23/04/2018 11:39 GMT+7

Đừng để ngư dân đưa ngư cụ vào bảo tàng

TẤN VŨ
TẤN VŨ

TTO - Từ những mảnh đất chỉ để làm đà kê thuyền thúng bây giờ phải tính đến tiền tỉ, hàng chục tỉ. Cơn lốc dự án, giải tỏa đền bù, phân lô bán nền khiến những làng chài trở mình không kịp.

Đừng để ngư dân đưa ngư cụ vào bảo tàng - Ảnh 1.

Ông Phan Văn Tám, tuổi ngoài 70, nhà ngay ngã tư đường Phan Bá Phiến - Hoàng Sa, TP Đà Nẵng, trước mặt ông là Nhà trưng bày Hoàng Sa mới khánh thành.

Dựng chiếc thúng chai vừa đan lỡ dở, ông vừa lắc đầu than với tôi rằng nghề đan thúng chai cho ngư dân vùng Mân Thái sớm muộn rồi cũng sẽ đưa vào bảo tàng bên cạnh.

Cơn lốc dự án, giải tỏa đền bù, phân lô bán nền khiến những làng chài trở mình không kịp.

Từ những mảnh đất chỉ để làm đà kê thuyền thúng bây giờ phải tính đến tiền tỉ, hàng chục tỉ. Mỗi mét vuông đất trên đường Hoàng Sa cuối làng này giá thị trường xấp xỉ 200 triệu. Và rồi những ngư dân ăn sóng nói gió bỗng dưng trở thành những tỉ phú, triệu phú USD.

Mân Thái là vậy, nhưng bao nhiêu ngôi làng ở Đà Nẵng được như Mân Thái, sự thịnh vượng tức thời của một làng chài không thể bù đắp được những ngôi làng khác khi đất hết, ruộng không còn, nghề nghiệp không ổn định, người già ngồi không, trẻ xa quê, làm mướn hoặc xe ôm...

Tại Quảng Ngãi, chỉ vì sốt sắng lấy đất giao cho dự án FLC Bình Châu - Lý Sơn sắp khởi công vào ngày 19-5 tới đây, ông Trần Ngọc Căng, chủ tịch UBND tỉnh này, phải có công văn "hỏa tốc" yêu cầu Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Ngãi phải dừng tất cả các thủ tục đầu tư xây dựng đồn biên phòng Bình Hải để điều chỉnh vì đồn này nằm trong dự án.

Công văn cũng "yêu cầu cả hệ thống chính trị quyết tâm đồng hành cùng doanh nghiệp..., để đảm bảo các điều kiện tiến hành khởi công dự án vào ngày 19-5-2018 theo đúng mục tiêu, tiến độ đã thống nhất giữa lãnh đạo tỉnh và chủ tịch Tập đoàn FLC".

Sự sốt sắng chưa dừng lại ở đó, UBND tỉnh này có công văn đề nghị ứng trước 500 tỉ đồng từ ngân sách cho việc bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án.

Dù đã ấn định ngày 19-5 sẽ khởi công nhưng trả lời riêng Tuổi Trẻ, ông Căng cho rằng: "Chúng tôi sẽ làm việc với Quân khu 5, làm việc với biên phòng. Nhưng chủ yếu các cơ sở của quân đội dự kiến có tác động từ dự án là trụ sở làm việc của biên phòng, chứ không phải là đồn quan sát. Cho nên hiện nay chúng tôi cũng phải đợi kết quả làm việc với Bộ Quốc phòng, rồi phải tính toán kỹ".

Dù ngày khởi công đã ấn định nhưng đến thời điểm này, việc đánh giá tác động môi trường cho một dự án lớn đến 3.800ha (giai đoạn 1: 1.243ha) bao trùm cả đảo Lý Sơn vẫn chưa hề có. Và người dân ở những làng chài ven biển Bình Sơn không thể không quan ngại khi cứ 8km mới có một lối ra biển.

Bài học "bịt" cửa biển ở Đà Nẵng, Quảng Nam đã thấm đẫm mâu thuẫn, gây bức bí cho người dân nhiều năm qua dù hai địa phương này lối xuống biển chỉ cách nhau chừng 1km.

TẤN VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên