1. Tất nhiên, để có thể vượt qua "thói quen", "quan niệm" về quê mới có Tết hay Tết đi xa về phải tặng quà cho người thân, hàng xóm mới thể hiện được sự quan tâm, thì chính tôi từng có nhiều năm tháng vật vã vì việc đó.
Khi đủ lớn, tôi nhận ra mình làm những việc đó không phải đến từ mỗi một lý do là thương, quan tâm, mà đâu đó còn vì cái tôi, sự sĩ diện. Hay nói cách khác, tôi làm vì muốn tạo ra hình ảnh là người có điều kiện, làm ăn khá giả khi tha hương.
Tôi biết, cha mẹ nhiều người cũng mong con mình đi xa và thành đạt, trở về dịp Tết với hình thức tốt, đó cũng là sự hãnh diện của ông bà. Nhưng đó cũng là áp lực của cha mẹ đối với con cái. Áp lực như ngày xưa con cái phải học cho thật giỏi để cha mẹ nở mặt nở mày với xóm giềng, bà con, đối tác.
Tôi không đồng ý chuyện cha mẹ lấy sự học giỏi, thành đạt của con làm "trang sức" cho mình, tạo áp lực cho con cái. Nếu con học giỏi, thành công trong cuộc sống, đó là điều đáng mừng; nhưng nếu con cái không đạt được chuẩn thành công nào đó thì cũng chẳng sao. Miễn con cái khỏe mạnh, bình an, hạnh phúc với cuộc sống đang là của con.
Ai cũng biết, mấy năm qua đại dịch COVID-19 đã khiến con người khổ sở, lo lắng nhiều mặt.
Trong đó, ngoài sức khỏe, tính mạng thì sự suy thoái kinh tế kéo theo sau đó đã làm nhiều người điêu đứng vì mất việc, giảm việc, phá sản.
Để có thể trụ lại ở thành phố không phải là chuyện dễ.
"Tết này khó khăn lắm", tôi đã nghe rất nhiều lời than thở chân thành như thế trong bối cảnh tàu xe tăng giá "khét lẹt", vật giá leo thang…
2. Thắt lưng buộc bụng là gợi ý hay, tất nhiên không chỉ vì Tết này khó khăn mà còn là thói quen tiết kiệm nên hình thành trong giới trẻ.
Có nhiều bạn trẻ dường như đứng ngoài câu chuyện suy thoái kinh tế. Có thể do các bạn bận quan tâm tới thời trang mới, những tranh cãi vô bổ trên mạng? Hoặc có thể các bạn không nhìn thấy những lo lắng trên khuôn mặt cha mẹ mình? Hoặc cha mẹ không muốn nói ra khó khăn để con cái không phải lắng lo trong tuổi hoa niên tuyệt đẹp của đời người?
Tết vui là Tết dành cho ngơi nghỉ, nạp năng lượng từ gia đình, đừng bày biện mâm to cỗ nhỏ. Cũng đừng đòi hỏi hay cố quá trong chuyện quà cáp. Đừng là soi mói xem lì xì bao nhiêu...
Quà cáp, cúng kiếng, lì xì vốn là những nét đẹp truyền thống cần gìn giữ nhưng nó phải "tùy cơ ứng biến", "tùy duyên biểu hiện" và dù có như thế nào cũng vui.
Thời hiện đại, khoảng cách không quá xa khi ta có thể bắt máy gọi video cho người thân, xem trực tiếp những gì đang diễn ra cách mình nửa vòng trái đất. Tết theo đó cũng gần trong tay, nên đừng áp lực đường về khi tàu xe khăn khó, lấn chen mỏi mệt…
Tóm lại, đừng vui Tết cho người, phá Tết của mình! Trong tất cả mọi ứng xử, chúng ta hãy nghĩ tới chính mình trong sự thoải mái để không gồng mình sống khác với sự đuối sức, căng thẳng.
Những "tranh luận" về việc ăn một cái Tết sao cho vui, cho đủ đầy mà không phải cố gồng, cố gánh; hay câu hỏi "Tết này về quê hay ở lại thành phố làm thêm"... dường như chưa bao giờ là đề tài cũ vào mỗi dịp năm hết Tết đến.
Mời bạn đọc cùng chia sẻ đến Tuổi Trẻ Online câu chuyện của bản thân hoặc những ý kiến về chủ đề này ở phần bình luận hoặc email về tto@tuoitre.com.vn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận