bao giờ là quá thừa khi trong cẩm nang làm cha mẹ, chúng ta cần chuẩn bị đáp án cho câu hỏi: con trẻ quá hiếu động, người lớn nên ứng xử thế nào?

Con hiếu động không chịu ngồi yên

Con tôi là một đứa trẻ 4 tuổi rất hiếu động, cu cậu chưa từng ngồi yên một chỗ 5 phút. Đã rất nhiều lần tôi phải vừa mệt mỏi trông cậu con chạy nhảy lung tung trong quán cà phê, nhà hàng, khách sạn, chùa chiền, sân… vừa phải xin lỗi những người khác bị ông con này "quấy rầy" cũng vì cái tính hiếu động ấy.

Và cũng không biết bao nhiêu lần tôi phải bồi thường thiệt hại khi dẫn con vào các trung tâm thương mại, cái tính hiếu động của con đã gây ra đổ vỡ gì đó tại các quầy hàng.

Không ít lần tôi ngồi cùng bạn bè mình. Con của họ không hiếu động như con tôi, tuy nhiên bọn trẻ lại la khóc ầm ĩ, hoặc mè nheo khi những đòi hỏi kiểu trẻ con không được ba mẹ đáp ứng. Tất nhiên là buổi gặp mặt của người lớn cứ gián đoạn cùng những mong muốn đủ kiểu của các đứa trẻ này.

Tôi từng ước con mình điềm đạm trở lại, bớt tính hiếu động đi. Đến khi tiếp xúc thêm với nhiều đứa trẻ tuy "chịu" ngồi yên cùng cái ti vi hay điện thoại, lại có những cá tính khác giống hệt nhau, đủ khiến ba mẹ phải mệt mỏi huống gì người ngoài.

Tôi biết mình đã mong ước điều vô lý. Con trẻ sẽ không ngồi yên như ba mẹ chúng mong muốn được, thế giới của trẻ con khác hẳn với chúng ta.

Cần thấu hiểu cho trẻ

Có ý kiến cho rằng quán xá có thể từ chối phục vụ những đứa trẻ nghịch phá hiếu động quá mức. Cũng có ý kiến trách những vị phụ huynh "không biết dạy con" nên để trẻ gây ra những phiền toái nơi công cộng, tôi nghĩ đây là ý kiến quá khắt khe và thiếu sự đồng cảm.

Không phụ huynh nào muốn con mình làm phiền người khác, và họ không phải lúc nào cũng đủ thời gian để mắt đến con mình mọi lúc. Trẻ con luôn có mọi thú vui, mọi tò mò theo độ tuổi. Ai đã đi qua thời thơ ấu đều sẽ thấu cảm việc này thôi.

Tôi đã từng giận người, giận con, từ sau những hệ lụy như vậy. Nhưng sau tất cả, tôi nghiệm lại rằng, mọi sự nóng nảy, trách cứ của nhiều người lớn trong hoàn cảnh ấy, hoàn toàn vô lý với con trẻ. Người lớn không thể bắt trẻ con phải như mình muốn, nhất là khi trẻ phải ở nơi không thuộc về mình.

Tôi thấu hiểu cho con và cho cả cảm giác của người khác, nên tôi chấp nhận thay đổi. Tôi tạm gác lại việc di chuyển bằng máy bay với con vì không muốn nhiều người bị phiền vì con. Tôi cũng quyết định nói rõ lý do, để mong sự thấu hiểu từ người khác, khi từ chối họp mặt nơi mà con tôi không nên đến. Tôi chỉ chọn những quán cà phê, hoặc bất cứ nơi nào có không gian riêng của trẻ con… Và tôi thấy mình đã làm đúng.

Những ngày tụ tập, hẹn hò, chắc chắn rằng nhiều phụ huynh sẽ theo "thói quen" dẫn con tụ tập cùng bạn bè của mình, và có thể sẽ nổi nóng vì những phiền toái con trẻ có thể tạo ra trong cuộc vui. Tuy nhiên, thay vì vậy, chúng ta nên thấu hiểu cho con và cả người khác nữa trước câu hỏi đơn giản, có cần cho con theo cùng hay không?

Và ba, mẹ có thể "hy sinh" những điều nhỏ nhặt như thế vì con hay không mà thôi.

Chấp nhận con là chính con

Có con quá hiếu động, hẳn ai cũng lo lắng và đôi lúc cảm thấy phiền vì những việc trẻ gây ra. Tuy nhiên, cha mẹ nên bình tĩnh để có ứng xử phù hợp. Đầu tiên, cần đưa con đi thăm khám y khoa để biết trẻ có bị tăng động giảm chú ý không. Nếu xác định con bị tăng động thì tuân thủ điều trị.

Trong trường hợp con chỉ bị hiếu động vì sở thích khám phá, tò mò, cha mẹ đừng quá lo lắng. Khi cho trẻ đến nơi công cộng cần có sự giám sát con chặt chẽ, đồng thời tìm cách gây chú ý cho con bằng các đồ chơi mang theo hoặc những câu chuyện khác mà trẻ quan tâm.

Thực ra, với những trẻ hiếu động, nếu càng bắt trẻ ngồi im, càng cấm đoán, các con sẽ càng bị kích hoạt năng lượng để trở nên hiếu động hơn. Thay vào đó, việc nắm bắt sở thích và những điều có thể khiến con tập trung là nỗ lực, cũng là kỹ năng của cha mẹ, người thân trong quá trình nuôi dạy một đứa trẻ đặc biệt.

Chấp nhận con là chính con để trở thành một người cha/mẹ có trải nghiệm mới mẻ, dù hơi khó khăn. Và biết ơn con đã cho mình cơ hội tuyệt vời đó. Chỉ khi nào cha mẹ chấp nhận và thấy việc có một đứa trẻ hiếu động là một điều tuyệt vời thì mình mới đủ tâm sức để cùng con lớn lên từng ngày.

Có một cuốn sách mà tôi nghĩ tất cả cha mẹ có trẻ hiếu động nên đọc, đó là Totto-chan bên cửa sổ. Những câu chuyện nguyên mẫu về Totto-chan trong tác phẩm này mang thông điệp về sự chấp nhận con và kiên nhẫn cùng con để có thể giúp con trưởng thành.

ThS tâm lý VÕ HỒNG TÂM

Khi trẻ quá hiếu động, ngỗ ngượcKhi trẻ quá hiếu động, ngỗ ngược

TT - Cha mẹ bé Đ.T. (Q.3, TP.HCM) rất khổ sở về nhiều biểu hiện của con trai mình. Dường như bé không thể ngồi yên, tập trung hoàn thành hoạt động nào đó, lại thường xuyên không vâng lời và chống đối những yêu cầu của người lớn.


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên