23/06/2022 16:48 GMT+7

Đức kích hoạt 'giai đoạn báo động' về khí đốt

ANH THƯ
ANH THƯ

TTO - Ngày 23-6, Đức kích hoạt "giai đoạn báo động", giai đoạn hai trong kế hoạch khẩn cấp về khí đốt gồm ba giai đoạn, để đối phó với tình trạng sụt giảm nguồn cung từ Nga trong thời gian gần đây.

Đức kích hoạt giai đoạn báo động về khí đốt - Ảnh 1.

Một cơ sở của đường ống Nord Stream 1 tại Lubmin, Đức - Ảnh: REUTERS

"Khí đốt hiện nay là mặt hàng khan hiếm ở Đức", Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck cho biết vào ngày 23-6. 

Ông Habeck nói "giai đoạn báo động" là giai đoạn thứ hai theo kế hoạch khẩn cấp của chính phủ. 

Theo Hãng tin AFP, "giai đoạn báo động" phản ánh tình hình nguồn cung khí đốt đang xấu đi đáng kể. Ở giai đoạn này, Đức vẫn được đánh giá là đang trong tình thế có thể "xoay xở" được tình hình ở thời điểm hiện tại.

Ngoài ra, bộ trưởng Kinh tế Đức nói rằng các hộ gia đình "có thể tạo sự khác biệt" bằng cách tiết kiệm năng lượng, khi nước này phát động chiến dịch khuyến khích người dân tiết kiệm khí đốt.

Theo Hãng tin Reuters, Chính phủ Đức kích hoạt "giai đoạn báo động" khi nhận thấy nguy cơ cao về tình trạng gián đoạn nguồn cung khí đốt trong dài hạn. Về lý thuyết, việc kích hoạt giai đoạn hai cho phép các công ty năng lượng tăng giá đối với ngành công nghiệp và các hộ gia đình, từ đó giúp giảm nhu cầu tiêu thụ.

Trước đó, ông Habeck thông báo Đức đang soạn thảo một đạo luật mới cho phép nước này tạm thời khởi động lại nhiều nhà máy nhiệt điện than trong thời hạn 2 năm, trong bối cảnh nguồn cung khí đốt sụt giảm. Luật dự kiến sẽ được thông qua trong tháng 7 tới.

Bộ trưởng Habeck cho biết Nga đang sử dụng khí đốt "như một vũ khí" chống lại Đức, nhằm trả đũa việc phương Tây hỗ trợ Ukraine sau khi Matxcơva mở "chiến dịch quân sự đặc biệt" tại nước láng giềng này.

Đức, cũng như nhiều quốc gia châu Âu khác, phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu năng lượng từ Nga để đáp ứng nhu cầu trong nước.

Tuần trước, Tập đoàn năng lượng Nga Gazprom đã giảm 60% lượng khí đốt cấp cho Đức qua đường ống Nord Stream 1, với nguyên nhân do Gazprom đưa ra là có liên quan đến vấn đề bảo trì.

Nền kinh tế lớn nhất châu Âu cũng đã tìm kiếm các nguồn cung mới và đẩy mạnh kế hoạch nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) qua đường biển.

Cùng ngày, ông Frans Timmermans, người đứng đầu chính sách khí hậu của Liên minh châu Âu (EU), cho biết 10 trong số 27 nước thành viên của khối này đã đưa ra "cảnh báo sớm" về nguồn cung khí đốt.

Theo Hãng tin Reuters, đây là mức đầu tiên và ít nghiêm trọng nhất trong 3 mức cảnh báo theo các quy định về an ninh năng lượng của EU.

Thiếu khí đốt từ Nga, châu Âu có thể quay lại xài than Thiếu khí đốt từ Nga, châu Âu có thể quay lại xài than

TTO - Các doanh nghiệp châu Âu nhập khẩu khí đốt của Nga đang tìm kiếm các nguồn cung nhiên liệu thay thế và thậm chí còn cân nhắc quay trở lại sử dụng than đá để bù đắp nguồn khí đốt thâm hụt từ Nga.

ANH THƯ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: khí đốt Đức Nga