04/01/2021 10:38 GMT+7

Dung dịch sát khuẩn Anolyte của trí thức trẻ Việt 'vượt biên' qua nước bạn

QUỐC LINH
QUỐC LINH

TTO - Anolyte đã có mặt tại nhiều đồn biên phòng dọc tuyến biên giới Tây Nam, Tây Nguyên, đến nhiều tỉnh thành cả nước và... vượt biên giới qua nước bạn Lào, Campuchia như một sự chia sẻ nghĩa tình.

Dung dịch sát khuẩn Anolyte của trí thức trẻ Việt vượt biên qua nước bạn - Ảnh 1.

Dung dịch Anolyte tạo ra từ chương trình Trí thức khoa học trẻ tình nguyện được dùng sát khuẩn, phòng chống dịch COVID-19 tại một số chung cư ở TP.HCM - Ảnh: Q.L.

Có thể nói chương trình Trí thức khoa học trẻ tình nguyện lần thứ 11 là thành công nhất trong chuỗi hơn chục chương trình đã diễn ra tính đến nay. Không phải ngẫu nhiên Trung ương Đoàn trao giải thưởng Tình nguyện quốc gia năm 2020 cho chương trình lần này, công nhận những kết quả chương trình mang lại.

Câu chuyện đại dịch COVID-19 xuất hiện trong sự ngỡ ngàng của bao người, nhu cầu khẩu trang, nước rửa tay khan hiếm ngay những ngày đầu năm 2020 đã dẫn đến một kết quả đầy bất ngờ. Nhiều nhà khoa học, trí thức trẻ của chương trình đã điện phân dung dịch muối ăn di chuyển qua điện cực, tạo ra dung dịch sát khuẩn Anolyte. 

Các thông số kiểm nghiệm chứng nhận độ an toàn, dung dịch được sản xuất với số lượng lớn. Tính đến giữa tháng 12-2020, gần 200.000 lít dung dịch đã được tặng miễn phí cho hơn 5.300 đơn vị dùng sát khuẩn, thêm biện pháp phòng chống dịch.

Giám đốc Trung tâm Phát triển khoa học và công nghệ trẻ (Thành đoàn TP.HCM) Đoàn Kim Thành bày tỏ chính trong thời khắc đầy thử thách, khó khăn lại là lúc tìm ra cơ hội, thể hiện bản lĩnh, tư duy của những nhà khoa học trẻ góp mặt trong chương trình. 

Sản phẩm không chỉ dùng tại TP.HCM. Anolyte đã có mặt tại nhiều đồn biên phòng dọc tuyến biên giới Tây Nam, Tây Nguyên, đến nhiều tỉnh thành cả nước và... vượt biên giới qua nước bạn Lào, Campuchia như một sự chia sẻ nghĩa tình.

Cùng với dung dịch sát khuẩn, hàng ngàn đôi găng tay, đồ bảo hộ, khẩu trang y tế đã đến với người dân khắp nơi. Chưa kể những chiếc buồng khử khuẩn, máy rửa tay tự động và hàng trăm bộ đèn năng lượng mặt trời đã thắp sáng nhiều trạm biên phòng. 

Trung tá Lê Văn Hoàng (Bộ đội biên phòng Long An) cảm kích: "Chúng tôi có 133km dọc tuyến biên giới với Campuchia, hơn 300 cán bộ chiến sĩ trực 24/24h tại 36 chốt kiểm soát. Nhiều nơi không có điện, nhờ những đèn chiếu sáng năng lượng mặt trời mà ban đêm có thể quan sát tốt hơn, hỗ trợ kiểm soát tình trạng vượt biên trái phép khi diễn biến dịch còn rất phức tạp".

Nhưng chương trình còn mang đến nhiều câu chuyện đẹp khác. Là chuyển giao kỹ thuật chăm sóc và tặng năm đàn dê cho chiến sĩ biên phòng, bà con tại Bình Phước; là các chuyên đề khuyến nông để cùng người dân xây dựng nông thôn mới; tặng máy lọc nước cho bà con vùng hạn mặn; xây cầu nông thôn; caravan hành trình tri thức... 

Nhiều hoạt động lần đầu tiên ra đời song mỗi công trình như một sự trao gửi của bao tấm lòng muốn được sẻ chia cùng đồng bào mình ở vùng sâu vùng xa, khu vực biên giới, với ước mong góp sức giữ an ninh vùng biên.

Và không thể không nhắc những tấm lòng trân quý đã san sẻ, đồng hành suốt với chương trình như Quỹ Tâm nguyện Việt, Hội đồng hương Bạc Liêu - Cà Mau tại TP.HCM. 

"Mục tiêu của quỹ là nối vòng tay yêu thương đến cộng đồng, chương trình có nhiều hoạt động đem lại lợi ích cho xã hội. Chúng tôi nhận ra điểm chung đó nên tham gia và sẽ còn phối hợp trong nhiều hoạt động sắp tới" - bà Hồ Thị Mộng Thu (phó giám đốc thường trực Quỹ Tâm nguyện Việt) bộc bạch.

‘Xương thủy tinh’ Ngọc Tâm nhận giải thưởng Tình nguyện quốc gia năm 2020 ‘Xương thủy tinh’ Ngọc Tâm nhận giải thưởng Tình nguyện quốc gia năm 2020

TTO - Suốt 16 năm qua, cô gái xương thủy tinh Ngọc Tâm không ngừng nỗ lực vươn lên, vượt qua nghịch cảnh, đồng thời mở lớp dạy học miễn phí cho các em học sinh.

QUỐC LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên