30/11/2022 09:08 GMT+7

Đừng nhẹ tay với dán, vẽ bậy

TS NGUYỄN MINH HÒA
TS NGUYỄN MINH HÒA

TTO - Không nên chỉ coi đó là hành vi vi phạm các quy định hành chính mà phải đưa vào tội phá hoại môi trường, phá hoại mỹ quan đô thị, quấy rối đời sống dân cư với khung hình phạt cao hơn.

Đừng nhẹ tay với dán, vẽ bậy - Ảnh 1.

Những hình vẽ bậy trên cổng một cơ quan tại đường Hai Bà Trưng, quận 1, TP.HCM - Ảnh: H.L.

Tại phiên họp giải trình hiệu quả quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo ngày 28-11, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ cho rằng tình trạng quảng cáo bằng tờ rơi, rao vặt, dán bậy trên các công trình diễn ra nhiều năm khiến cử tri bức xúc nhưng đến giờ này vẫn chưa thể giải quyết triệt để.

Đúng là hình ảnh TP bị rác quảng cáo rao vặt làm xấu xí rất nhiều, cứ bước chân ra khỏi nhà là thấy cơ man nào là các tờ giấy quảng cáo cỡ A3, A4 dán trên tường nhà, cột điện, cột đèn tín hiệu giao thông, tủ điện hạ thế, cầu vượt, trạm xe buýt, và cả nắp cống... cứ chỗ nào trống là có quảng cáo. Có nhiều công sở, nhà dân vừa làm xong, sơn còn mới tinh nhưng chỉ sau một đêm là quảng cáo rao vặt dán tràn ngập rất phản cảm.

Còn nhớ năm 2008, TP phát động là năm văn minh đô thị và kéo dài trong hai năm, trong đó có một nội dung là các phường làm bảng tin khu phố, chủ động mời gọi các công ty dán quảng cáo trên bảng tin đó nhưng kết quả cũng không thành công.

Thật ra việc dán quảng cáo bậy như thế là vi phạm "nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo". Điều 34 của nghị định này quy định phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng đối với hành vi treo, đặt, dán, vẽ các sản phẩm quảng cáo trên cột điện, cột đèn tín hiệu giao thông và cây xanh nơi công cộng".

Nhưng trên thực tế hầu như chưa có trường hợp nào bị xử phạt vì nhiều lý do, như người được thuê đi dán quảng cáo toàn hành sự nửa đêm về sáng, là lúc mà mọi người dân và cơ quan công quyền ngủ nên khó bắt tận tay. Trong khi đó, người có quyền xử phạt là chủ tịch UBND phường, quận nhưng các vị này thường rất bận rộn thời gian đâu mà đi rình bắt để xử phạt.

Ở các nước xung quanh như Singapore, Malaysia, Philippines coi việc dán quảng cáo, vẽ bậy là hành vi phá hoại môi trường, phá hoại đô thị với khung hình phạt rất nặng. Chẳng hạn luật của Singapore quy định bất cứ ai vẽ bậy, dán bậy ở nơi công cộng sẽ bị phạt 2.000 đô la Singapore, phạt lao động công ích từ 3 - 8 tháng; nếu dán, vẽ bậy ở các công trình quan trọng như công sở, bảo tàng, chùa chiền có thể bị phạt 3 năm tù.

Để ngăn chặn và loại bỏ hành vi này, đã đến lúc các cơ quan chức năng phải vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt, dứt khoát hơn nữa. Trước tiên phải gia tăng mức xử phạt lên cao hơn, như hiện nay là quá nhẹ chưa có tính răn đe, sau nữa phải tìm ra kẻ chủ mưu mà việc này không quá khó vì lần theo các số điện thoại là có thể tìm ra được các ông chủ của quảng cáo.

Các địa bàn cần tăng cường camera, việc truy xuất từ camera an ninh, camera các công sở, cơ quan và nhà dân sẽ tìm ra người dán, từ đó có các phương án xử lý từ phạt tiền đến bắt phải đi khắc phục hậu quả và lao động công ích.

Và cuối cùng là không nên chỉ coi đó là hành vi vi phạm các quy định hành chính mà phải đưa vào tội phá hoại môi trường, phá hoại mỹ quan đô thị, quấy rối đời sống dân cư với khung hình phạt cao hơn. Chỉ như thế mới thực hiện được mơ ước của bà chủ tịch HĐND TP là: "Điều mơ ước của tôi là ngày nào đó TP chúng ta không còn tình trạng dán tờ rơi trên các cột điện, tường rào".

Chủ tịch UBND TP.HCM chỉ đạo xử nghiêm nạn ‘vẽ bậy’ Chủ tịch UBND TP.HCM chỉ đạo xử nghiêm nạn ‘vẽ bậy’

TTO - Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường xử lý tình trạng vẽ bậy, phóng uế, xả rác… gây ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị TP.

TS NGUYỄN MINH HÒA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên