17/12/2014 09:25 GMT+7

Đừng để bao cấp trá hình

TS LÊ HỒNG SƠN (cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp)
TS LÊ HỒNG SƠN (cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp)

TT - Câu chuyện nguyên chủ tịch TP Hà Nội tám năm không trả được nhà công vụ do vướng mắc cơ chế hay quan chức được thuê nhà với giá quá “bèo” khiến dư luận bất bình, bức xúc.

 

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết Luật nhà ở sửa đổi có quy định cụ thể về đối tượng, quyền cũng như nghĩa vụ của người thuê nhà ở công vụ.

Theo đó, cán bộ sau ba tháng rời vị trí công tác phải trả lại nhà, nếu không trả sẽ bị cưỡng chế thu hồi.

Điểm sáng trong điều khoản mới này, theo ông Nam, là đã có phương pháp tính giá nhà nước cho thuê đối với nhà công vụ. Mức giá được áp dụng là 14.000-18.000 đồng/m²/tháng.

Như vậy, một người thuê căn hộ 150m² (tiêu chuẩn với bộ trưởng) thì tốn 2 triệu đồng/tháng, phù hợp so với mức lương 14 triệu đồng của bộ trưởng.

Nhưng ai cũng biết, lương bộ trưởng và thu nhập thực tế của bộ trưởng chênh lệch rất nhiều lần. Lương chỉ là hình thức trên sổ lương, thu nhập thực tế ngoài lương còn nhiều khoản khác hiện nay chưa ai quản được.

Nói thuê nhà công vụ giá 2 triệu là phù hợp với mức lương của bộ trưởng thì không ai tin và cũng ít người đồng thuận. Đó chỉ là cách nói, phân tích đối chiếu với mức lương thể hiện trên sổ lương của bộ trưởng.

Còn thực tế, nếu tính giá thành và giá thuê của một diện tích nhà công vụ giao cho bộ trưởng để phù hợp với thu nhập thì phải tính mức khác không thể vài triệu cho 150m² mà phải gấp nhiều lần, cá biệt, có thể gấp năm, bảy lần và hơn nữa. Căn cứ vào diện tích, cơ ngơi mà quan chức được thuê với giá thực tế ngoài xã hội thì ai cũng biết gấp chục lần cũng còn rất khiêm tốn.

Người ta cũng nói một thông tin là ông Hoàng Văn Nghiên được thành phố cho thuê biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa trên thửa đất rộng 411m² với giá chỉ gần 460.000 đồng/tháng đã khiến người dân và công luận thật sự ngỡ ngàng.

Thấp đến mức phi lý, phản cảm và không ai tin được. Đây là sự bất hợp lý trong cơ chế, chính sách giá thuê nhà do chính Nhà nước đặt ra, là một sự bao cấp trá hình, bất công quá đáng mà người dân không thể chấp nhận.

Rõ ràng, những lình xình trong quản lý nhà công vụ đang ẩn chứa nhiều vấn đề, đó là sự mất chuẩn, lệch chuẩn, buông lỏng quản lý của cơ quan, người có trách nhiệm.

Đây cũng là một biểu hiện của lợi ích cá nhân, tham nhũng, lãng phí đang có chiều hướng phát triển trong một bộ phận không nhỏ cán bộ công chức có chức, có quyền.

Thực tiễn đang đòi hỏi và người dân đang bức xúc nên Quốc hội đã đưa vào Luật nhà ở mới quy định về “nhà công vụ”.

Tuy nhiên, để những quy định này đi vào thực tế đúng với mục đích, tính chất và cơ chế quản lý loại nhà này, cần phải có thêm các quy định chi tiết, cụ thể của Chính phủ và các bộ ngành có liên quan.

Trước hết, phải xác định rõ “ai” và “khi nào” được tham gia vào cơ chế ở nhà công vụ và cơ chế chính sách cụ thể đối với người thuê nhà công vụ như thế nào.

Theo đó, nhà công vụ phải từ nhu cầu thật sự và thực tế dành cho những quan chức do điều kiện phân công, luân chuyển mà không có nhà hoặc phải xa gia đình.

Đồng thời, việc xác lập cơ chế quản lý cũng như giá thuê nhà phải thật sự công bằng, công khai, minh bạch, có xem xét yếu tố giá thị trường, không thể bao cấp giá thuê như các ví dụ nêu trên.

Ngoài ra, cơ chế cũng phải định rõ trong thời gian ở nhà công vụ, người được sử dụng phải có quyền hạn và nghĩa vụ, trách nhiệm gì và khi nào thì buộc phải trả lại nhà.

Cần phải có cơ chế rõ ràng, minh bạch và kiên quyết, không để biến tướng, không để lạm dụng, tham nhũng, lãng phí diễn biến trong vấn đề này.

TS LÊ HỒNG SƠN (cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên