Phóng to |
Bé Nguyễn Tấn Trung Hiếu - Ảnh: tác giả cung cấp |
Con đẹp trai, thông minh, rất hiếu động, thường không tập trung bất cứ việc gì. Chân tay con hoạt động suốt ngày, đến tuổi chập chững biết đi con đã chạy rất nhanh. Từ phòng khách đến nhà bếp chỉ một đoạn ngắn thôi con cứ hùng hục cắm cúi chạy. Cả nhà mình ai cũng lo tính hiếu động đó sẽ gây ra tai nạn cho chính con. Điều gì đến cũng đến. Năm lần bảy lượt con phải vào bệnh viện để khâu, để mổ. Mẹ nhớ nhất một lần cô giáo gọi mẹ đến bệnh viện gấp. Đến nơi mẹ thấy nước mắt con ướt đẫm trên khuôn mặt tái xanh. Cô giáo bảo do con nghịch nhét ngón tay qua khe cửa sắt, một cơn gió mạnh ập đến đóng sầm cánh cửa lại và một phần ngón tay trỏ của con gần như bị đứt rời.
Những ngày sau phần thịt bị giập nát đã hoại tử, lóng tay không thể dính vào nhau và con phải cắt chỉ, nạo hết phần hoại tử. Lần này bác sĩ làm kỹ hơn và hẹn bảy ngày sau tái khám, nếu thất bại thì vĩnh viễn con mất đi một phần của ngón tay cầm bút. Con có biết thời gian đó con đau một mà lòng mẹ đau mười không? Ngày hẹn đến, mẹ hồi hộp, lo lắng và vỡ òa cảm xúc khi nghe bác sĩ thông báo ngón tay con được bảo toàn trọn vẹn. Bây giờ nhìn lại, mẹ không hề thấy vết khâu ấy, ngón tay đó thật đẹp con ạ. Rồi con lại bị thoát vị bẹn, lại bị gây mê để mổ. Mẹ lo lắm!
Con đến tuổi vào lớp 1, mẹ mong con đằm tính đi một tí nhưng con vẫn vậy, vẫn chạy nhảy để rồi va đầu vào tường và phải may mấy mũi trên mí mắt. Thấy con như vậy, ba bàn với mẹ hay đưa con đi khám xem có phải con bị bệnh tăng động giảm chú ý không. Mẹ thương con nên gạt đi, bảo tính con hiếu động lớn lên rồi sẽ hết. Một năm, hai năm trôi qua, càng lớn tính tình của con trầm đi một chút. Việc học tuy có chậm hơn các bạn nhưng con vẫn tiếp thu bài giảng của cô rất tốt.
Bây giờ con có em trai, mỗi lần em phá con, con lại quay sang bảo mẹ: “Em nghịch quá mẹ ơi”! Khi con đọc được những dòng chữ này, con sẽ hiểu ngày xưa con nghịch hơn em con rất nhiều, chàng trai hiếu động của mẹ.
* Bác sĩPHẠM NGỌC THANH (cố vấn tâm lý, khoa tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM): Phải khám tâm lý để xác định nguyên nhân Tăng động, kém tập trung là một dạng bệnh về sự phát triển não không bình thường. Ngoài ra, hành vi tăng động đó còn có thể là hành vi bề mặt của nhiều vấn đề tâm lý nên phải tìm ra nguyên nhân. Thực tế có nhiều bé tăng động là do bị lo âu, căng thẳng thần kinh từ trong bụng mẹ vì ảnh hưởng tâm lý của bà mẹ lúc mang thai. Trẻ cũng có thể bị tăng động do gặp những biến cố gì đó xảy ra trong gia đình. Ví dụ cha mẹ ly hôn; cha mẹ còn sống chung nhưng lục đục suốt cũng khiến trẻ bị tăng động, do trẻ tràn ngập sự lo âu, căng thẳng, phải sống trong môi trường không an toàn. Tuy nhiên, tăng động có thể là bệnh của não nên trẻ cần đến bác sĩ để xem có chỉ định dùng thuốc hay không. Cha mẹ khi thấy trẻ có hành vi tăng động quá mức phải đưa trẻ đến khoa tâm lý của Bệnh viện Nhi Đồng 1 hoặc Nhi Đồng 2 để được khám xem hành vi tăng động đó do nguyên nhân gì. Nếu là bệnh của não thì có thuốc điều trị. Nếu được điều trị, có bé sẽ khỏi hẳn bệnh nhưng cũng có bé bệnh sẽ kéo dài đến tuổi trưởng thành. Cha mẹ cần chú ý tạo cho trẻ một môi trường sống được an toàn. Cụ thể như không để trẻ đi cầu thang một mình; đồ chơi cho trẻ cũng như khu vực trẻ chơi phải an toàn; không cho trẻ đụng vào ổ điện, ổ điện phải để trên cao ngoài tầm tay với của trẻ, nếu ổ điện không dùng tới phải lấy băng keo dán lại hoặc ngắt điện tất cả những dụng cụ không sử dụng. Không để thuốc, các loại hóa chất độc trong tầm tay với của trẻ để trẻ không lấy được và uống nhầm; không để trẻ chạy vào bếp, cầm, với những vật dụng, thức ăn nóng, nước nóng... có thể gây phỏng. Nếu nhà gần ao, hồ càng phải chú ý không để trẻ ra gần ao, hồ một mình để tránh ngạt nước; chú ý những xô, thùng đặt ở sàn nước, nhà tắm, thau nước tắm bé, bồn tắm... đều có thể gây nguy hiểm đối với trẻ, bởi khi bé chúi đầu vào những thùng, xô này thì dù chỉ có ít nước cũng đủ làm bé ngạt. Ngoài ra, gãy xương, chấn thương phần mềm, chấn thương đầu là những tai nạn rất dễ xảy ra nếu cha mẹ bất cẩn hoặc không theo sát trẻ. |
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Bệnh tăng động giảm nhờ ánh sáng?Dinh dưỡng cho trẻ tăng động Trẻ hiếu động hay bị bệnh tăng động, giảm chú ý?Gây mê và mối liên quan với trẻ tăng động
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận